Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

tình cùng vô tình


Tiếng rơi vỡ, tiếng vang lớn trong đêm, trà và mảnh vỡ lẫn vào nhau, một màu trà!

Kỷ niệm vỡ tan, hình ảnh chỉ còn nơi bức hình chụp hôm nào. Bình trà có từ lúc tôi bắt đầu uống trà, coi là người bạn, đi xa cũng đem theo, bình trà nhỏ như một trái quýt, và chung trà nhỏ hơn! Bình thường tôi ít để ai rửa, chỉ sợ rơi vỡ, người có lòng tốt dọn dẹp kia sẽ áy náy, vì biết tìm đâu bình trà như thế mà trả lại.

May chính tôi đi trong đêm tối đụng vào bàn, bình trà rơi vỡ. Tâm tình khép lại, vật vô tình, nó chứa tình trong cái vô tình, khiến cho những vật vô tình kia có một linh hồn!

Có thể là một đóa hoa bên đường, hễ tâm người chạm đến là nó có sự sống. Có lẽ vậy mà tình cùng với vô tình cùng thành Phật đạo chăng.
Nhìn sự đắn đo của một người dẹp tủ, dọn nhà. Cầm vật nào lên thấy cũng chưa đáng bỏ đi, người ta gọi chung là tính gom giữ, nhưng có thể nghĩ nhẹ hơn chăng, có một chút tình vương lại khiến người ta chưa đoạn đành.

Tính không đoạn đành đó, ở mặt tiêu cực là một tính chấp giữ, nhưng nhìn sâu xa hơn, vốn là hữu tình, nên đối với muôn vật còn lưu một chút tình. Vì thế sự giải thoát ít ai nghĩ đến, vì vương víu mãi chút tình nơi trần gian này.

Đến như các vị Bồ Tát kia cũng không đành lòng để chúng sanh giữa biển đời bơ vơ, đành phải phát nguyện:

Chúng sanh độ tận, phương chứng bồ đề (độ hết chúng sanh ra khỏi biển khổ mới chứng bồ đề).

Hóa ra chỉ tùy sự “không đành” ở mặt nào mà bi lụy hay xây dựng một đời tốt đẹp!
*
Bạn thấy tôi gom mảnh vỡ bỏ đi, khẽ bảo: Cẩn thận coi chừng đứt tay! 

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Chỉ thế mà vui chăng!





Một lần, hai lần… đến lần này hết kiên nhẫn xem mấy lần. Hóa ra người ta vẫn “giận” một vật vô tình.

Có một chuyện kể thế này, một chiếc thuyền trên sông bị thuyền khác đâm sầm vào, chủ nhân nổi nóng bước ra định gây sự, nhưng chiếc thuyền kia không có người, chỉ là gió vô tình thổi chạm vào thôi. Thế là cơn giận hạ xuống.

Đọc mẩu chuyện ẩn dụ này, tự nghĩ cái gì vô tình khó mà giận, nhưng nay cả thành phố bực bội khi mạng cứ rớt từng chặp. Vậy là trái ý thì bực thôi, hữu tình vô tình gì cũng thế.

Hai chữ “trái ý” gây phiền phức cả đời, nên ngày Tết người ta chúc nhau “vạn sự như ý”. Ôi! Chỉ vài sự còn không như ý được, nói chi đến vạn sự.
Gốc khổ ở sự ước muốn, mong cầu. Biết vậy, may ra có bớt khổ một chút, nghĩa là muốn như ý, nếu không như ý thì ý mình như như cho khỏi bực dọc!

Có lần tôi nêu câu hỏi “Có khi nào mình được mà người không mất?" Vì thường hễ mình được thì người phải mất cái mình được. Chưa có câu trả lời, dù câu hỏi đã đưa ra khá lâu. Dĩ nhiên bóng đá là rõ ràng nhất giữa sự được mất. Và tâm trí chao đảo theo quả bóng lăn.

Hôm qua loay hoay không kết nối được, chờ đợi, tôi đọc Trang Tử, có đoạn ở chương Điền Tử Phương. Đọc xong như tỉnh ra, không lấy gì làm vinh, không lấy gì làm lo, chỉ thế đời may ra nhẹ nhàng chăng. Sống chỉ là đem hết sức mà làm, còn đến cũng là duyên đến, tan cũng là duyên tan. Một đời không tranh giành cho mình được. Cứ thế mà vui, như Thúc Ngao chăng!

- Ông ba lần làm lệnh doãn nước Sở mà không lấy vậy làm vinh, ba lần mất chức đó mà không lo buồn; mới đầu tôi không tin nhưng bây giờ tôi thấy hơi thở ở mũi ông thật thư thái. Ông trị nội tâm cách nào mà được như vậy?
Tôn Thúc Ngao đáp:
- Tôi có gì hơn người đâu? Chức lệnh doãn tới, tôi không từ chối nó; nó đi, tôi không ngăn cản nó. Tôi cho sự được hay mất không tuỳ thuộc tôi, cho nên tôi không lo buồn, thế thôi. Tôi có hơn gì người đâu? Với lại tôi không biết nó là của người hay của tôi? Nếu nó là của người thì không liên quan gì tới tôi; nếu nó là của tôi thì nó không liên quan gì tới người. Khi còn trù trừ nghi ngờ như vậy, tôi nhìn khắp chung quanh (để tìm hiểu) thì còn thì giờ đâu mà nghĩ đến vấn đề sang và hèn của người đời nữa?
Trọng Ni nghe được lời đó, bảo:
- Ông ấy là bậc chân nhân thời cổ. Trí tuệ không thuyết phục được ông ấy, sắc đẹp không dụ dỗ ông ấy được, đạo tặc không cướp của ông ấy được. Hoàng Đế và Phục Hi có muốn làm bạn với ông ấy cũng không được. Sống chết là việc lớn mà không làm đổi lòng ông ấy được, huống hồ tước lộc! Một người như vậy, nhờ tinh thần, vượt núi Thái Sơn mà không bị trở ngại, xuống vực sâu mà không bị ướt, ở địa vị thấp hèn mà không khốn khổ, tinh thần tràn ngập khắp trời đất, càng cho người thì mình càng có nhiều thêm.
[Kiên Ngô là một ẩn sĩ. Tôn Thúc Ngao là một hiền sĩ nước Sở.]






Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Chỉ là thế thôi


Tôi vừa nói bạn đã phản bác lời đề nghị của tôi ngay, nhanh đến nỗi tôi chưa kịp nhớ mình đã nói gì, đã vội phản bác lại câu bạn từ chối.


Khoảng im lặng giữa hai người đủ để mỗi người bình tâm nghĩ xem mình đã phản ứng nhanh thế nào.

Câu nói của người sau thường là: Từ nay tôi không dám có ý kiến nữa.
Nhưng rồi đâu dễ mà không có ý kiến, nên sự việc sẽ lặp đi lặp lại như thế từ ... kiếp này sang kiếp khác!

Đề nghị, phản bác, giận dỗi... cứ thế sự việc diễn tiến trong bất giác từ đời này, tích chứa lại những vui buồn đem sang đời khác cũng như thế...

Cho đến khi mọi sự được quyết tâm xem xét lại. Chỉnh sửa nào cũng từ mình mà thôi. Mình dừng thì mọi thứ mới dừng. Chứ mong người dừng trước để mình dừng, là ước muốn chung. Và như thế đến kiếp này vẫn chưa thấy người khá hơn, mà quên rằng chính mình còn tệ hơn!

Ái chà! Người ta luôn muốn thế giới tốt đẹp hơn mà quên rằng bước chân mình đang đi đâu, tay mình đang làm gì, xây dựng hay gây đổ vỡ!

Nắng đã dịu và cơn nóng gay gắt cũng dịu theo ánh chiều. Ánh chiều của trời hay của đời người cũng thế. Sau một đêm mọi sự trở lại như cũ, khi mát mẻ người ta tạm quên cơn nóng khổ đau, vui buồn đắp đổi qua bốn mùa vần xoay. Sau một đời, qua đời khác cũng qua bốn mùa -sanh lão bệnh tử.

Gấp gấp phản bác, chỉ là một chút thiếu tỉnh giác. 



Chỉ là một chút thiếu tỉnh giác! Chỉ có thế mà đành trôi nổi sao!

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Nơi nào an toàn?


cơn mưa chiều nay

Trời mưa, dịu lại cơn oi bức. Buổi tối sau cơn mưa là mối và đủ thứ côn trùng lao vào ánh đèn.

Cuộc sống ở miền quê khó khăn hơn thành thị, nhưng có một cái hơn là không khí để thở! Tuy rằng không khí ở đâu cũng bị nhiễm bởi khói từ các nhà máy tỏa ra mịt mù. Có chỗ nào an toàn? Có nơi nào không có động đất, sóng thần, gió xoáy, bão táp...

Ban đầu bạn cho là tâm, nhưng nghĩ lại thì cái tâm vọng động chông chênh còn hơn mảnh đất trăm ngàn đe dọa kia. Chỉ là ý nghĩ mà tâm chịu động đất, sóng thần, bão táp... người ta có thể thoát được biến chuyển bên ngoài, nhưng bên trong tâm kia lại không chống đỡ được. Người ta không trốn vào đâu được với những nỗi đau vô hình nhưng còn thực hơn vết thương trên thân.


Bình an và hạnh phúc, từ cuộc sống đến nội tâm là điều chúng ta mong ước có cho mình và người. Và các nhà môi trường, tất cả những ai quan tâm đến trái đất này đều lên tiếng với biết bao đề nghị để cứu lấy trái đất lơ lửng không đâu bám víu kia. Các bậc thầy đã lên tiếng với biết bao lời chỉ dẫn để chúng ta tìm thấy sự bình an trong nội tâm.

Nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chưa sáng sủa hơn. Chúng ta vẫn còn đau với những vết thương trong tâm,và những tai ương bên ngoài. Không những thiên nhiên vô tình đem đến mà con người hữu tình biết suy nghĩ kia cũng góp phần đem đến đau khổ cho nhau.

Bạn thường hỏi tôi về những suy nghĩ này. Một suy nghĩ mà câu trả lời nằm nơi tâm và hành động của mỗi người. Biết sao khi chúng ta còn nghĩ đến cá nhân mình nhiều quá, còn muốn mình được lợi hơn người nhiều quá.

Mỗi ngày đi ngang bãi rác được vất vô tội vạ bên đường mà khi bỏ rác khỏi tốn tiền mỗi tháng, tôi ngẫm nghĩ về câu hỏi của bạn, mà tôi đang hẹn sẽ trả lời. Ngắm đống rác càng lúc càng cao, ngày nào tôi cũng phải đi ngang, và tự hỏi, câu trả lời cho bạn có thể tìm thấy nơi bãi rác chăng. Vấn đề bạn hỏi quá lớn, trong khi vấn đề của tôi chỉ là, làm sao cho đừng có đống rác tự ý này, để ít nhất còn thấy một chút đóng góp bảo vệ cho cái gọi là hành tinh xanh! Trước khi nói đến một cái gì xa hơn bước chân mình.