Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Cứ thế mà đi



Bạn bảo: Riêng mình thì đang thời kỳ chuẩn bị cho chuyến đi mà mình chỉ biết qua ý thức thôi vì vậy mà đôi khi thấy sợ ma.

Tôi nghĩ là sợ đủ thứ, chứ không riêng ma.
Lấy cảm giác lúc mình ra phi trường đi nước ngoài lần đầu, quả là lo lắng đủ thứ, khi đến một nơi không biết nói tiếng của họ (nên không dám chắc mình qua cõi khác, ma hiểu mình nói gì. híc!), phi trường nhiều gate, biết gate nào là đúng! Biết sẽ thế nào ngày tới! Biết sẽ….

Chính thế khi tuổi già đến, người ta nghĩ đến con đường sẽ đi, chuẩn bị đủ thứ, nhưng vấn đề là chuẩn bị tâm, bởi sự sợ hãi nằm trong tâm.
Vừa rồi khi tôi đến phi trường Doha, chuyển máy bay. Phi trường thật bao la sang trọng, mọi người ai cũng gấp gáp ra cửa, sợ trễ chuyến bay sắp tới, vì đâu biết mình sẽ đi bao xa để đến gate của mình. Tôi cũng lo ngại như vậy, lúc đó tôi có gặp một nhóm người quen, nhưng chỉ kịp chào, rồi ai cũng vội vã, không thể nán lại để kịp mừng nhau, dù rằng rất đang mừng! rất đang muốn dừng lại trao đổi, nhưng nhóm bạn không cùng điểm đến, bảng chỉ dẫn chỉ hai người về hai hướng.

Khi đứng bình yên nơi vé chỉ định rồi, bình tĩnh quan sát, mới biết chỉ ai biết rõ như vậy mới bình tĩnh mà đi, chẳng gì lo âu sợ sệt, vì không tin tưởng nơi chính mình, mà gây nhiều xáo trộn ở bước chuyển này.
Vì phi trường đi nhiều nước nên thấy rõ một dòng trật tự lạ kỳ, cùng vào một cổng, nhưng có một sự hướng dẫn sắp xếp, dòng người như một dòng xe giờ cao điểm, khiến dòng người vẫn như theo một trật tự vô hình tự động tản vào những lối theo nơi mà họ đã định đến. Bước đi rất gấp gáp, không thể suy nghĩ gì được, cứ quẹo bên này rẽ bên kia…

Đâu lo mình sẽ về đâu, mình về nơi mình đã chọn khi mình mua vé, không bao giờ mua vé mà không có nơi đến.

Mình đã làm vất vả một đời để mua vé đi đâu đó, nơi mình chọn tương ứng với số tiền mình dành dụm hết quãng đời. Sự cảm nhận này sẽ thấm dần khiến chúng ta hiểu chúng ta sẽ về đâu, với số nghiệp mình làm, sẽ chọn cho mình nơi đến.

Tôi nghe tâm mình an ổn hơn những ngày chưa hiểu như vậy. Dù rằng ban đầu chỉ nhận trên ý thức, nhưng chúng ta sẽ dần thấy rõ bằng cảm nhận thật sự từng bước đi của mình, qua từng ngày luôn biết rõ những gì mình đang làm cho điểm đến.

Đi không đành...


Lúc bé chỉ đơn giản không đành xa cha mẹ, đi học thì không đành xa bạn bè. Thêm chút nữa, nhiều mối tương giao chằng chịt. Mỗi mối một nơi, đứng giữa đường biết chọn đâu cho đành! Sống chỗ này thì nhớ chỗ mình vừa rời bỏ. Nói chi cha mẹ già, con cái sống mỗi đứa một nơi, biết chọn nơi nào cho trái tim an ổn.
Đầu bạc vẫn chưa chọn được chỗ dừng chân, nếu có vào chùa thì cuối tuần vẫn thầm trông ngóng đứa nào đó đến thăm.
Bức tranh đời vốn thế, có gì để nói.

Nếu chấp nhận là thế thì có gì. Nhưng bạn lại không chấp nhận là thế, bạn vẫn hỏi vì sao bạn không thể sống an bình từng ngày dù bất cứ ở đâu, bởi bất cứ ở đâu, bạn cũng phải hít thở, cũng phải ăn uống… Và lúc nào quanh bạn cũng công việc cũng giao tiếp và bạn bè. Bạn hỏi thế có nghĩa là bạn đã thấy, hoàn cảnh sống có thể thay đổi và chấp nhận, nhưng trong tâm vẫn ngổn ngang không sao sắp gọn lại được.
Tuy nhìn bên ngoài vẫn thấy bạn làm việc nỗ lực, chẳng gì đáng phàn nàn, nhưng bạn cho biết, trong tâm chẳng bao giờ nghe vui trọn. Bạn muốn biết có cách nào để có thể vui!

Câu bạn hỏi làm tôi nhớ đến một trong tám khổ là “ái biệt ly” (thương mến phải chia lìa) tuy có thể không khổ bằng oán tắng hội (không ưa cứ phải gặp) hay ngũ ấm xí thạnh (cơ thể chẳng chịu hòa bình, hết nóng đến lạnh khiến đau nhức vật vả) nhưng nó lại làm cho đời sống không thăng bằng, lúc nào cũng như đi trên đường gập gềnh, nghiêng ngả theo chiều dốc.

