Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Bao la hay không


Đóa Tulip, ban đầu nhìn ngỡ là màu đen, nhưng nhìn kỹ có pha chút sắc tím, vậy là tím than! Màu hoa sậm, tôi chưa thấy bao giờ, chỉ thấy những rừng hoa Tulip đủ màu vui tươi. Bây giờ góc vườn này có vẻ lạ với khóm hoa Tulip sẫm màu.
Tulip nơi công viên 28 April 2012

Công viên khá rộng, những con đường đi bộ, theo em là chạy bộ. Em cho biết đã chạy ba vòng công viên này, em đưa tay chỉ, nhưng đường quanh co nên không thấy được hết con đường. Chúng tôi đi mãi, thấy nó rộng bao la. Tôi bảo, công viên này rộng đấy chứ. Em lại cười, với con thấy nó nhỏ, ban đầu con cũng thấy nó bao la, nhưng bây giờ quen rồi, thấy đi một chút đã hết.
Đây chỉ là một góc nhỏ thôi

Điều đơn giản quá, mới gặp thấy sao mà bao dung, rộng rãi. Chính thế chúng ta mới chọn đến gần. Nhưng khi đến gần một thời gian thì thấy sao chật hẹp nhỏ nhoi, những gì bao la như ngày đầu, hình như chỉ là chút hào nhoáng bên ngoài. Sự quen thuộc trở thành bình thường (không dám nói là tầm thường), nên không còn trân trọng nữa. Sự thất vọng mãi nơi đời, là vậy.

Hay chính khi quen mắt mọi cái biến mất! Krishnamurti thường nói đến việc này với bức tranh treo tường. Ngày chúng ta mới đem về trang trọng treo giữa phòng khách, ngắm nghía mãi không chán. Chỉ sau một thời gian bức tranh biến mất, chúng ta không còn để ý nó đang treo trên tường, nhưng khách đến lại trầm trồ về bức tranh mà với chủ nhân lại không có giá trị như lời khen nữa!

Chúng tôi đi tiếp, và em nói, chỉ có vậy thôi, bên kia là cổng lúc nãy chúng ta vào. Tôi nhìn theo, à khóm Tulip mà tôi đã chụp hình với sự ngạc nhiên, bây giờ đoá hoa tím sẫm, sẫm hơn khi ánh chiều nhạt. Nó gần như một đoá hoa Tulip đen! Và mọi sự kết thúc như thế, để trở lại từ đầu.

Em giới thiệu thêm những đoá hoa lạ nơi đây. Nó sẽ lưu dấu trong ký ức, khi tôi không còn dịp trở lại, nó sẽ đẹp mãi! Khi chỉ còn là chiếc bóng trong ký ức. Nó trở thành pháp trần quấy nhiễu tôi trong những lúc tĩnh lặng.

Cái bao la nơi công viên xa lạ kia, lại không rộng lắm với những ai quen thuộc. Sẽ như một bài học nhỏ.

Mọi sự sẽ cứ lặp đi lặp lại cho đến khi những gì các Bậc thầy nhắc nhở, tỏ sáng trên từng bước chân.

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Bánh chia không đều


Công bằng, chia đều là điều ai cũng thích, kể cả bạn và tôi.

Chia cái gì cũng cần đâu ra đó, đừng ai ít nhiều! tâm so đo tính toán khởi rất nhanh, dù mình không muốn khởi. Cách thể hiện thì có thể làm thinh, có thể phân bì.

Nếu là công việc thì mình có ít hơn một chút chắc cũng không sao, nhưng người quen công bằng, cũng không chịu vì cảm thấy áy náy cho rằng “ăn gian” bạn bè, khi cùng chung công việc mà mình làm ít hơn!

Công bằng, công bằng và công bằng…

Nhưng hôm nay, mọi sự được nhìn khác hơn một chút, bạn nhìn bánh pizza kìa, to như thế, nhưng người cắt bánh lại có nhát cắt không đều. May là thế nên tôi mới có thể chọn một miếng nhỏ vừa sức của mình. Nếu chia đều, khổ tâm nhỉ! Trên bàn tiệc loay hoay khi không thể thanh toán hết phần mình thì khó coi…
hình chụp không khéo lắm, chứ bánh vàng đều (27 April 2012)

Lúc này thì không thể phân bì rằng vì sao không đều. Lần đầu tôi thấm thía việc không đều, cái bánh cuộc đời, tất cả nhát cát không bằng nhau, nơi thì ruộng đồng mênh mông, nơi thì sông nước bao la, nơi thì đồi núi chập chùng… Và cuộc sống thì còn không đều hơn nữa, nơi thì quá sang trọng dư dả, nơi thì quá nghèo nàn thiếu thốn.

