Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Hoa vàng bên tre



Một đóa hoa vàng bên gốc tre, được quan tâm bởi nó lạ, nó không nằm trong vườn hoa muôn sắc màu, mà bên gốc tre cằn cỗi.

Ai cũng muốn có một đặc điểm gì đó, khiến mình khác mọi người. Nếu chỉ là đóa hoa trong vườn hoa kia thì ai biết đến.

Trong Hoàng Tử Bé có một đoạn rằng:
Và chàng cảm thấy vô cùng khổ sở. Đóa hoa của chàng từng đã kể lể rành mạch cho chàng rõ là nàng ta vốn là một cành thiên hương duy nhất trong chủng loại của nàng, một mình lộng lẫy nằm ở giữa vũ trụ bên cạnh càn khôn. Thế mà tại đây, coi kìa, có cả một loạt năm nghìn đóa, giống hệt như nhau, xum xít trong một thửa vườn xum xuê chật ních.  









Rồi chàng tự nhủ thêm: "Ta đã tưởng mình giàu sang vô hạn với một đóa hoa duy nhất, té ra mình chỉ có sở hữu một đóa hồng thông thường mà thôi. Té ra hoa của mình và ba ngọn hỏa sơn của mình sâu chỉ tới hai đầu gối của mình, và một ngọn thì có lẽ tắt ngấm vĩnh viễn, té ra mọi cái đó không đủ khiến cho ta thành một vị hoàng tử lớn lao chi cho lắm..." Và duỗi thân xuống cỏ, chàng nằm khóc miên man.  


Hoàng tử bé kia khóc miên man, bởi nghĩ rằng đóa hồng của mình là duy nhất. Mọi thứ thật bình thường, nó chỉ có giá trị khi ta quan tâm tới, như đoạn sau của Hoàng bé diễn tả. Mọi thứ quý giá trên đời này chỉ vì ta quan tâm tới, nếu không nó cũng vô nghĩa. Chúng ta thường muốn có một cái gì đó riêng biệt, khác hẳn những gì quanh ta. Nhưng thật ra khi ta quan tâm tới, nó đã khác với chung quanh rồi.

Có một cái gì ai cũng có nhưng lại rất riêng không. Nếu tình cờ, một lần bạn suy nghĩ về câu nói trong bản kinh Pháp Hoa: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài sẽ thành Phật”. Tâm Phật thì dù muốn hay không vẫn có đó, khác là bạn và tôi nhận ra hay không mà thôi.

Có lẽ ai cũng như nhau, nhưng đã có những suy nghĩ, được tạo thành bởi quan niệm của môi trường mình sống, những gì mình được học, được đọc được nghe… nên tôi và bạn luôn khác nhau, chính vậy khi bàn luận đưa đến tranh luận khó tìm ra điểm chung.

Con đường chúng ta đi sai khác nhau, nhưng trong tâm thiện kia, vẫn có một điều rất chung, đó là bản tâm trong sáng. Như đóa hoa vàng nơi gốc tre này, nó vẫn như đóa hoa nơi vườn kia vậy, là màu vàng của riêng hoa.



Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Hoa Lộc Vừng ơi!



Bạn có thấy hoa này bao giờ chưa, tên hoa là Lộc Vừng. Tên hơi lạ, tôi chưa từng nghe. Hoa rơi khi vừa nở trọn, rơi trên sân cỏ cũng đem một vẻ đẹp nhẹ nhàng cho cỏ. Cỏ trổ hoa.

Trong ngàn lẻ một đêm, có đôi chuyện gây nhiều ấn tượng trong đó có chuyện A-li-ba-ba. Câu thần chú “vừng ơi mở cửa” đã mở ra kho vàng trong một hang đá ẩn trong rừng sâu, và đầu mối của câu chuyện bắt đầu.

Đã là một cánh cửa đóng kín lúc nào cũng cần một chìa khóa để mở. Chúng ta cũng chật vật biết bao trước cánh cửa tâm của người ở gần, muốn mở ra để hiểu họ nghĩ gì, cần gì. Mãi hoài vẫn vô ích. Gian trong của mỗi người vẫn đóng kín, cô độc, cô đơn dù hiện nay thế giới số người hàng tỉ.

Vì mải mê tìm cách để hiểu người, mà chính mình vẫn đứng ngoài tâm mình. Trôi nổi theo những phù du thay đổi. Muốn một phút an nghỉ cũng không có.
“Vừng ơi mở cửa”, câu đơn giản dễ nhớ như vậy, nhưng người anh của A-li-ba-ba kia vẫn không nhớ, có lẽ không vì chính tai anh ta nghe, chính mắt anh ta thấy, nên trôi qua không ghi lại được, đã gây ra biết bao gian nan nguy khốn cho chính anh ta và người thân.