Có cách nào! Có thể nào!
Bạn! Bạn đã để cả đời tìm câu hỏi này cho chính bạn và những người đang lao đao như bạn. Không phải bạn không biết cách, nhưng cách bạn biết không phải là điều bạn hay tôi làm được. Chỉ vì chúng ta chỉ chấp nhận chứ không phải trực nhận. Chúng ta chấp nhận lời Phật dạy là có lý, là kim chỉ nam là ngọn đuốc soi đường. Nhưng soi đường cho ai đi thì chưa có câu trả lời. Chúng ta muốn để xuống tất cả nhưng với hai tay níu giữ thật chặt. Tôi muốn để bạn đứng ngay nơi tôi vừa rời xa, nhưng tôi không đành để tôi đi một mình, và tôi đem bóng bạn theo. Và như thế tôi còn sống yên ổn cạnh ai với những bóng hình khác bên cạnh.

Các Bậc thầy đã hết lòng chỉ dạy, nhưng để mọi chuyện ngay chỗ của nó là một quá trình nhìn lại tâm, biết rõ những sinh khởi của tâm và không quá bị cuốn trôi miệt mài theo dòng suy tưởng. Không phải bỏ quên ai (đừng lo là sẽ quên những người chưa muốn quên), nhưng không gây những rối ren hiện tại. Không để bị trôi, vừa chừng cho mọi suy nghĩ nhớ nhung, có lẽ có thể chấp nhận được. Nhưng chúng ta đã làm sự tình không thể chấp nhận ở điểm đã làm đời ta không vui trong hiện tại.

Làm thế nào! Có làm thế nào được bạn. Chỉ khi nào bạn nhận rõ vì sao mình không đành, lúc mà chúng ta hiểu “thị pháp trụ pháp vị” (mỗi pháp ở nơi vị trí của nó), thì may mỗi người mỗi cảnh ở yên vị trí của nó khi mình rời xa.

Khi đã có câu hỏi cho chính mình, sẽ có câu trả lời cho chính mình.

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Sao là gánh nặng



Chị buồn kể, giọng pha chút tủi thân trách móc, khi những người thân của chị đã “quăng” chị xuống bên đường không chút xót thương, và họ thì đã đi với ai khác.

Vì sao chị trịnh trong hai tay bưng bình hoa cẩm chướng kia, bởi đó một bình hoa đẹp. Ngày chị đến với mọi người với giọng nói nhẹ nhàng và nụ cười tươi, như như cô em trong chuyện cổ tích ngày xưa, mỗi lời nói là một bông hoa đẹp rơi ra. Ai không quý mến chị, có thể kể cả tôi.

Chị nghĩ sao nếu nhìn lại những gì chị đang bưng trong tay là một bầy ếch nhái, chị nhẹ nhàng để xuống hay đã hét lên một tiếng thất thanh và quăng ngay xuống. Năm tháng qua đi, lời chị không còn nhã nhặn lịch thiệp mà là những lời cáu gắt, pha chút giận hờn. Chính chị cũng không thể chịu được sự việc như thế nơi người đối diện mà.

Chị lăng thinh suy nghĩ, và đồng ý về những điều đã xảy ra, chị cũng không nghĩ mình là gánh nặng cho người sống cạnh chỉ bởi những lời mai mỉa cáu gắt, nghi kị và bộ mặt nặng cả mấy ngày.

Đâu phải gì nhiều để là gánh nặng, chỉ là những lời trách móc nặng nề, khiến gánh càng lúc càng nặng và người không thể bưng nổi, đành để xuống bên đường. Khi có cảm giác bị bỏ rơi lại càng chồng chất thêm những oán hận.

Chuyện cổ tích từ xưa về hai chị em, một người nói ra là bông hồng khắp nhà, một người nói ra là rắn rít ếch nhái nhảy ra. Lúc bé tôi rất sợ hãi hình vẽ này, sao có người nói ra lời đáng sợ vậy, đâu biết đó chỉ là ẩn dụ.

Về sau mới biết nói những lời không tốt là gây khẩu nghiệp, sẽ chiêu những quả báo không tốt, nói lời thiện sẽ chiêu quả lành. Truyện cổ tích luôn là bài học nhân quả thấm nhuần vào tuổi thơ từ lúc bắt đầu biết đọc. 

Vẫn chút hiểu lầm


Em cười buồn: Con đã quen với sự hiểu lầm và oan trái rồi. Người ta có thể nói về con rất thậm tệ sau lưng con, nhưng trước mặt con không có một lời nào. Năm tháng trôi đi, khổ đau đã làm con trưởng thành hơn. Tuy rằng con vẫn còn buồn. 