Như miếng bánh vừa sức kia, nhát chia của nghiệp cũng như thế, mảnh đất mình sống, hoàn cảnh mình sống vừa với sức nghiệp của mình.

Lúc nãy bạn đã cẩn thận mua thêm chút gì đó, vì biết rằng người ăn ít sẽ mau đói và cần thêm chút gì sau đó. Một cử chỉ trong tình bạn với san sẻ cảm thông cho người ăn ít.

Và chúng ta cũng từng như thế cho mọi cảnh đời xung quanh với những chia sẻ cảm thông bằng một lời nói, một nụ cười, một đóng góp từ thiện… nên nhìn dưới góc độ công bằng, mọi điều có vẻ không công bằng, nhưng rồi cũng toàn vẹn bởi tình người!

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Hoa rơi gió lạnh



Sáng nay cơn gió lạnh thổi qua, hoa rơi trắng khắp sân. Những đóa hoa trắng muốt, điểm trên sân cỏ, trên mặt hồ, trên con đường trải sỏi, vẽ ra một bức tranh tĩnh vật, có vẽ cũng khó diễn tả hết cảm xúc người đứng trước bức tranh. Cảm giác bất ngờ như năm xưa nhìn hoa mận rụng trắng sân, đến nỗi thốt lên “sáng nay hoa mận rụng đầy sân, người đi xa chưa thấy về!”. Cái man mác năm xưa, vẫn như bây giờ.

Lát nữa trời ấm hơn, tôi sẽ ra sân với cái vợt trên tay, vớt hết xác hoa rơi trên mặt hồ, để nó không chìm sâu xuống đáy. Thương tiếc hoa chăng! Không chỉ sợ xác hoa làm nước không trong! Chỉ sợ bẩn đáy hồ!

Chút đó thôi, làm tôi đã buồn cười cho những quy ước trên đời, ban đầu là tình nghĩa, khi qua phút giây xao lòng, người ta cẩn thận suy nghĩ và chọn những điều có lợi có mình.

Cùng một cành nhưng khi lìa cành mỗi người sẽ theo duyên nghiệp của mình mà rơi đâu đó trên hành tinh này. Rơi xuống vùng biên địa, xa chốn thành đô hay rơi vào những cảnh tối tăm khốn cùng, hay rơi vào những biệt thư cao sang. Mỗi đoá hoa rơi như vô tình đi như vô tình đến, nhưng mang theo trong mỗi cánh hoa là mệnh đời của mình.

Nhìn ra trong mỗi cánh hoa tan tác kia chứa trùng trùng duyên khởi trong nó. Vì đời nó ngắn như ve sầu tháng tư, nên có thể quan sát có thể thở dài thương tiếc, có thể qua đó hiểu rõ hơn những gì còn mơ hồ quanh quẩn đâu đó.

Những hoa rơi hôm trước nay chỉ còn là còn xác khô. Lòng bâng khuâng đến nỗi khi tôi đang nhặt lên, nghe như lời ngữ lục vang trong gió:

đi dạo núi thấy xác ve sầu.
Thị giả hỏi rằng: “Cái xác ở đây, ve sầu đi đâu?”
đưa xác ve lên lắc vài cái, làm tiếng ve kêu.
Thị giả ngay đó được khai ngộ.
(Thiền sư Đầu Tử Cảm Ôn)

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

cảnh chỉ vô tình

Những hạt mưa đá trên cỏ xanh 20 April 2012
Mưa đổ xuống bất ngờ, bất ngờ hơn với tiếng reo, mưa đá kìa.

Tiếng reo hồn nhiên khi thấy những viên nước đá tròn trong veo lăn trên sân. Nước đá tan rất nhanh, vì chỉ vừa mới thành đá trên không đã vội rơi xuống, nên chưa đủ “già” để dù có thả vào ly nước lọc cũng lâu tan.

Cùng một cơn mưa, mỗi người nói một ý.

