Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Đường về !


Người ta thường cho cõi đời là quán trọ, chẳng biết thật thế không.
Nhưng có một bài thơ của Thiền sư Ngạn Sầm.
Sư nói:
Nhà khách Tinh Châu ở mười năm,
Lòng luôn đau đáu nhớ Hàm Dương,
Vô cớ qua sông Tang Càn ấy,
Lại ngóng Tinh Châu như cố hương.

Đọc chẳng hiểu ý nói gì. Nhưng sau hoá ra, lúc ở Tinh Châu thì nhớ quê nhà tại Hàm Dương. Sau di chuyển qua sông Tang Can lên phương Bắc. Lúc đó lại nhớ chỗ ở mười năm vừa qua. Ở quen thành như quê nhà! Quên hẳn nơi mình đã nhớ đau đáu trước kia. Thật đáng giật mình!

Thoảng hoặc gặp được nhân duyên nhắc nhở hai chữ cố hương, mới biết “Lang thang làm khách phong trần mãi, ngày cách quê hương muôn dặm trình”. Mới biết vì ở lâu nơi chốn hồng trần, nên nghĩ rằng đây là quê hương mình! Nên tưởng nơi đây là cố hương, đâu biết chỉ là chốn tạm.

Giống như bài thơ trên, vì đổi chỗ ở nhiều lần, nên quên hẳn cố hương! Lang thang mãi từ cõi này sang cõi khác. “Vô cớ” mà dời chỗ ở như bài thơ của thiền sư Ngạn Sầm nói chăng, hay còn cớ nào khác?

Hay là “đường về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê…” (Vũ Thành An). Trót nghe theo lời u mê… của một tâm vọng động, mải miết chạy theo những bóng dáng mê hoặc đảo điên tâm tư!

Mỗi người rồi sẽ có một ngày về, mà về đâu? Về cố hương hay về quán trọ. Câu trả lời của chính mình, mà thật mở miệng chẳng nói nên lời, nếu được hỏi đến.