Quen không có nghĩa có thể qua được, chỉ càng làm tâm mình thêm “khô cằn” và dần mất lòng tin nơi sự cảm thông.
Tôi nhớ có đọc một câu, không nhớ là của ai: “Sự thông cảm không bao giờ thừa”. Thông cảm cũng không có nghĩa là chấp nhận, nhưng hiểu vì sao họ nói như thế, suy nghĩ như thế. Ai cũng có một cái khuôn chết cứng của mình, và nếu không có dịp học hỏi với thiện tri thức để tầm nhìn rộng hơn, thì càng lúc càng thấy rằng “quen biết khắp thiên hạ, tri âm được mấy người”. Nhưng chữ “mấy người” cũng càng lúc càng bị xóa bỏ, chỉ còn lại hai chữ cô độc.

Tôi không đành lòng nhìn em thế.

Tại sao người khác hiểu lầm mình, cũng chỉ vì những gì mình làm nằm trong “thế gian cơ hiềm giới”, không phải là lỗi lầm gì, nhưng mình đã sống và có những lời nói lẫn hành động thuộc vào sự cơ hiềm của mọi người. Đức Phật rất tế nhị, có những điều Ngài nhắc nhở, không phải là tội khi phạm vào, nhưng là những điều không nên làm để tránh sự chê gièm của người, tránh sự hiểu lầm của người mà thôi.

Chiều xuống, trời càng lạnh, có chút sương nhẹ hay chút mưa rơi, khiến mọi dự định bước ra sân không muốn thực hiện. Đèn đã lên, ánh qua những khung cửa kiếng màu vàng ấm áp. Có một nơi trú ẩn ấm áp qua đêm lạnh là một điều mà những ai không nhà vẫn nghĩ tới.

Khi có được điều này người ta lại mơ điều khác. Dường như ánh sáng từ căn nhà khác tỏa ra vẫn ấm hơn nơi mình đang ngồi dưới đèn. Chính vì không rõ được những biến chuyển trong tâm, nên chúng ta đi từ quyết định sai lầm này qua chọn lựa sai lầm khác.

Em thở dài bảo: Cái gì ở phía trước thật khó mà biết được.

- Nhưng cái có thể biết được là chính tâm mình đang thế nào. Khi rõ biết được tâm mình, em sẽ biết điều em nên làm bây giờ.



“Thế gian cơ hiềm giới”, có nghĩa là giới tránh sự cơ hiềm của thế gian, thí dụ như ở đời có câu “qua giàn lý chớ sửa mũ, qua vườn dưa chớ sửa giày”. Đó là tránh cơ hiềm của người khác khi thấy mất dưa, nhớ lại thấy mình khi đi ngang có cúi xuống họ nghĩ: chắc là hái trộm rồi!.

Cho nên để ý những vấn đề tế nhị này mới đỡ bị hiểu lầm. Nhiều người sống không để ý, nên thường bị tai tiếng không đâu là vậy.

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Để xuống Nhẹ


Tôi nhận được một email chuyển tiếp, với lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Dĩ nhiên là vô cùng chí lý với bạn và tôi.

Ngay câu đầu cũng đã phải ngẫm nghĩ một chút
“Khỏe, không phải là nhấc lên Mạnh, mà là để xuống Nhẹ

Sâu xa của lời Ngài dạy có lẽ tuỳ người cảm nhận, thấu hiểu và ứng dụng.
Có những thứ mình nhấc lên nổi, nhưng đúng là quăng xuống vì không còn cầm nổi, để xuống nhẹ cũng phải có sức mạnh vô song rồi!

Tôi đã phải xấu hổ, khi nhớ lại những gì mình trân trọng nâng lên, sau đó chỉ vì đôi chút bất bình mình quăng mạnh xuống. Tôi có thể để xuống nhẹ nhàng khi thấy không thể giữ được, với một lời từ biệt cũng nhẹ nhàng, vẫn được chứ! Nhưng lúc đó không còn đủ “khoẻ” để biết mình nên làm gì, quả thật không còn “đủ sức” để xuống nhẹ nhàng nữa, cũng không phải buông xuống mà rõ ràng quăng xuống với sự bất bình.

Thế đó, mọi sự đổ vỡ tan thành mảnh nhỏ cứa vào tim nhau, và cho đến tận bây giờ vết thương vẫn chưa lành hẳn.

Giá như ngày đó tôi đọc được câu này, tôi có đủ tỉnh táo mà đặt xuống nhẹ nhàng chăng.

Một lời đơn giản nhắc nhở cả đời, cho những gì đã nhấc lên, khi không thể giữ nổi nữa, hãy đủ sức mạnh để đặt xuống nhẹ nhàng.

Làm thinh mà đi


Có những khúc quanh nguy hiểm

Khi nói với nhau một lời dứt khoát, mọi chuyện vẫn chưa quyết định, bởi chỉ mới trên lời.
Còn khi tâm dứt khoát, đến lời không thể mở miệng mà nói.
Sự dứt khoát phải từ tâm, nó thầm thầm cho đến khi đủ kết thành một quyết định không thể thốt ra thành lời.

Em đã quyết định nhiều lần, em muốn từ bỏ những gì ngăn bước tiến của em, em không muốn mình phải từng ngày thấy vô nghĩa khi vui cười với những gì mà lòng em cho là hạnh phúc.