Bạn thì bảo, chết! mùa màng thế nào đây. Bạn thì vội lấy máy hình ghi những khoảnh khắc hiếm thấy. Bạn thì kể mấy hôm nay mưa đá nhiều nơi…

Tôi hình dung ra những cơn mưa đá năm xưa khi tuổi nhỏ,  cũng reo mừng chạy ra lấy ca xúc đem vào, vui có một món quà trời cho. Tác hại ra sao, thì chưa thể biết, chỉ thấy rau sau vườn dập hết. Nhưng đâu quan tâm, vì mãi vui mừng với những viên nước đá tròn lăn trên sàn nhà!

Nhiều năm sau, cũng thấy mưa đá nơi đồi cao, vì là “người lớn” nên có chút lo lắng cho những cánh đồng gần. Biết nếu mưa kéo dài sẽ gây tan tác cho hoa màu.

Bây giờ đứng nơi hiên nhìn ra, thấy những hạt đá lăn trên cỏ, rồi tan. Cơn mưa nhanh có lẽ chưa kịp gây thiệt hại.

Bạn bảo: Đôi khi chỉ chút ước mơ mà cũng thấy được mình thì hại người, có ước mơ nào được mình được người không đây.

Có không nhỉ, cuộc đời đôi khi như một cuộc đua, có người được thì có người mất. Bạn đã hỏi có khi nào niềm vui là hoàn toàn? Vì nhìn thấy rằng niềm vui của người này là khổ đau của người khác.

Tôi suy nghĩ về câu hỏi này đã nhiều năm. Đến như một người phát tâm học đạo, cũng gây chấn động nơi cung ma! Chúng ma cũng phải họp lại bàn kế hoạch giữ chân người vừa phát tâm học đạo, người rời bỏ chốn ma này, chốn ma sẽ mất một thần dân.

Ôi chao, khi đọc đoạn văn này, tôi băn khoăn mấy ngày. Với ý niệm tốt mà cũng gây phiền cho ai đó hay sao.

Có mơ ước nào mà được mọi người chấp nhận hết không?

Nhớ câu “tất cả những gì nguyên lành đều xây trên chút gì đổ vỡ”, có chút gì để vỡ, có thể phải đổ vỡ cái xấu để gây dựng nên cái tốt, nếu thế thì còn gì bằng. Nhưng cuộc sống lại không đơn giản như thế! Nhìn những người muốn trở về cuộc sống tốt đẹp lương thiện, phải khó khăn rời chốn cũ thế nào. Giữ một tâm tốt cũng khó khăn biết bao giữa chốn trần lao này, với nhiều rủ rê vào những đoạn đời gian nan.

Tôi tìm ra câu trả lời hoàn chỉnh chưa?
Chưa có đáp án nào hoàn chỉnh cho tất cả, bởi trong phẩm Dược Thảo Dụ trong kinh Pháp Hoa có nói, cùng một trận mưa, nhưng sự thấm nhuần của cây cỏ, mỗi loại mỗi khác.

Nhưng Lời kinh có hơi xa vời chăng? Có thể nói gần hơn: Cùng nghe kể một truyện hay, cùng nghe một bản nhạc nổi tiếng, cùng xem một chuyện phim đầy nhân bản… nhưng cách cảm nhận vui buồn vẫn khác nhau. Đến cảnh vô tình cũng là nơi vui cho người này, là chốn nhắc nỗi xót xa cho người khác.

Có một người bạn tôi kể rằng: “Chỉ có một cái toàn chính là sự bất toàn”. Cũng như vô thường chính là thường vậy. Mới nghe thì hay, nhưng hình như, thế cũng không phải.

Kết luận là sao?
Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Khi một điều đơn giản còn ngần ngừ chưa thể thực thi.

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Đuổi theo cầu vồng


Mưa lất phất khi chúng tôi trở về, tiếng reo vui mừng với nhau khi chiếc cầu vồng xuất hiện. Tôi lấy máy ra bấm, nhưng xe quanh sang hướng khác, chiếc cầu vồng ẩn khuất, rồi nó xuất hiện bên trái, rồi bên phải.



Trong xe tiếng kêu: “bên trái kìa”, “bên phải kìa”, giúp tôi kịp bấm máy, giữ lại một điều không thể giữ trên nền trời kia. 

Em mỉm cười lái xe trong một nhịp đều đặn không thể chậm lại giữa dòng xe, không thể chậm để tôi kịp nắm lấy chiếc cầu vồng, dù chỉ là trong máy.