Nếu không phải chính mình tìm thấy, nhận ra, cánh cửa tâm vẫn đóng kín. Chúng ta đứng ngoài chính mình! Một điều vô lý, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng dần dà, cảm thấy hình như chúng ta chẳng hiểu gì chính mình hết, thân tâm của mình mà mình chưa từng hiểu, chưa từng biết, thì làm sao có thể hiểu được người.

Sáng nay cành Lộc Vừng vừa nở, những cánh hoa mong manh dễ rơi khi chạm đến. Tên hoa nhắc nhớ hai tiếng vừng ơi nghe từ tuổi thơ. Cánh cửa đã mở từ bao giờ, nhưng có lẽ chỉ tại chúng ta đi qua khu rừng rậm kia, không biết đã vô tình đi ngang kho báu mà mình đã mãi kiếm tìm, nên vẫn còn đi quanh trong sự tìm kiếm.

Trên đường đi tìm, tôi lại mải mê để tìm hiểu những gì rực rỡ quanh tôi đến nỗi quên rằng đã quên mình theo vật.

---------------
Trong Ngữ lục có câu chuyện:
Cảnh Thanh hỏi Tăng: Ngoài cửa là tiếng gì ?
Tăng thưa: Tiếng mưa rơi.
Cảnh Thanh bảo: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật.

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Ai có quyền?


Chần chừ nãy giờ, bao nhiêu lời nhắc nghỉ đi, ngồi cả ngày trên máy rồi.
Thế mà bây giờ chẳng cần lời nhắc đã vội thoát những chương trình đang hiện hành một cách gấp rút, tắt máy tức tốc. Không cần ai kêu gọi nữa.
cánh phù du vừa đáp xuống nền!

Đèn tắt luôn, bởi đoàn mối đã tụ tập bên màn hình, xem chủ nhân đang làm gì mà say mê thế. Chủ nhân say mê như chú mối kia say mê ánh đèn trắng, lao vào, rụng cánh, bò đầy đất. Muốn cứu giúp cũng đành bó tay, thương tiếc thở dài cho những cảnh ngộ phù du.

Nhìn màn đêm, đêm cuối tháng không trăng, chỉ còn đôi ánh đèn vàng hắt xuống mặt đất, tránh những chú mối lao vào. Nhưng nó đi đâu nhỉ, cuộc sống chóng vánh, không biết là có nghĩa hay vô nghĩa của kiếp phù du.

Có nghĩa thế nào thì chưa biết, nhưng ít nhất thấy nó có quyền ra lệnh tắt đèn, nếu chủ nhà còn chút nhân từ không đành lòng nhìn cảnh nó lao vào ánh đèn.

Có một câu khá hay “Nếu anh không biết dừng, đời sẽ dạy anh dừng”. Cuối cùng, chỉ có một điều mình có thể làm chủ, đó là tâm mình. Chỉ có tâm mình mới có thể chịu nghe mình, mà còn chưa được trăm phần thì có gì ngoài mình theo ý mình trăm phần.

Những chú mối bé nhỏ kia, có làm gì được ai với đôi cánh phù du như thế, nhưng khi họp lại thành đoàn mối thì có thể ăn ruỗng những cột nhà gỗ mà không ai hay biết.

Thôi thì nói xa chi, ít nhất nó cũng làm chủ nhân tắt máy được đấy.  Con người cứng đầu kia, ít nhất cũng đành nghe lời một con vật có đôi cánh phù du. Đời sẽ gởi đến nhiều thông điệp để hiểu rằng, nếu anh không biết dừng thì đời sẽ dạy anh dừng.


--------

Nhưng mối sống dai lắm, nói phù du là lúc rụng đôi cánh đó thôi. Chứ nó sống dai đủ để xây xong tổ cứng chắc, chúng tôi gặp những ổ mối rất chắc chắn, quanh vườn.

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Sét đi về đâu


Cột thu lôi 

Nơi chúng tôi sống, có lẽ có đường đi của sét, người ta bảo rằng hễ bên dưới lòng đất có mỏ vàng, sét dễ đánh. Sau thì nghe rằng vì nơi đây nhiều đá ong. Điều đó tạm cho là có lý, vì khi cuốc đất, lòng đất nhiều đá ong rất vất vả. Nhất là khi đào giếng, chúng tôi phải có những lưỡi cuốc bằng thép vỏ tàu, hay bằng bóng trái sáng mới chịu nổi. Không thì vừa cuốc nhằm đá ong, lưỡi cuốc cong ngay.