Vậy mà em vẫn không dứt khoát được, dù đã nhiều lần nói chia tay.

Đó là con đường mòn muôn thuở của tâm vọng động. Khi thấy chiều hướng đi ngược những gì em chọn, là đèn vàng dường như nhấp nháy báo hiệu, một cái đạp thắng dừng.

Sự bất giác hay lơ đễnh khiến xe vượt qua đèn đỏ, qua các bảng cấm báo ngược chiều. Thỉnh thoảng em biết mình đang đi sái đường, và nên trở về. Nhưng điểm đến là một điều còn nhiều hấp lực.

Tôi nhìn bước chân em loạng choạng trên đường không đúng hướng em đã chọn. Bên nước ngoài có những bảng khuyến cáo rất vui, hãy gọi ngay số điện thoại cấp cứu nếu thấy một người say đang điều khiển xe. Nhưng làm sao để biết người trên xe là say, trên bảng vẽ hình một chiếc xe chạy cán qua lằn phân cách đường. Khi đang say, bạn sẽ nhiều lần chạm vào đường ranh, nếu lệch hẳn qua bên kia đường, tai nạn sẽ xảy ra, không  phải cho đời xe, mà là cho đời bạn.

Cứu niềm tin nơi chính mình cũng là cứu niềm tin nơi chính người, mà trên đường gọi là hãy cứu lấy sinh mạng.

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Quạt Ba Tiêu


Đọc Tây Du Ký nhiều đoạn lạ lùng và thú vị, nhất là khi theo bước chân của một Pháp sư Huyền Trang lịch sử, qua những đoạn đường có thật, khiến nhớ lại Tây Du ký thêm phần vui thú.
Con đường có Hỏa Diệm Sơn khiến thầy trò qua không được, là thành phố ốc đảo Cao Xương

Cao Xương là thành phố ốc đảo thuộc bồn địa (lòng chảo) Thổ-lỗ-phồn. Vùng đất này nóng vì do địa thế quá thấp, điểm thấp nhất của lòng chảo là 154m dưới mực nước biển, chỉ sau biển chết -392m. Ở giữa là vùng núi lửa nằm ngang kéo dài 100m, ngọn cao nhất 815m. Mùa nắng khí nóng tỏa ngùn ngụt bốc lên cao, nên nhà thơ Sầm Tham tả rằng trong lòng núi đỏ đó là cả lò than khổng lồ đang đốt cháy. Cao Xương rất nóng vào mùa hè, vùng trung tâm nhiệt độ nóng nhất là 470C. 
Hỏa Diệm Sơn tại Cao Xương (Tân Cương)

 岑參《經火山》
赤焰燒虜云     Xích diệm thiêu lỗ vân,           Lửa đỏ ngút tận trời,
炎氛蒸塞空     Viêm phân chưng tái không.  Khí nóng tỏa biên ải,
不知陰陽炭     Bất tri âm dương thán,           Sao củi than âm dương,
何獨燃此中     Hà độc nhiên thử trung.          Chỉ riêng đốt nơi này.
我來嚴冬時     Ngã lai nghiêm đông thời,       Ta đến lúc trọng đông,
山下多炎風     Sơn hạ đa viêm phong.          Gió nóng phủ chân núi,
人馬盡汗流     Nhân mã tận hãn lưu,             Người ngựa đẫm mồ hôi,
孰知造化功     Thục tri tạo hoá công.             Ai biết được hóa công.
     (Sầm Tham)                                                         (Hạnh Huệ dịch)


Trong truyện Tây Du đến đây, Tôn hành giả phải mượn quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa, “quạt có thể quạt một cái thì lửa tắt, quạt hai cái thì sanh gió, quạt ba cái thì mưa xuống. Khi quạt nhằm con người bay tới tám mươi bốn ngàn dặm mới ngừng”.

Lần đầu Tôn hành giả nhận được quạt giả, xem hồi 59 tả rằng: “Tôn Hành Giả thấy vậy nói rằng: - Xin thầy xuống ngựa, đợi tôi quạt tắt lửa, và mưa xuống cho mát đất rồi sẽ đi . Nói rồi xách quạt chạy tới núi, quạt một quạt lửa cháy rần rần, quạt bồi một cái nữa, lửa cao ngàn trượng! Nó lại cháy lan ra ngoài…”
cả bốn thầy trò chạy một mạch,
Sa Tăng nói: ‘Lửa cháy tới đón đường đi không đặng biết tính làm sao?’ 
Bát Giới nói: ‘Coi phía nào không lửa thi đi’.
Tam Tạng hỏi: ‘Ngõ nào không lửa?’
Bát Giới nói: ‘ Thiếu gì, phía Nam và phía Bắc, phía Ðông, đời nào có núi lửa’.
Tam Tạng hỏi:’Kinh ở phía nào?’
Bát Giới nói: ‘Kinh ở phía Tây’.
Tam Tạng nói: ‘Bề nào cũng đi phía có kinh’.
Sa Tăng nói: ‘Khó dữ a! Phía có kinh thì có lửa, phía không lửa lại không kinh, thiệt hại lẽ không bề lui tới!’