Khi tôi cảm thấy nên chịu thua thì nó lại xuất hiện, rõ ràng hơn. Và lần này là nguyên chiếc cầu vồng bắc ngang trời, làm sao cho qua được! Đành vội vàng bấm máy.


Cầu vồng thường chóng vánh tan, nhưng sao lần này nó ở trên nền trời lâu thế không biết. Như một trò cút bắt của tuổi thơ, chỉ là trò chơi thôi, nhưng lúc tuổi nhỏ lại thật sự khóc cười.

Trong tôi cũng nhiều tâm trạng, ai cũng hiểu mọi thứ chỉ là ảo hình, là bóng ảo do ánh mặt trời hắt qua bóng nước, nhưng cái đẹp mong manh của nó khiến tôi phải đuổi theo, mà giữ nó lại. Em cười cho sự vô lý của tôi, hay chính tôi đang muốn nói với em, chính em đang chạy đuổi chiếc cầu vồng muôn màu diễm lệ.

Em không biết nên giải thích thế nào, chỉ đành nói đơn giản, “mọi sự mà mọi người đang cho là vô nghĩa, khi nào con cảm thấy thật, đúng là vô nghĩa thì con sẽ trở lại”.

Chiếc cầu vồng sau khi bắt ngang trời thì dần mờ nhạt, trả lại cho bầu trời màu sáng sau buổi chiều mưa.


Tôi cảm giác tiêng tiếc phút giây vừa qua, hay tiếc những gì không trọn vẹn trên đời này, chóng vánh nhanh tan biến.

Hình như không hẳn thế, chiếc cầu vồng kia nhắc một điều sự đuổi bắt ngay phút giây đó tuy là thật có ý nghĩa, nhưng cả ngay giây phút đó cũng ý thức rằng mọi sự trong đời sống như thế mà thôi. Mãi theo những biến chuyển mà quên ánh sáng nơi cái nhìn cái nghe vẫn đó.

Chiều nay, dù cầu vồng kia có đến có đi như hoa đốm, như bóng nắng chiều hôm và có như nỗi buồn khi ngồi cạnh em tôi, với những gì không biết nên nói sao cho phải. Thì dòng đời vẫn trôi và chúng ta đã để “mây trắng đã bay ngàn dặm”



------------------------------------------------------
… Chợt gặp một vị tăng hỏi:
- Sanh từ đâu lại, tử đi về đâu ?
Sư liền suy nghĩ. Vị tăng ấy bảo:
- Trong lúc ông suy nghĩ, mây trắng bay ngàn dặm.
Sư không đáp được….
 (Thiền sư Trí Bảo, đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông)






Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Tưởng rằng... đã qua



Trái tim người bảo có,
làm sao tôi bảo không,
trái tim người bảo được,
thì thôi, tôi cũng đành.

Em đến để hỏi chúng tôi cảnh em đang gặp phải, nhưng phân tích cách gì thì tôi cũng là vô lý, em đưa ra rất nhiều lý do, để tôi phải công nhận rằng em đang có lý khi chọn quyết định đó.

Hiểu vậy cho mọi lời hỏi và mọi lời khuyên, mới không buồn khi người hỏi cứ khăng khăng vô lý trước những lời khuyên có vẻ hợp lý. Giá trị nếu có là sau khi những cảm xúc đã lắng lại, người ta thấy mình ngốc nghếch làm sao khi suy nghĩ như vậy, mới thấy những lời khuyên là đúng. Có thể hơi muộn, cũng có thể chưa.

Rồi thì những gì tưởng rằng đã qua, đã phai, được nhớ lại khi bình tâm. Chúng ta ai cũng với một tâm tốt với đời, nhưng khi bực bội giận hờn, thường có những đoan chắc và phán xét làm thương tổn nhau.

Quên rằng mình đã sống một đời hiền hoà và đang luôn muốn hướng tới chân thiện mỹ. Người ta tưởng sẽ quên này kia khi bụi thời gian phủ lấp, nhưng những gì đã được khơi sáng, có bị mây mù che khuất ở khoảng giông bão nào đó. Khi giông bão qua, người ta nhớ lại điều mình đã chọn, trong đời này hay trong nhiều đời khác, nếu bạn tin rằng có nhiều đời tiếp nối….