Lúc đó, tôi đã nhiều lần thấy mình cảm thấy sợ hãi khi đường sét đi trước cửa, sáng cả trong phòng, một ánh sáng rất lạ chóa mắt choáng tâm. Tiếp theo là tiếng nổ. Người ta bảo nghe tiếng nổ là an toàn, vì tiếng nổ đi sau ánh sáng!

Bây giờ thì có một cột thu lôi, sau mấy mươi năm làm quen với tiếng sét.
Hai chữ “thu lôi” thật hay! Lôi là sét, thu là giữ lại, giữ lại dẫn đường sét đi và hoá giải nó. Điều này chúng ta đều biết về tác dụng của cột thu lôi, biết đến Benjamin Franklin từ những bài học từ tuổi nhỏ!

Giữ lại mà không hoá giải được cũng nguy! Phải một thời gian dài nghiên cứu mới tìm ra được cách hoá giải, dù là vật chất hay tinh thần. Vật chất thì tìm cách giảm tổn hại do cơn sét từ những cơn dông, về tâm thì cũng tìm cách giảm tổn hại khi gặp những cơn sét thịnh nộ từ nơi người đối diện. Nếu không có cột thu lôi thì mọi việc cũng khó an toàn, sự đổ vỡ và thương tích cũng trầm trọng như vật chất. Những cơn sét thịnh nộ do tâm cũng làm người khác có thể rời bỏ thế giới này như cơn dông sét ngoài trời kia.

Có một cột thu lôi để hóa giải hết những nguy hiểm gây cho tâm cũng là điều cần thiết đấy chứ! Chính thế nên lời của các Bậc thầy luôn được nhắc, giúp chúng ta trước những hiểm nguy sấm sét, tự bảo vệ tâm mình nhanh chóng an bình, tránh được những tổn thương trong tâm trí, tránh được những tác hại sau đó.

Việc nghiên cứu khoa học mất nhiều năm mới ứng dụng tạm hoàn chỉnh, thì đối với tâm, tư tưởng như vô hình tướng kia, còn phải mất nhiều năm hơn để hiểu cách hóa giải những nỗi buồn, niềm đau. Nếu chính mình không tự tìm ra và bảo vệ mình, thì vô tình cứ mãi đi trong đường đau khổ mãi sao!

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Khi 3G khó kết nối


Khi dự định không được như ý!Thật khó bình thản. Hóa ra đời sống mỗi người chỉ muốn tự do theo ý mình, có nghĩa là không thực sự “tự do”, mà bị lệ thuộc chặt chẽ vào ước muốn.

Điều đơn giản này các Bậc thầy nhắc nhở mãi, nhưng thật khó nhận ra. Bởi khi được “như ý” như lời chúc đầu năm, thì có gì để suy nghĩ nữa chứ. Sự hân hoan che mờ, khiến không nhận ra rằng bị mình lệ thuộc quá mạnh vào một mong ước. Sự đau khổ ngay đó, nếu mong ước đang thành tựu bị đổ vỡ hay tan biến.

Loay hoay mãi, trời chuyển mưa, khiến mạng nơi chốn xa xôi này khó nối được. Tự bảo chẳng có gì, không làm việc này thì làm việc khác. Nhưng cảm giác giống như một đứa trẻ muốn chạy ra sân chơi bị bố mẹ cấm. Tội nghiệp đứa bé còn quá nhỏ không hiểu được sự không như ý là thế nào. Vậy mà bây giờ, nhìn tâm loay hoay kia xem, có khác đứa trẻ không nhỉ.

Không gian sống có thể thay đổi, nhưng sự suy nghĩ mong cầu, khó mà thay đổi, nếu không có một nhân duyên tốt. Nên có đi đến đâu thì cũng đem theo một số thói quen bôn chôn nóng nảy. 

Sự nhiệm mầu của pháp Phật không hẳn là một phép lạ gì xa lạ, mà ngay nơi cuộc sống hằng ngày của mình. Tâm bôn chôn kia, một thoáng có ánh sáng soi chiếu đến, như một chất phèn lóng trong nước đục, tâm lắng lại với những lời kinh, ban đầu xem ra không dính dáng gì đến đời thường, nay hiển hiện rõ nơi từng niệm khởi.

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Ai sở hữu ai?