Trong truyện còn ba hướng để đi, cuộc sống còn hướng nào để đi, bỏ chạy ra khỏi nơi mình sống à? Nhưng biết chạy đâu khi thế gian là nhà lửa! Và cái quạt mình nắm trong tay để quạt tắt lửa lại là quạt giả, chỉ cần phẩy một cái là lửa bùng lên tứ phía. Một lời mình góp vào, hỏa diệm sơn không làm nguội bớt mà còn làm nó bốc cao hơn.
Buồn! Khi thấy cuộc sống đã là nhà lửa mà chính mình còn là một hỏa diệm sơn, không ai đến gần được.

Đọc tiếp Tây Du, khi được sự hỗ trợ của bồ tát, Tôn hành giả có được cây quạt “thiệt”, thì:
Còn Tôn Hành Giả cầm quạt Ba tiêu, chuyển lực quạt một quạt, thì lửa đã tắt rồi!
Tôn Hành Giả mừng thầm, quạt bồi một cái nữa, nghe gió thổi rao rao, mát mẻ hết thảy.
Quạt một cái nữa trời mưa chứa chan, chỗ nào có lửa thì mưa, còn chỗ nào không lửa thì nắng, bởi cớ ấy nên ai nấy không ướt quần áo. 

Hay thiệt! Chỗ nào không lửa thì nắng, đã không lửa thì cần gì mưa cho tắt lửa chứ.

Nhưng cái khó của mình là cây quạt ba tiêu tìm đâu chứ?

Bạn cười bảo, thì tìm trong Kinh chứ đâu, khi nào chính mình gặp được, thì may ra mới quạt tắt được lửa đang ngùn ngụt đốt cháy tâm can mình từng ngày.          
Nói cho nhiều chẳng qua tìm cho được cây quạt ba tiêu,    

Các bậc Tổ sư đôi khi mất mấy mươi năm để đi tìm, cuối cùng thật ngạc nhiên, hóa ra đang trong tay mình. Đang trong tay mình, các ngài bảo thế. Nhưng quả là:

"Tam thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi
Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu
Trực đáo như kim cánh bất nghi"

Ba mươi năm qua tìm kiếm khách
Bao lần lá rụng lại đâm chồi
Từ khi thấy được hoa đào nở
Mãi đến bây giờ lại chẳng nghi.

Như nhánh đào phai


Em hỏi: Nhưng còn nỗi đau khi phải chứng kiến những sự thật
oan trái và nghiệt ngã với mình thì sao? Những tình huống mà mình dù có nằm mơ cũng chẳng bao giờ nghĩ  tới. Và thưa Thầy, đâu có phải ai cũng có khả năng làm mình đau và tổn thương?

Cũng may thời gian làm phôi pha nhiều thứ, cho dù là những điều muốn quên hay không muốn quên.

Những khoảnh khắc bất chợt gặp nhau, người ta đều nói, giá như sớm hơn một chút hay trễ hơn một chút ta đã lạc nhau.
Rồi, cái còn lại trong tay dường như là nghiệt ngã, cái rời khỏi tầm tay mới là cái mình mong giữ lại, nhưng hình như khi giữ được nó lại trở thành nghiệt ngã, và mong từ bỏ.

Còn những cảnh đời khác, cái nghiệt ngã xuất hiện từ đầu, khiến người ta phải ngậm đắng nuốt cay từ bước đầu tiên gặp gỡ. Có lẽ thời gian chịu đựng rất dài, dài hơn năm tháng. Nhưng nó cũng chỉ dài bằng thời gian ta tạo nghiệp. Số tiền mình trả cũng bằng số tiền mình vay, đôi khi cộng thêm tiền lãi khiến gánh nặng đã nặng lại nặng thêm. Nhưng ngay lúc mình vay, nó giúp mình giải quyết gấp được những việc cần kíp khi đó. Mình nghĩ mình chịu được số tiền sẽ trả sau đó, nhưng thật sự không ai chịu nổi một số lãi quá cao như vậy.

Bạn, tất cả cảnh đời như một vòng xoay của vay mượn và trả. Bình tâm nghĩ lại, sự việc chồng chất khiến mình không kham chỉ vì chưa thấu hiểu hai chữ nhân duyên mà thôi. Sự nghiệt ngã đang chịu ngày hôm nay cũng chính do mình gây tạo. Nên có bài hát rằng:
“Nếu biết trước lầm gây nghiệp bất bình, cố gắng thanh toán trong vô tâm..”
Nhưng tiếc rằng mình không thanh toán trong vô tâm mà thanh toán trong ý nghĩ tranh phần hơn. Nhưng rồi không thể hơn, nghĩa là chưa thể bỏ chạy được, nên mọi thứ lại rối ren thêm.

Nỗi đau khi còn tâm phân biệt thì khó có ngày tàn, nó chỉ nhạt đi như nhánh “đào phai” hôm tết, nhưng vẫn còn chút sắc hồng dù nhạt, là nỗi đau của vết thương!




Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Chưa biết là xa


UK Sat, 25 Feb 2012

Mấy hôm nay tôi vẫn chưa có cảm giác rời xa, vẫn chưa biết mình đã qua một nước khác. Nói gì đến khi chết mà biết mình đã chết! Dù có lời khai thị, tâm đương sự vẫn chưa thật nhận ra. Vẫn còn quanh quẩn với những gì thân quen.

Đây là điều chúng ta cần lưu ý trong quá trình tu tập. Cứ luôn nhận biết những diễn biến của tâm, chỉ nhận biết thôi, chưa cần làm gì, mà dù có muốn làm gì, mình làm được gì. Có làm cũng chỉ trên “ý thức” nên luôn tưởng lầm rằng mình làm được, mình nhận được.

Chưa đâu, phải đi đến cuối con đường ý thức, tức chỗ đầu sào trăm trượng… nhảy một bước. Hiện nay chúng ta đầu sào còn chưa biết là đâu, nên việc tu tập còn phải để tâm nhiều, nói gì mỗi ngày cứ theo niệm mà mong nhận cho ra. Chính vậy việc tu phải thầm từng ngày từng ngày, mỗi lúc chợt nhớ lại chính mình.

Đầu sào trăm trượng, chúng ta cứ nói đến. Nhưng một chút tâm phân biệt kia đây cũng không dám dừng, cũng luôn cho rằng biện biệt của mình là đúng (dù chưa dám nói đúng hơn người!). Tôi nhớ ngày trước luôn thắc mắc điểm này, thưa hỏi mãi cũng chưa giải quyết được mối nghi. Sau dần hiểu, nương cây sào để lên được đến đầu sào, nương tay gượng của cây cầu khỉ lắt lẻo gập ghềnh khó qua kia, mà qua được con sông nơi miền Tây đầy sông nước.

Ngày nay mạng intenet khiến chúng ta gần người ở xa và xa người ở gần.  Hôm qua đi xe tram, hết chỗ, phải đứng nơi bước lên,  quanh tôi là bốn người, với bốn cái điện thoại đang nói với ai đó “tuy xa mà gần”. Còn thế giới hiện hữu quanh dường như không có. Nếu tôi cũng lấy điện thoại ra và gọi cho bạn thì cả xe này cũng biến mất, chỉ còn giọng nói của bạn và nét mặt ngày chia tay! Nhưng may là giờ giấc sai khác, có thể giờ này bạn đang trên thiền đường, nên tôi còn đứng đây, tay níu lấy cây vịn để khỏi ngả nghiêng theo những khúc quanh, để thấy mình đang ở một nơi chung quanh đầy những khuôn mặt lạ.

Và chợt thấy gì nữa nhỉ! 

Tâm vu khống


Em nói, “con chỉ chia sẻ, xin đừng gán ghép con vào những việc đó”.
Có thể em thực tình nói thế, em không biết nói như thế dưới nhận định của người khác là khoe khoang hay tự phụ.

Khi chúng ta nhận định về ai đó, hoặc bị người chung quanh nhận định. Khi giải bày ra, ai cũng có cảm giác  mình bị gán ghép vào những tội mà chính mình không hay biết.

Khó mà biết nhận định nào đúng, nhận định nào sai lầm trên một sự kiện.

Kết luận vội vã cũng khó lòng không khởi trong ta khi có một sự việc qua mắt qua tai.

Từ nào đến giờ có lẽ bạn vẫn cho rằng mình không có tâm chụp mũ vu khống ai. Hóa ra chính mình không biết mà thôi. Bạn quên những buồn phiền khó nguôi khi chính mình là nạn nhân của những nhận định? Ai chẳng nhiều lần là nạn nhân của những lời được thốt ra vô tội vạ, nhưng gây phiền phức biết bao cho người khác. Vì những dẫn chứng được nêu lên truyền nhau mà không đích xác xuất phát từ đâu. Và chính mình không nghĩ rằng đã nhiều lần buột miệng nói ra những lời vô tình gây nên khổ sầu cho người quanh mình như thế, bởi những lời phỏng đoán theo tư kiến.
“Ít nói, chớ vội nhận định phê phán ai khi chưa hiểu hết sự việc” - là những lời luôn được răn nhắc trong thiền môn. Những chứng cứ được dẫn ra để minh chứng lời mình không vu khống chỉ dựa vào những lời nghe kể lại, quả thật nguy hiểm.

Có một lần em bảo tôi vu khống em, dĩ nhiên tôi rất bực hay đúng hơn là giận, vì tôi nghĩ tôi mà vu khống ai à. Nhưng sau rồi hiểu, ai cũng có cảm giác mình bị kết luận những điều không đúng. Sự phản kháng chỉ có thể thốt ra rằng, “tôi bị nói oan!” hay “Hiểu lầm rồi!”

Có lẽ chỉ có thể cẩn trọng mà nói rằng, mọi việc trên đời tương đối mà thôi. Mình hay người đều lâm vào hoàn cảnh vừa nêu, khi là nạn nhân, khi là người phê phán. Và ở vai trò nào cũng đều cho rằng “tôi đúng” nếu mình là người nhận định, và “tôi oan” nếu là người đang bị mọi người phê phán.

