Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Sao cũng đúng!


Nghe câu nói này, bạn cho rằng tên này ‘ba phải”. Tôi hỏi bạn ấy sao ai nói gì cũng ờ ờ hết vậy! Bạn ấy cười “ờ ờ nghĩa là luôn đúng với quan niệm của người nói. Nếu phản bác thì lại đem ý mình vào rồi, chỉ gây thêm tranh luận, trừ vài trường hợp hiếm hoi gọi là trao đổi ý kiến! May ra lắng nghe nhau”.

Hèn chi ai cũng thích kể chuyện bạn ấy nghe, vì chuyện gì, người kể cũng được thấy chấp nhận mình là đúng! Tôi cũng thường kể chuyện cho bạn ấy nghe, vì lúc nào tôi cũng đúng!

Giá như những người hay kể biết được vậy, có lẽ cũng mất hứng kể. Nhưng không! Vì khi được công nhận là mê mờ, mấy khi được chấp nhận khen tặng mà tỉnh táo, nên rồi chúng ta cứ tìm ai đồng ý với mình mà kể.

Thâm sâu thì người mê chỉ thích người mê như mình, ở gần người tỉnh cũng khó vui, cứ cảm thấy bị khựng lại những niềm vui đang kể. Niềm vui giá trị như thế mà người kia lại ơ hờ. 

Nhưng người ờ ờ vậy chứ chưa làm bạn khựng lại bằng khi bạn kể cho một người lắng nghe, nhưng bạn biết điều bạn kể không ở trong tâm kia. Bạn luôn có cảm giác mình trẻ con, mình dại dột…

Ở gần người thấy gì cũng “chẳng quan trọng” thật vất vả, nếu bạn chưa muốn tỉnh giấc mộng kê vàng.

Nhưng rồi, dần dà chúng ta sẽ chấp nhận rằng sự dừng lại khi tâm xôn xao là điều cần thiết. Dần dà mình sẽ nhận ra những lời nói, những quyết định khi tâm chao đảo chỉ làm mọi chuyện khó khăn thêm. Kể đi kể lại chứng tỏ rằng mình đúng thì càng thêm không giải quyết được.

Lúc đó sự bình tâm của bạn kia sẽ giúp tâm mình nhanh chóng lấy lại thăng bằng, giúp mình thấy mọi dao động mạnh chỉ vì cho rằng nhận định của mình là đúng mà bị phản bác.

Thôi thì mình đúng, nhưng đúng với cái nhìn của mình vậy!

Bạn nghe đến đây, hỏi tôi, vậy chứ lối mở ở đâu, thì ở chỗ mình biết rằng mọi thứ chỉ đúng với nhận định của riêng mình, biết vậy cũng  đỡ bực bội khi người khác khăng khăng ý của họ là đúng! Nghĩa là đối với mình thì họ chỉ đúng với cái nhìn của họ thôi.

Bạn hỏi thêm, trong phạm vi nhỏ là thế, còn phạm vi lớn hơn thì sao?

Phạm vi nhỏ còn không giải quyết được, làm sao có hướng giải quyết cho những gì tác động đến tập thể. Vấn đề không phải ở chỗ anh đúng hay tôi đúng, vì ai đúng cũng gây nên cuộc hí trường.

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Còn xanh lắm!


Còn xanh lắm!
Đọc câu này, có thể bạn nghĩ ngay đến chuyện ngụ ngôn về con cáo và chùm nho xanh!

Mệt nhoài sau khi cố gắng để với lấy cái hơi xa tầm tay, cố gắng mấy cũng không được, đành buông ra lời an ủi chính mình!

Nếu kịp an ủi mình thì cũng đỡ vất vả cho người an ủi dỗ dành khi mình thất bại, thất vọng. Tuy đọc chuyện này ai cũng cười con cáo kia, nhưng ít ra nó cũng tự hiểu và an ủi lấy chính nó.