Sau một chặp chọn lựa sao cho vừa ý và vừa kí lô được phép, cái còn lại để đem theo rõ ràng: một là sự tỉnh giác hai là sự mê mờ. Chỉ được một hai điều như thế. Còn mọi thứ khác chỉ theo chân mình một đoạn đường ngắn ngủi phù du này thôi. Ánh sáng Phật pháp luôn soi chiếu trên đường, giúp người tránh được những hố sâu của mong cầu và chiếm giữ.

Chính vì sự mê mờ quá lớn nên trần gian đặt ra vô số luật lệ để ngăn chận bớt, mà còn chưa thấm vào đâu với lòng tham có được, có thêm, có nữa!

Bóng dáng của ngã chấp luôn hắt bóng xuống đời mình, chỉ vì mình chọn sống theo như vậy.

Có một đoạn đối thoại giữa nhà hiền triết Diogenès và đại đế A-lịch-sơn:
Đứng trước Diogenès,  đại đế A-lịch-sơn cảm thấy mình thật nghèo nàn dù được trang sức với đủ thứ châu ngọc.
- Tôi ganh tị với ông. Tôi cảm thấy nghèo hèn so với ông, trong khi ông lại chẳng có gì. Vậy đâu là tài sản của ông?
Diogenès nói:
- Tôi chẳng ham muốn gì, vô dục là tài sản của tôi. Tôi là ông chủ vì tôi không sở hữu cái gì – vô sở hữu là tài sản của tôi. Tôi chinh phục được toàn thế giới vì tôi chinh phục được chính mình. Sự chiến thắng của tôi sẽ đi theo tôi, còn chiến thắng của ngài sẽ bị cái chết cướp mất.

Ngẫm nghĩ mà đúng, nếu đồng ý với mẩu chuyển đầy hàm ý này.

Sức mê mờ và chiếm giữ quá lớn, nên thế gian đành phải có quá nhiều luật lệ để ngăn chặn bớt sức tham cầu không có giới hạn.

Chinh phục được chính mình, chiến thắng được chính mình! Lời các bậc Đạo sư còn đó, trải dài qua năm tháng mà con đường của mỗi người vẫn còn vất vả. Đường đi còn khó khăn hơn chinh phục được ngọn núi cao thăm thẳm trên dãy Hy Mã Lạp Sơn kia.

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Kẹo đắng



Kéo dài đôi khi khó khăn, chấm dứt đôi khi khó khăn. Nhưng có những việc, kết thúc đơn giản làm sao, nhanh như một thoáng chợp mắt nghỉ trưa.

Kẹo thì ngọt, nhưng nếu cholate dark, bạn sẽ thấy vị đắng thế nào. Nếu không vì lý do nào đó, thì bạn khó lòng thưởng thức vị đắng của nó.

Vậy mà bây giờ cả hai chúng tôi đều đang ngậm vị đắng của nó. Người tặng lẫn người nhận.

Người tặng, nếu món quà không được nhận, sự đổ vỡ nhanh chóng và dễ dàng làm sao.

Khi tôi tặng bạn món quà, bạn vui lòng nhận nó, rồi cất vào đâu đó, mối tương giao phát triển tốt. Nhưng khi món quà tôi tặng, bạn không thể cất được và phải mang theo, khi bạn không còn sức để mang nó theo bên mình nữa. Thì, lúc này chúng ta mới bắt đầu nhìn rõ nhau.

Bạn không vui vì sức ép từ tôi, muốn bạn phải nhận, tôi không vui vì bạn không coi tôi là quan trọng, là người mà bạn thường nghĩ là thân thiện, sẵn sàng làm theo những yêu cầu của tôi.

Ánh chiều đã dần tàn, cây sẽ không xanh màu xanh non trong nắng, nó bị ảnh hưởng của bóng đêm, khiến màu tối hơn. Như ánh nhìn của chúng ta về nhau tối hơn.

Ánh sáng Phật pháp sẽ như ánh nắng ban mai kia, làm rõ ràng sự vật hơn, trả nó về màu xanh tươi mát. Mọi suy tưởng luôn coi ước muốn của mình phải được đáp ứng, khi có ánh sáng của hiểu biết rọi vào tâm chính mình, khiến chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về những gì đem đến khổ sầu. Bóng đêm chỉ là sự quy ngã muốn cho được, cho hơn, muốn mọi điều mình nghĩ phải được chu toàn.