Thế thì câu kết luận cho bài viết này ở đâu? Ở trong ý của mỗi người vậy.


Nói cho nhau nghe

khung trời ngày cũ
1-
 Mai tôi đi em đừng buồn.
Em đáp với giọng thật nhẹ, con quen rồi.
Tôi vẫn nghĩ em đã quen nhiều cuộc chia tay trong đời, nên không buồn khi có một cuộc chia tay nữa. Trước khi đi, có dịp tôi hỏi chữ “quen rồi” của em có nghĩa thế nào. Em đáp, em đã quen với những nỗi buồn. Đời em quá nhiều nỗi buồn!
Lời em nói rơi trong sương lạnh, hay rơi vào tâm tôi một nỗi buồn nhẹ cho một đời người. Em luôn bình thản và có nụ cười khi trả lời mọi câu hỏi.
Em không rõ được chính em, nên cuộc sống cứ chồng chất thêm những điều cô độc và hiu quạnh.
Ai cũng thấy mình sống hết lòng. Nghĩa là luôn “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”, và có nhận chăng là nhận những cay đắng bội bạc.
Âm hưởng buồn phiền về những điều cho và nhận không tương xứng, luôn vương đâu đó trong lời nói hay ý nghĩ của chúng ta.
Có gì không tương xứng trong cán cân của nghiệp?
Có lẽ câu trả lời phải từ chính em, em cần nhận rõ trong những bước đi đầy tự tin của em, trong cách hành xử của em, vì sao em chỉ nhận được sự hiểu lầm và lạnh nhạt.

2- 
Mọi chuyện em cần kiên nhẫn và luôn nhớ rằng, khó ai có thể hiểu mình, nhớ vậy để khi gặp hiểu lầm sẽ đỡ buồn. Điều quan trọng là mình hiểu được mình, vì hiểu được chính mình là một điều khó khăn không kém. Mình ít dám chấp nhận mình như thế, nên luôn tự bào chữa cho chính mình dù chỉ với riêng mình.
việc tu tập luôn đòi hỏi thời gian lâu dài. Nếu khi nhìn ra thấy không ai sửa đổi được gì có nghĩa là chính mình cũng chưa sửa đổi được gì, vẫn còn giữ cái nhìn cứng ngắt về người. Thì làm sao mong ai đổi cái nhìn về mình được.

3- 
Em nói: Nhưng có những cay đắng những tổn thương trong lòng, mình đã quên rồi mà đôi khi nghĩ lại vẫn còn thấy đau. Con đã trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn nơi này. Con không trách ai, chỉ tự trách mình thôi. Trách mình không đủ sức KHAM NHẪN.

Cay đắng và tổn thương dĩ nhiên không thể nguôi ngay được, dù cố gắng bỏ qua thế nào đi nữa. Đâu phải vài năm, mà đôi khi cả mươi năm sau vẫn còn thấy đau. Như vậy mới biết đừng nên nói những lời gây tổn thương sâu sắc cho ai. Đây là điều tôi thường răn nhắc chính mình, bởi có những vết thương quá đau, tuy đã cho qua và hòa lại rồi, nhưng chạm đến vẫn đau.
Có một bài thơ, tôi làm lúc nghe một lời nói quá đau!

Tôi vẫn khuyên em đừng thất vọng,
mà chiều nay hồn nổi gió lao xao.
Lời ai thốt
cơ hồ
trời mịt lối.
Một chút sương sa khuất mặt đường.

Tôi vẫn đau một nỗi đau như em,
trước những ngôn từ như muối xát,
nhưng vẫn nhắc với tôi đừng thất vọng
chút bóng mây một thoáng chợt tàn.

gió thổi qua,
nỗi buồn chỉ như sương sa bất chợt
Và niềm tin,
đủ còn soi lối tôi về.
*
Khi đi đường dốc mà sương đột nhiên xuống dầy, rất nguy hiểm, sương dầy mà đường lại quanh co. Cái cảm giác khi lúc nghe một lời nói cũng thế. Bài thơ này sẽ giúp chúng ta tỉnh lại!
Có gì đâu mà gây cho nhau đau đớn đến vậy, chỉ tự răn nhắc mình đừng thế mà thôi. Tôi thường nhắc cẩn trọng lời nói là vậy, đừng quá đoan chắc ai về điều gì, nếu hiểu lầm thì tội cho ngừơi cũng như mình đã từng là nạn nhân vậy.

Vầng trăng ở lại


Thư pháp thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Giữa
 sa mạc lửa
còn
suối nước trong,
đám mây qua sông,
vầng trăng ở lại

Tôi đọc bức thư pháp này có lẽ từ lâu lắm từ cái ngày gặp Huyền Dung, nhưng mọi thứ trôi qua dường như không để lại dấu vết. Hôm nay tình cờ gặp lại, bức tranh treo trang trọng trên tường. Như nhắc một điều xưa cũ, như nhắc cuộc sống vẫn đang trôi giữa sa mạc lửa của bực dọc sân giận bởi những điều chẳng đâu ra đâu. Hoặc giả những điều quá quan trọng lớn lao khiến cơn lửa thiêu đốt lan tỏa đến những ai ở trong từ trường đó. Nhưng điều quan trọng – nếu cho rằng có gì quan trọng! là đương sự không nhận ra là đang thiêu đốt chính mình.