Nhạc sĩ Trịnh nói cũng đúng “Tưởng rằng đã quên…” nhưng ông thì không quên cuộc tình, cuộc tình tuy lớn nhưng lại là điểm nhỏ trong đời.

Cái trải dài trong đời là, có ai quên được gì đã đến với tâm mình, đã có mặt nơi tâm mình. Bạn không quên ai đó, cũng có nghĩa bạn không quên những gì đã qua. Tất cả lưu dấu nơi nghiệp. Nên nếu một lần bạn đã phát khởi tâm thiện, nó sẽ tăng trưởng theo ngày tháng, dù đôi khi vì hoàn cảnh sống bức bách, bạn dường như quên đi mình muốn tốt hơn. Nhưng rồi bạn không quên.

Và nhìn xem, mỗi ngày bạn vẫn thấy trong tim mình một đoá hồng dành cho cuộc đời, dành cho con đường hướng đến tâm trong sáng. Và vì thế bạn vẫn lắng nghe những lời nhắc nhở từ các bậc Thầy khắp nơi trên thế giới, bởi bạn tin rằng bản tâm chân thật là điều theo chân mình muôn kiếp, dù có thể chúng ta vẫn đang là gã cùng tử chưa về đến nhà.

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Rừng thông chết




Chiếc xe lướt đi khá nhanh với một tốc độ, mà dù cố gắng tôi cũng không thể ghi lại rõ ràng hình ảnh rừng thông chết.

Rừng thông chết, có bao giờ tôi nghĩ tới chứ! Thông xanh mãi với trời kia.

Tôi đã sống giữa những tiếng thông reo nơi Dalat sương mù kia từ thuở bé. Từ giã Dalat, đã có những nhánh thông xanh được rải bông gòn giả làm tuyết phủ nơi thành phố Saigon kia. Yêu mến sự vững vàng của thông trước mùa đông giá rét. Về sau có dịp đi ngang những rừng thông đầy tuyết phủ, đã từng nhìn những rừng thông bạt ngàn đang sống trong tuyết lạnh.

Thông luôn là biểu tượng chịu đựng được đông lạnh, sương rơi tuyết phủ, khi tuyết tan hết lộ ra những nhánh cây xanh.

Vậy mà bây giờ có một cánh rừng thông chết! Cây vẫn còn rõ dáng thông, chỉ không còn màu xanh. Xa hơn nữa, xương lá cũng rơi mất chỉ còn dáng khô khốc đứng lặng lẽ trên đồi, và rồi xe chạy ngang xác thông nằm ngổn ngang trên đất trơ.

Xe vẫn chạy vun vút với một tốc độ rất khó ghi hình qua khung kính. Rồi đồi, rồi núi, rồi qua những đoạn hồ. Khi qua những hồ, núi in bóng xuống nước trong, dằng dặc miên man, núi cứ như thế chập chùng thăm thẳm, mênh mông.


Không phải mãi hoài sông nước để núi in bóng như thế, rồi qua núi đá trơ, màu đen của núi, lạnh lùng, không phải là núi xanh mà là núi đen. Cũng dài dằng dặc.


Thế đó, như dòng thời gian, như con đường từ kiếp này sang kiếp khác, cũng là khoảng xanh tươi, cũng là khoảng sông hồ, cũng là khoảng núi trơ lạnh lẽo.

Và rừng thông chết kia, như khép lại một khoảng đời. Như những bức tượng đá ngàn năm, thời gian chưa kịp bào mòn, thì chính con người đã ra tay xoá bỏ.

Mọi thứ cũng thế, chính nơi suy nghĩ kia, hành động kia mà con đường bỗng dưng trắc trở, khó khăn. Cái chưa tan hoại bỗng rồi tan hoại với một suy nghĩ quyết đoán của ai đó. Và đời chúng ta cũng thế. Nhưng có khác là đời chúng ta do chính chúng ta vẽ nên. Cái hữu vi rồi sẽ tàn, như rừng thông kia không thể xanh mãi với đời vậy.

Bản kinh Kim Cang với lời kệ:

Nhất thiết hữu vi pháp,         tất cả pháp có hình tướng có tạo ra
như mộng huyễn bào ảnh,    như giấc mộng như ảo ảnh như bọt nước
như lộ diệc như điện,           như sương như điện chớp
ưng tác như thị quán.          nên như thế mà quán chiếu.


Bạn hỏi: Thế nghĩa là sao.