Đầu mối của khổ sầu, chỉ vì chúng ta không biết đó là khổ, không biết gốc của khổ là ước muốn cho bằng được những điều đã khởi nghĩ trong tâm. Không hiểu rõ nhân duyên, khi thiếu một chút duyên thì cái đang "tưởng được" kia cũng biến mất còn nhanh hơn giấc mộng. Chính mình tự làm tâm mình rối ren như ánh chiều kia tắt trên những tàng cây vừa ra lá non, chào mùa xuân nắng ấm.

Chỉ có hiểu rõ tâm mình, mới mong không phải tiếc nuối hay trách móc những gì tâm đang trải qua.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Đường về !


Người ta thường cho cõi đời là quán trọ, chẳng biết thật thế không.
Nhưng có một bài thơ của Thiền sư Ngạn Sầm.
Sư nói:
Nhà khách Tinh Châu ở mười năm,
Lòng luôn đau đáu nhớ Hàm Dương,
Vô cớ qua sông Tang Càn ấy,
Lại ngóng Tinh Châu như cố hương.

Đọc chẳng hiểu ý nói gì. Nhưng sau hoá ra, lúc ở Tinh Châu thì nhớ quê nhà tại Hàm Dương. Sau di chuyển qua sông Tang Can lên phương Bắc. Lúc đó lại nhớ chỗ ở mười năm vừa qua. Ở quen thành như quê nhà! Quên hẳn nơi mình đã nhớ đau đáu trước kia. Thật đáng giật mình!

Thoảng hoặc gặp được nhân duyên nhắc nhở hai chữ cố hương, mới biết “Lang thang làm khách phong trần mãi, ngày cách quê hương muôn dặm trình”. Mới biết vì ở lâu nơi chốn hồng trần, nên nghĩ rằng đây là quê hương mình! Nên tưởng nơi đây là cố hương, đâu biết chỉ là chốn tạm.

Giống như bài thơ trên, vì đổi chỗ ở nhiều lần, nên quên hẳn cố hương! Lang thang mãi từ cõi này sang cõi khác. “Vô cớ” mà dời chỗ ở như bài thơ của thiền sư Ngạn Sầm nói chăng, hay còn cớ nào khác?

Hay là “đường về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê…” (Vũ Thành An). Trót nghe theo lời u mê… của một tâm vọng động, mải miết chạy theo những bóng dáng mê hoặc đảo điên tâm tư!

Mỗi người rồi sẽ có một ngày về, mà về đâu? Về cố hương hay về quán trọ. Câu trả lời của chính mình, mà thật mở miệng chẳng nói nên lời, nếu được hỏi đến.

Ngày về


Lại thu dọn, đi cũng như về, bao nhiêu kí lô được phép đem theo, chọn lựa để cho đủ.


Bạn hỏi có gì để nhớ. Xe buýt hai tầng, hay những công viên xanh cỏ. Đất nước này mùa nào cỏ cũng xanh như thế. Cây có thể trụi lá, nhưng cỏ vẫn xanh. Hay còn gì đáng nhớ hơn dòng sông Thames trong những bài học năm lớp năm. Hay là hoa Anh đào nở rồi tàn…

Có lẽ chỉ là sự hiểu về tâm tình những ngừơi xa quê. Dù biểu lộ hay không thì trong góc khuất của tâm cũng là nỗi nhớ thương về chốn quê nhà, một mảnh đất có mặt trên quả địa cầu này, nếu tính bằng cây số thì xa gần nửa vòng trái đất.

Dù có hai mươi năm qua, ba mươi năm qua hay hơn thế nữa. Người ta vẫn một chút thở dài nghe tim mình nhói buốt khi trời se sắt của xuân về.

Tôi không tin rằng người ta có thể nhớ quê hương, khi đời sống tiện nghi như thế. Nhưng khi bạn đã một lần đi trên con đường không có bóng người Việt, sẽ nghe một chút thảng thốt, của giấc mơ lạc đến vương quốc nào rồi.

Và, như thế người ta nhớ quê hương, để ngậm ngùi hát rằng “quê hương như chùm khế ngọt, …
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một Mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

Gọi là đôi lời chia sẻ với những ai nơi đất khách quê người. Tuy không thiếu gì, nhưng thiếu một điều, mà vẫn không biết điều gì, chỉ thấy man mác, khi nhìn ánh chiều xuống hay nhìn sóng vỗ bên bờ.


Có một điều gì, mà chỉ ai một lần rời quê nhà ra đi mới cảm nhận được.

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Tại ghế này ư!


Có nhân duyên lắm mới gặp nhau, mới được ngồi cạnh nhau, cùng nghe những bài học như nhau.

Có lẽ tâm mỗi người là một lăng kính với chiết suất khác nhau, nên khi lời nói vào tai qua suy nghĩ và đưa ra những lời nhận định khác nhau về một bài học.