Nhưng thật bất ngờ giữa sa mạc nóng bỏng đó có một suối nước trong. Tôi nhớ đến con đường gian lao của Tam tạng Huyền Trang, người đã đi qua sa mạc hiểm nghèo, may có những suối nước trong giúp Người đi mãi đến Thiên Trúc tận trời Tây kia.

A! may có suối nước trong giúp chúng ta qua cơn nóng bức. Có người cho là đó là giọt nước cành dương của Bồ Tát Quán thế Âm.
Có lần tôi đứng trước tôn tượng của Ngài với câu thư pháp “Phản văn văn tự tánh”, hoá ra nghe lại chính mình chứ không phải để nghe lời cầu cứu sao. Băn khoan thật!
Thôi thì cứ để như công án, cho ai một lần băn khoăn như thế.

Đám mây qua sông. Mây thì phải trôi, phải tan dễ hiểu rồi. Chỉ dễ hiểu thôi, còn đám mây nào đến mình cũng muốn giữ rịt lại, mây mà giữ được sao! Đau buồn từ đó chăng khi muốn níu giữ những gì đã trôi qua, nên vầng trăng kia mãi bị mây che mờ!


Và  câu chót mới thật giật mình: Vầng trăng ở lại.
Vầng trăng ở lại. Vầng trăng nào ở lại, chẳng liên quan đến đầy vơi. Có góc nhìn nào mà vầng trăng ở lại!

Nhật ký trên đất khách




Sunday 19 Feb 2012


Hôm nay trời vẫn 1 độ C từ khuya, và bây giờ dù nắng đang lên vẫn còn khí lạnh tỏa khắp.Nhưng ánh nắng vàng qua khí lạnh vẫn mang một sắc thái chẳng phải nơi quê nhà.  

Tâm tình của người xa quê rất phức tạp, nó là một cảm thức giằng co thầm, vi tế đến nỗi nếu không bén nhạy rất khó nhận ra. cảm thức không buồn, nhưng chẳng thể thể vui trọn. Có một cái gì vướng víu, như một người quay lưng từ bỏ gia đình để lên đường tìm đạo, dù rằng chí nguyện không phai, nhưng thâm sâu có những cảm thức rất khó diễn tả, như người bỏ quê nhà ra đi, khi đi họ cho rằng quê nhà chẳng còn gì để giữ chân giữ tâm họ nữa, cái phũ phàng của đời sống đã làm họ không còn muốn trở lại. Lúc đó họ đâu biết cảm thức này! Chỉ khi rời xa thật sự, mới cảm thấy khó chịu.


Điều này giải thích vì sao, người ta không thể giải thoát dù đang ở chốn núi cao hay rừng thẳm, chỉ bởi họ không lường được vi tế của tâm, không lường được sự nắm giữ của tâm và trên hết họ không thể nhận ra sự ảo hóa (maya) của tâm. Khi còn tin tâm vọng động này, mọi cố gắng chỉ trên bề mặt, và chỉ trên bề mặt của nhận thức mà thôi.




Có lẽ đi đây đi kia rồi rồi mới thấy chỗ mình đang sống là tốt nhất để tu tập! Dù khi đang sống có nhiều thứ rắc rối, nhưng bước ra còn thấy ngán hơn. Chúng ta chướng lẫn nhau, làm khổ lẫn nhau mà vẫn chưa ngán, nghĩa là sẵn sàng tiếp tục làm khổ nhau mãi mãi… nên khi sống thấy mình ít có quyết tâm thay đổi vận mệnh của mình cho khá hơn, mà hình như chỉ làm cho tệ hơn bởi so đo bực dọc.


Sáng nay trời lạnh hơn -3 độ C nhìn trên các mái nhà sương đóng trắng như trong tủ lạnh, mặt đường sẽ nguy hiểm hơn bởi một lớp nước đá trong vắt, nhìn không thấy nhưng dẫm lên sẽ trượt. Bâng khuâng nhớ đời sống cũng vậy, mọi thứ quá trong suốt, nên mình vô tình đi ngang và ngã ngay khi đó. Người ta có loại giày đinh dưới đế để bám vào mặt nước đá khôn dò đó, tránh sự trượt ngã. Và tỉnh giác chính là những sức bám vào hiện tại, để khỏi trượt theo dòng vọng tưởng đang sai sử. Nhưng mấy ai trang bị nó để giữ an toàn cho mình trên con đường dài nhiều hiểm nghèo bất trắc khôn dò!

Nhắc một lối về

Không biết có gọi là may mắn chăng,
khi người thân không thể gần,
đám mây trắng kia tụ rồi tán,
kết những bóng hình chưa kịp rõ,
đã tản xa.



Tôi vẫn còn đứng trên đỉnh sương mù,
cố tìm bóng hình cũ trong sương mờ,
nhưng sương dầy hơn ngày cũ,


có tiếng sương rơi,
nhắc một lối về.