Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Khoảng cách

Trời chiều
Bạn nhìn xem chiều đã xuống, ánh chiều còn sáng trên bầu trời xanh. Bạn thử đoán xem mấy giờ. Một chút nắng vừa tàn có lẽ 6 giờ bạn nhỉ.

Vậy mà trời hơn 8 giờ tối. 

Một chút sai khác thôi, người ta biết rằng đã cách xa nhau nửa vòng trái đất. 

Một chút khác ý thì chúng ta cũng cách xa nhau, một khoảng cách chưa biết lấy gì để đo. Nhận ra rằng cái đúng của mình không phải là cái đúng của người, điều đơn giản như vậy cũng phải mất nhiều năm để thấu đáo. 

Mới thấy khoảng cách đại dương chưa đáng sợ bằng khoảng cách vô hình trong tâm nhau.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Ánh trăng lỗi nhịp

trăng lên vào buổi chiều khi nắng chưa tắt
trăng lặn vào buổi sáng khi ánh mặt trời vừa lên


Buổi chiều trăng đã lên đi dần vào giữa trời nhưng chẳng ai để ý. Ánh mặt trời chưa tàn, còn rực rỡ nơi vòm cây.

Cái nhịp quá sớm kia, tuy cũng là chính ánh trăng, nhưng chẳng nói lên điều gì, cũng không là tiêu điểm để ngắm, để làm thơ, để vào những áng thơ bất hủ.

Buổi sáng, ánh trăng tuyệt vời nửa đêm đã không còn rơi vào tầm ngắm của ai nữa. Nó lặng lẽ chìm về hướng tây. Những ngọn trúc trên nền trời xanh đã có ánh mặt trời soi sáng.

Cái lỗi nhịp kia, khiến chúng ta chẳng thể gặp nhau. Nhưng sự lỗi nhịp cần thiết để có một nhịp cùng với trời đêm. Nếu không có nhịp lặng lẽ lên từ lúc chiều chưa tắt, thì đêm nay có ánh trăng nào rạng rỡ giữa đêm.

Nếu không có cái lặng lẽ từng ngày thì có đâu đêm nay vầng trăng sáng tỏ giữa khoảng trời đen tối. 

Hề chi một chút lỗi nhịp đời!


Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Sao cho kịp


Cuối cùng, chẳng lẽ chỉ còn là chịu đựng nhau. Bạn hỏi thế.

Câu hỏi thật khó có một đáp án gọi là hoàn chỉnh. Bảo rằng không, thì bạn sẽ nên làm gì để khỏi im lặng. Nếu bảo là đúng thì cuối đường luôn là ngõ cụt hay sao.

Câu hỏi đó chỉ trong một lúc muộn phiền, nhưng sau khi mọi chuyện bình ổn lại thì chúng ta quên tìm một giải đáp cho tâm. Cho đến khi sự việc buồn phiền tái diễn.

Câu trả lời nằm trong khoảnh khắc bạn không buồn phiền, mọi thứ có lẽ chúng ta tập từ lúc học thi, chứ không phải trong phòng thi. Nếu bình thường không học thì như các bậc Thầy nhắc rằng: “Đến sông không thuyền”, “khát nước mới đào giếng”… thì làm sao có thể xoay sở tâm cho kịp.


Những gì chúng ta đã biết, có lẽ cần ít thời giờ để ý đến, dù bận rộn cách nào. Mỗi ngày nếu không để chút thời giờ biết lại những vọng động suy nghĩ của mình, thì khó lòng dừng lại khi muộn phiền dấy khởi.