Sự tranh luận bắt đầu rất đơn giản. Ai cũng cho là chính mình được nghe, và lời kể chính xác. Đến hôm nay cả hai chúng ta chưa ai chịu là mình nhầm.

Cho đến khi chúng tôi đi ngang công viên, gặp chiếc ghế thế này, và dừng chân. Mọi chuyện hé mở. Vâng, chúng tôi đang ngồi cạnh nhau, rất gần, đang tán thán nhân duyên hi hữu gặp nhau. Nhưng vì từ trung tâm điểm chúng tôi đã nhìn ra ở những góc độ khác nhau, nên không thể diễn tả giống nhau được. Làm sao có thể ngờ rằng gần nhau mà nhìn khác nhau.

Thay vì một vòng tròn để thấy nhau thì là một vòng tròn để cái nhìn khác nhau. Hai hướng nhìn khác nhau, khi cạnh nhau. Tự nhiên tôi nhớ đến những buổi bàn luận rồi tranh luận và ai cũng cho sự hiểu của mình không sai. Có lẽ là thế, không sai với cái thấy của chính mình, nhưng sai khác với góc nhìn của người bên cạnh.

Bạn im lặng, ngắm chiếc ghế trước mặt. Ừ, đơn giản nhỉ. Nếu hiểu rõ như vậy, thì có gì để tranh cãi nữa. Việc gì cũng vậy, khi đưa ra có một số người chấp nhận, một số người phản bác.

Sự việc dù đơn giản đến đâu, nếu không hiểu rõ tình huống cũng khó chấp nhận rằng, chỉ vì khác chỗ đứng, khác môi trường được huân tập mà đưa ra cái nhìn sai khác, nên có nhận định và đoan chắc rằng mình đúng hơn người.  


Có thể đúng hơn ở điểm rằng, khi lên đỉnh đồi cao sẽ nhìn thấy bao quát thành phố với những tòa nhà cao sừng sững, những tòa nhà che tầm nhìn khi đứng trên phố.

Và đó cũng là lời chỉ dẫn của các bậc thầy về một cái nhìn, giúp cho đời sống nhẹ nhàng hơn, đỡ tranh cãi hơn.

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Thả bóng bay đi




Tất cả đã chuẩn bị, buổi lễ hoàn tất, giờ là thả bong bóng bay lên nền trời kia, bay về đâu những lời ước mơ cho một thế giới hoà bình, từ một tâm thức an bình.


Có hai quả vướng vào nhánh cây gần đó. Giữ lại để kỷ niệm hay thả bay luôn. Kể cũng lạ lúc nãy bóng bay là điều vui mừng, nhưng khi nắm lại hai quả bóng trong tay, thì bỗng nhiên chần chừ. Muốn giữ lại sau khi đã buông bỏ.

Tôi nhớ lại tuổi nhỏ, khi có trong tay bong bóng bay, cầm trong tay vui thích, ngắm mãi. Đôi lần vuột tay bóng bay, nhìn theo, tự hỏi nó bay cao đến đâu nhỉ, có bay lên tận trời không.

Những khi giữ được trong tay, ngày sau nó không còn cao nữa mà là đà, lúc đó không cần nắm, nó cũng lơ lửng trong nhà, không bay cao nữa. Một ngày sau bóng nằm dưới đất nhỏ dần. Đâu nỡ bỏ, đành nhìn nó mỗi ngày một nhỏ lại, nằm im nơi góc bàn, cho đến khi đành phải bỏ vào thùng rác!

Bây giờ hai quả bóng đang được giữ lại, một bên thì bảo, thả luôn đi cho tròn buổi lễ, một bên muốn giữ lại để treo cho vui.

Cuối cùng đồng ý với nhau, bóng được thả bay lên trời cao kia.

Hôm nay tôi khỏi phải nhìn nó nằm lăn lóc bên gầm cầu, rồi sẽ thở dài cho một chút đắn đo khi những gì có thể thả bay được, lại vì chút tiếc nuối giữ lại, mà tự gây trong những tâm lao xao không đáng để có!

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Một tuần bảy bước


Bảy đoá sen vàng mà Thái tử Tất-đạt-đa bước qua.
Tôi cũng băn khoăn khi được hỏi về ý nghĩa đó.
Khi hỏi ý nghĩa là đã đồng ý về một ẩn dụ chứa trong đó.
Bảy ngày trong tuần

Thế gian kia hay thế gian này cũng đồng nghĩa với nơi chúng ta đang sống. Dù chấp nhận hay không thì quy ước bảy ngày trong tuần cũng phải đi qua, cho đúng giờ hẹn cho đúng giờ ăn, giờ ngủ, giờ làm việc. Đến nước nào thì cũng tuân thủ bảy ngày trong tuần, cũng chờ mong ngày cuối tuần nghỉ ngơi.