Chỉ là trước mọi biến động của vạn vật (hữu vi), chúng ta biết như thế để tâm tư bớt những đau thương. Khi tâm nhanh lấy lại thăng bằng, chúng ta sẽ biết chúng ta nên làm gì.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Đâu là giá trị


Chúng tôi đến trước một ngôi biệt thự. Chị nói: Căn nhà này trị giá trên mười triệu bảng anh. Một số tiền tôi chẳng thể mường tượng là bao nhiêu, vì chẳng bao giờ nghe đến con số lớn như vậy. Thấy nói vậy có lẽ cũng chưa đủ để tôi quan tâm, nên tôi được nghe thêm về nhân vật chủ toà nhà này, với chức danh chắc hẳn là một người quan trọng.

Và người khách đang trong đang trong ngôi nhà mà chúng tôi mong được gặp kia, phải là một nhân vật có tầm cỡ quan trọng hơn chủ nhân, quan trọng hơn giá trị căn nhà.

Tôi chợt nhớ đến Hoàng tử bé:



Nếu anh nói với những người lớn: “Tôi có một ngôi nhà kiều diễm xây bằng gạch hồng thắm, với những chậu hoa phong lữ thảo ở bệ cửa sổ, và những cặp bồ câu đậu ở mái nhà..." họ sẽ không thể nào hình dung ra được cái nhà của anh.
Phải bảo họ rằng: “Tôi có thấy một ngôi nhà trị giá một trăm nghìn phật lăng." Thì khi đó họ sẽ thốt to: “Ồ! Sao mà xinh thế nhỉ."
Vậy đó, nếu anh bảo: “Bằng chứng hoàng tử quả có thật ở trong đời, ấy là chú rất quyến rũ dễ yêu, chú cười, chú muốn một con cừu. Một phen người ta muốn một con cừu, thì đó là một phen có đủ bằng chứng là người ta hiện hữu", thì những người lớn sẽ nhún vai và coi anh là con nít!
Nhưng nếu anh bảo: “Tinh cầu từ đó hoàng tử tới đây là tiểu tinh cầu B 612" thì khi đó họ sẽ tâm đầu ý hiệp với anh ngay…

Người đang trong nhà đó, giá trị không thể đo tính bằng những gì đã kể, những gì đã kể chỉ là để kể, chẳng mang một giá trị thực.

Nhưng tôi cũng xin vụng về nhập đề tả rằng, có một người chỉ với áo vải nâu, còn gì nữa nhỉ, người đó không có gì hết, ngoài một trái tim tỉnh thức.

Và mọi người vượt ngàn dặm đến đây, không phải vì căn nhà triệu bảng anh kia, mà chỉ vì người áo nâu có trái tim tỉnh thức.

Cái giá trị chỉ được nhận ra khi chính những người tìm đến với một trái tim khao khát sự tỉnh thức.

Tôi còn ắt muốn nói:  
“Thuở xưa kia từng đã một lần hoàng tử bé con, bé nhỏ, đã từng phen lưu trú tại một tinh cầu chơi với bé bỏng, bé tí, có lớn hơn tí chút hoàng tử mà thôi, và hoàng tử đã từng có thiết tha mong chờ một người bạn thiết..." Đối với những ai am hiểu cõi đời tồn sinh mát mẻ, thì đó thật quả ắt có vẻ xác thực chân chính hơn nhiều.  [Hoàng tử bé- Bùi Giang dịch]

Cái người bạn thiết mà chúng ta hằng mong chờ kia, có là ai xa lạ! Các bậc thầy thuờng bảo thế. 

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Không ai để nhớ



Cây đào rực rỡ, khác với ngày đông trơ cành. Dọc đường những cành đào trắng đã hắt bóng xuống nền đường. Không vui cũng không buồn, nhưng có một nỗi nhớ nhẹ nhẹ đâu đó, nhớ ai, chẳng rõ nét là ai. Tôi dừng lại bên hồ, cành liễu già lâu năm rủ lá che một khoảng hồ.
liễu rủ bên bờ hồ 2012

Cái điều những ai rời quê nhà chắc thoảng hoặc sẽ thấy xuất hiện trong tâm, nhưng vì quá mơ hồ, nên không biết đó là gì.

Nhưng tôi muốn biết, nên khi nó ra mặt, dù là một thoáng thôi, vẫn có thể nhận ra, đơn giản chỉ là một nỗi nhớ quê hương, khi đã lớn lên từ một mảnh đất nào đó. Dù tôi đã từng cho rằng đâu cũng là quán trọ, nhưng đúng là có những quán trọ mình khó quên, là quê hương chăng!