Đi qua bảy ngày trên đóa sen kia hay chìm dưới bùn sâu là còn tuỳ. Sao lại có một đóa hoa vươn lên khỏi bùn lầy mà tinh khiết thế! Tôi thường ra hồ sen nhìn khi vét hồ, ngó sen, củ sen chìm dưới lòng nước kia đã cho những búp sen đem vào cúng Phật.

Đi qua thế gian này ư! Có lẽ tôi không nghĩ xa như thế, chỉ mong đi qua được những cơn bực bội đen ngòm của tâm vẩn đục, để có thể thong dong như đóa sen khi đã vượt khỏi mặt nước, tâm nhẹ nhàng coi những gì đã qua hay đang đến như một điều của nhân duyên trùng trùng mà thôi.

Đó cũng là ý nghĩa của một tâm trong sáng, tâm Phật, hay đơn giản hơn một tâm thanh thoát nhẹ nhàng nhìn muôn sự với cái nhìn thấu hiểu rằng, mọi việc đến đi chỉ do duyên mà đến do duyên mà đi. Tâm bình thản nhanh sau những giao động tất yếu của một tâm phàm tình.

Đơn giản như thế mới mong thấy những bước chân bình an trên chính tâm thức của chính mình. Bảy ngày một tuần, lúc nào sen cũng đó, nhưng có đặt chân lên hay mãi chìm trong những tính toan, tranh giành hơn thua phải quấy của tâm đang bị che mờ bởi cơn mê của tham cầu mong muốn.

Như thế ngày Phật Đản thật có ý nghĩa, một ngày vui có một bậc thánh xuất hiện nơi đời, trong muôn ngàn lời chỉ dạy sâu xa lưu lại qua kinh điển, thì ánh sáng trên bảy đoá sen ẩn dụ là bước đời thường đầy tỉnh giác mà chúng ta đang sống.

Thắp sáng một niềm tin yêu giữa cuộc đời đang được cho là rối ren phiền muộn, thì quả thật vui mừng có một ngày như thế.

(Đản = ngày sinh)

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Có ngày Phật Đản


Ở một góc núi cô quạnh,
Đón chào ngày Phật Đản,
với ánh trăng đêm sáng tỏ,
soi bóng hành giả bên thềm.

Chạnh lòng vu vơ nhớ cố hương,
tưng bừng ngày lễ hội.
Giữa ồn ào, người ta mong xa lánh,
giữa quạnh hiu, nhớ lại những thân tình.

Đêm nay ánh trăng tròn sáng, nhưng cái lạnh của núi đồi khiến người chùn bước đến thăm. Hút trong tầm mắt, ánh đèn của một ngôi nhà nào đó còn thức muộn.

Núi đồi cô tịch như không biết rằng đêm nay cả muôn người rộn rã xe hoa quanh phố phường. Tôi đứng trên thềm, nhìn những ngọn đèn lấp lánh quanh cây vô ưu, quạnh hiu như năm tháng ngài trong rừng sâu tìm đạo.

Và chúng tôi đã qua những năm tháng đón lễ Phật Đản lặng lẽ như thế nơi đất khách quê người chỉ với vài ba huynh đệ. (2009)




Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Hoa Anh Đào rơi


Đặc điểm của nó là rơi trong khi còn đương độ tươi thắmMột bạn ở Nhật Bản viết về hoa Anh đào như thế. 

Đây là điều tôi chưa từng biết, bởi hoa rơi là hoa tàn. Tự dưng những cây hoa anh đào kia, mỗi sáng rơi theo gió, tôi nhìn kỹ, quả thật hoa còn tươi. Vậy mà rơi theo gió ư!

Mùa hoa đào nở rộ, một cảnh sắc khó mà nói sao cho cùng, mọi ngôn từ để diễn tả cũng không tới, như một rừng thu vàng. Chỉ có cảm nhận chứ không có ngôn từ.

Tôi không biết diễn tả rằng chết đuối trong cảnh sắc đó được không. Cả thế giới, những ai có thể đi được, đều đi khắp nơi không phải đất nước mình, để chiêm ngưỡng những cảnh trí được giới thiệu. Cái đẹp luôn ở trong hồn người, ở trong lòng người. Biết vậy nhưng để làm đẹp cuộc đời mình hay cuộc sống quanh mình thì lại ít quan tâm. Nên cảnh đời mình sống nhuốm màu tang thương!

Những đóa hoa rời cành, người ta nhặt lên, bâng khuâng không biết nên thế nào là phải, bỏ vào thùng rác nơi góc phố chăng, hay đem theo bên mình.

Bạn cũng đi như thế khi mọi thứ đang đến độ tỏa hương. Vùi chôn vào ký ức chăng hay đem theo bên mình!

Bạn rời thế giới này như đóa hoa lìa cành kia khi còn tươi thắm. Tài hoa là thế! Mệnh bạc là thế!

Rồi để lại trong chúng tôi là cả một màu trắng của hoa rơi, năm ấy.
Hoa đào tại UK
Hình ảnh và thư pháp còn để lại của người bạn năm xưa:






Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Chuyện bão



Một bài đọc dễ hiểu hay không có lẽ tùy sự quan tâm của người đọc về vấn đề đó.
Chẳng hạn tôi đang thắc mắc không biết sao lại có bão, nhân đọc bài:
Bão chỉ có thể hình thành khi có đủ 3 điều kiện: Nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy.
Nhà khí tượng Erik palmen đã tìm ra rằng bão chỉ có thể hình thành trên biển trong dải vĩ độ 5 - 20 độ vĩ hai bên xích đạo có nhiệt độ cao (từ 26 – 27 độ C trở lên) đảm bảo cung cấp đủ lượng hơi nước khổng lồ bốc hơi mạnh từ mặt biển để cung cấp năng lượng ngưng kết cho bão hình thành và lực coriolis đủ lớn để tạo xoáy, tạo điều kiện thuận lợi cho bão hình thành.

Mơ hồ hiểu có lý do nào đó gây nên bão, nhưng đọc chữ lực Coriolis thì chẳng hiểu là lực gì, tra chữ đó, đọc một bài diễn giải thật dài, như thời học môn vật lý. Đọc đi đọc lại chẳng rõ lắm, có lẽ phải nghe giảng rồi làm bài tập, may ra hiểu sơ sơ.

Tự dưng tôi nhớ hôm nói chuyện tham sân do vô minh, em đưa tay thắc mắc “sân” là gì, “vô minh” thì lại càng không hiểu dù cả nhóm đã đưa ra nhiều lời giải thích. Một danh từ sử dụng quen nghĩ là ai cũng hiểu, nhưng không thuộc phạm trù của người đọc thì không hiểu, mất nhiều thời gian để quen và hiểu.

Nên mỗi ngành nghề có một tờ báo riêng và có số độc giả nhất định, trang web cũng vậy. Vật lý ra vật lý, hóa học ra hoá học, còn triết học thì càng ít độc giả hơn, trang Phật giáo cũng không ra khỏi điều này.

Tóm lại chỉ có chuyện thường ngày là dễ hiểu!

Chỉ là khác nhau về cách nhìn chuyện xảy ra thường ngày. Như nghe tin bão, ngoài việc cứu trợ, có thể nhớ lại những cơn bão trong đời. “Mắt bão” đã thành hình và di chuyển thế nào. Hiểu được, về mặt khoa học có thể giảm thiểu nguy hại khi biết được hướng di chuyển và cách thành hình cơn bão.
Bão tâm còn khó nhìn ra hơn, nhưng nếu nhận kỹ được “tập đế” nguyên nhân của những nỗi khổ, tác nhân gây nên bão táp trong tâm. Có thể giảm thiểu sức tàn phá của nó. Một cơn giận thành hình, cũng bắt đầu từ nhiều giao động nhỏ, sự bất bình, sự không như ý…

Cho đến khi động lực tạo xoáy đủ để gây nên cơn bão! Động lực tạo xoáy, là sự việc diễn tiến càng lúc càng gây sức ép, khiến cơn giận đủ sức bùng nổ! Nhất là những lời nói ra nói vào là một trong những động lực lớn nhất.

Cơn bão của chuyện đời thường đã hình thành như thế, Khổ-tập-diệt-đạo là điều Đức Thế Tôn nói rõ từ bài pháp Tứ Diệu Đế đầu tiên.

Mọi thứ liên đới trách nhiệm với nhau trong những hành động không ý thức như phá rừng, sử dụng nhiều chất thải không thể phân huỷ…

Tiến trình không hiểu biết hành động của chính mình mà gây nên nghiệp lực khiến mình và người lao đao trong những cơn bão tâm lý hay vật lý.