Vậy ra những người xa quê dù đời sống có đầy đủ tiện nghi đến đâu, trong sâu thẳm vẫn là nỗi buồn không thành lời.
Có thể một điều gì khiến người ta sẽ nhớ, như một mùi rau quế sáng nay. Vậy mà chỉ mùi rau quế làm tôi tần ngần bên hiên. Sự nhắc nhớ vu vơ tình cờ như thế, bạn ạ. Đâu cần nhiều nhỏi chi lắm.


Và hơn nữa, những điều sâu sắc hơn, trầm lắng hơn, khiến người ta lên đường tìm về cố hương, khi đang sống giữa trần gian này. Tuy sống giữa muôn ánh sắc màu, người ta vẫn có một nỗi niềm sâu thẳm. Đôi khi đến gần cuối đời bạn mới hiểu bạn tìm gì. Cái chân thiện mỹ nơi thế gian hay nơi chính mình!

Khi không có ai rõ nét để nhớ, bạn mới khám phá ra nỗi nhớ âm thầm, nỗi nhớ dường như không tên vẫn đâu đó, mà vì bận cột tâm vào những gì đang ưa thích hay chối bỏ, khiến điều này lặng lẽ âm thầm quá, khó nhận ra.

Hương trầm có còn bay, ta thắp nốt chiều nay… Không còn không còn ai…
người nhạc sĩ kia có thể một thoáng vu vơ thấy ánh sáng nơi không còn ai đó.
Chỉ vì  tâm thức mình lúc nào cũng đầy dẫy bạn bè, đông đúc như một ngày hội lớn, nên có khi nào rảnh rỗi để thấy, không còn không còn ai.

Khi “khách trần” đã lắng, bụi không còn lăng xăng, thì may ra lúc đó, mình mới gặp những gì thầm lặng đợi chờ.


Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Có chuyến xe nào



Xe điện underground sâu dưới lòng đất 200m, phải đi nhiều đoạn có cầu thang rất dài mới xuống đến đây. Đứng chờ xe đến, nhìn phía sau lưng nơi xe sắp đến đường hầm sâu hun hút tối mò, và trước mặt nơi xe sắp đưa tôi đi cũng là một đường hầm tối mò, đầu hầm có một ánh đèn báo hiệu. 
Còn nơi tôi đang đứng chờ xe, ánh đèn điện sáng trưng, người đến người đi tấp nập. 

Khi tiếng xe sầm sầm tiến đến, dừng lại, kẻ trên xe vội vã xuống rồi rẽ vào các đường khác nhau, đi về các hướng, còn những người đang chờ đợi chuyến xe này, cũng vội vã lên xe sợ “trễ chuyến”. Rồi xe chạy, hai bên tối đen, nếu trong xe đèn tắt chắc rất sợ hãi.

 Trạm dừng, lại người xuống kẻ lên tấp nập, tôi phải qua mười trạm mới đến nơi xuống. Nhìn cảnh trước mắt tựa như bước đến đời sống cũng gấp gáp rồi bước ra khỏi đời sống cũng vội vã, bởi lúc nào cũng là “tới giờ”. Có những người xuống nhầm trạm từ chuyến trước, bây giờ gấp gáp hơn tựa như có những đứa trẻ ra đời, rồi mất rất sớm, có lẽ nó nhận thấy mình đã ra nhằm nơi, phải gấp rút xuống xe, để đón xe khác đi… Có thể lắm chứ. 

Trên xe có một bảng giới thiệu rất hay, nói rõ thật:

Biết rõ nơi mình đi! Có thể có những chuyến đi mình không biết, nhưng “nghiệp” biết rõ, nên dẫn mình đi  đến “đúng nơi hẹn”.

Hiểu thế, có lẽ bớt lo mình sẽ đi đâu, dù nơi đến chỉ biết qua lời giới thiệu! Nhưng luôn tương xứng với sự chọn lựa của mình. Một hành động của chúng ta vừa làm là đã cho biết ý định chúng ta muốn đi đâu. Nghiệp sẽ đưa chúng ta đi đến nơi đó. Hoá ra nghịêp là một hướng dẫn viên du lịch đưa mình đi qua các cõi theo ý mình!

Chính vậy các Bậc thầy luôn nhắc phải giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh nếu muốn về cõi lành!

Sáu cõi để ngao du, chỉ nào khi  không còn muốn lẩn quẩn trong sáu đường, mới chịu chạy ra khỏi nhà lửa, nếu chưa, thì có rủ chạy ra cũng vô ích. Bạn không tin ư! Thử nhìn những người đang mê cái gì đó, đánh bạc chẳng hạn, lao vào như thiêu thân, ai can cũng không được! Thí dụ vậy thôi, chứ người đang trong cuộc thấy mình có lý trăm phần, chỉ người ở ngoài mới lắc đầu thở dài, lo lắng cho. 

Mới biết tấm lòng của các bậc thầy là đến đâu, phải là Tâm lão bà tha thiết lắm, mới kiên nhẫn nói mãi với chúng ta đến vậy, cho dù chúng ta chẳng nghe.

Khi mê sáu cõi,
lúc tỉnh hoàn không… 




Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

“no internet access”



Có những nỗi khổ thời đại dành riêng cho những người “ảo”, loay hoay mãi với “no internet access”. Skype với liên lạc toàn cầu kia, bỗng chốc hóa thành giấc mộng. Nhìn lại mình ngồi đây, còn những hình ảnh vừa nói cười cùng nhau, như thật, đã thành giấc mộng chỉ bởi “no internet access”.

Khi không còn trong vùng phủ sóng của đời nhau, thì sao nhỉ. Không cách gì nói cho nhau nghe được nữa. Còn sống đây mà đã thế, đến “mai kia” khi đã “no internet access” chỉ còn mong chờ gặp trong giấc mộng, mà có khi “mộng còn chưa thấy”.

Có những người chỉ còn gặp trong giấc mộng, thức giấc biết là mộng, nhưng vẫn nghe lòng an ủi. Cảm giác lạ thật! Thế đó, tự biết mình sẽ thế nào ở đời sống đâu đó khi bước ra khỏi cõi trần gian đầy đau khổ nhưng đầy yêu thương này. Sẽ mãi quanh quẩn giữa mộng và thật.

Các Bậc thầy hay bảo: Hãy xem bạn nhìn thế giới đang sống thế nào, thì cuộc sống nơi kháccũng thế. Hễ bạn tin có thiên đường thì địa ngục có thật. Hễ thật thì tất cả đều thật. Kể cả người ảo trên mạng internet này, đôi khi chưa gặp, nhưng vẫn làm điêu đứng tâm hồn nhau.

Kẽ ánh sáng chiếu qua mỏng mảnh như thế, nhưng nếu bạn để ý cũng đủ giật mình, về tính chất huyễn ảo. Có thể chỉ một thoáng rồi thôi, nhưng sẽ để trong lòng nhau một chút suy nghĩ về những khổ sầu khi chẳng thể liên lạc được với nhau. Muốn chấm dứt những sầu muộn đó, thử nghĩ lại một chút về những gì đã biến mất khi rớt mạng. Chờ đợi, nghi ngờ… rồi quay quắt kiếm tìm…

Thế đó, con đường mòn muôn kiếp là thế. Trong khi loay hoay chờ kết nối được mạng, bạn có ngạc nhiên khi thấy thế không. Nếu ảo là thật như thật, thì cái thật đây là sao nhỉ! Các Bậc thầy đã nhắc nhở biết bao lời, về những gì đang vật vã trong tâm ta, đang trước mắt ta đó chỉ như là sóng nắng, như thành càn thát bà, như lầu sò chợ biển, như hoa đốm, như giấc mộng, như những ảo hình ta đang đối mặt vui cười trông đợi…

Từng chút từng chút, lời nhắc nhở như nước ngấm dần vào lòng đất khô cằn, để nhánh cây khô kia có một ngày trổ hoa đẹp!

-----
Những danh từ sau để chỉ những cảnh ảo hoá không thật:
- Thành càn thát bà: Thần Càn-thát-bà thường dùng ảo thuật tạo ra những cảnh thành đô, những thành quách ấy phút chốc tan biến.
- Lầu sò chợ biển (thần lâu hải thị) = Ánh sáng soi bể giọi lên trên không thành muôn hình vạn trạng, ngày xưa cho là vì con sò thần hóa ra và gọi là thận lâu hải thị 蜃樓海市 lầu sò chợ biển.