An ủi lấy chính mình, nếu được vậy cũng là chịu được những cảnh nghịch lòng trái ý.
*
Đang học đến bài Vô Thường thì em chạy về gấp vì nhà em bị trộm viếng. Buổi chiều, bạn bè ghé nhà an ủi, đem lý vô thường vừa học bàn luận để em bớt buồn, vì những gì em dành dụm lâu nay đã mất hết.

Vài hôm sau em cười bảo, hôm nay con đỡ buồn, nhưng thật như các thầy giảng, mình học Phật nếu không ứng dụng sâu sắc, thì cuối cùng chỉ để an ủi người khác, còn chính mình chẳng thể làm  gì được, với những danh từ đó.

Thì thôi, ít ra các em cũng an ủi lẫn nhau, bước đầu phải là thế thôi. Con đường dài, cùng nhau đi, tuy đường xa và khó khăn cũng đỡ thấy ngán hơn. Sức mạnh của tập thể nâng đỡ tinh thần nhau là vậy.

Ban đầu đến đây, ai cũng lùng bùng chuyện trong tâm, nhưng nghe phân giải một chặp là dịu xuống. Dịu xuống thôi, một chút bình tâm là khởi đầu niềm tin về con đường mình chọn. Trong sóng gió, sẽ có những lời an ủi đúng lúc để tâm tư quen dần sự lắng dịu.

Cho nên an ủi chính mình và tự qua được, cũng là điều khó khăn rồi, đủ sức đi qua những đám mây như sương khói kia, đâu phải dễ. Nếu không qua được, đành để người an ủi mình! Vậy thì con cáo kia, cũng có điểm hay cho mình học đấy chứ, bạn nhỉ.

Nếu nhìn rõ trước lý nhân duyên, thì không phải đợi đến mệt nhoài mới thốt lên “còn xanh lắm”. Lý nhân duyên trùng trùng, mỗi ngày hiển hiện ra trước mắt, nhìn được thấu đáo, để không phải tự an ủi thì kể ra là điều tuyệt vời trong cuộc sống mình rồi. 

Bên trong sự việc


Gần Tết mọi việc khẩn trương gấp bội, việc gì cũng cần hoàn tất, cần kết thúc trước năm mới. Tất bật từ thân đến tâm. Dường như người ta mất bình tĩnh nhiều hơn bởi lo toan nhiều cho một cái Tết sắp đến. Suy tư nhiều hơn, trầm ngâm nhiều hơn… và phiền nhau dường như cũng nhiều hơn!

Nói cách gì em cũng thấy mình có lý. Bên kia vô lý trước, khiến em bất bình và sự việc đáng tiếc xảy ra.

Em kể lại giọng vẫn còn sôi nổi, cho thấy nỗi bực chưa tan. Khi bực, nghĩa là cho mình đúng trăm phần!

Chị bảo “thói thường là vậy, thông cảm đi”.

Thông cảm cho sự phản ứng của em trước bức xúc đó, nhưng thông cảm không có nghĩa là chấp nhận!

Buồn cười là tôi và chị vì chuyện của em mà đâm ra không vui. Bây giờ đúng là thói quen! Thói quen, quen cho cái nhìn của mình “phải” được chấp nhận.

Cả hai làm thinh một chặp, nhưng bắt đầu đề cập lại chuyện này, là như rằng không thể đồng ý với nhau trên cách em giải quyết. Chị quên là khi người khác giải quyết như vậy, chị không thể thông cảm, nhưng với em, thì chị thông cảm.

Tôi và chị vẫn rất mực coi như chuyện đang nói chỉ để kinh nghiệm mà thôi. Đang thế, bất chợt nhận ra - rõ ràng khi nhắc đến, chỉ để tôi có đôi lời bênh vực người bên nay, chị sốt sắng bênh vực người bên kia, dù tôi và chị cố gắng cho thấy mình trung dung, không chủ quan nghiêng về bên nào hết. Cả hai luôn tỏ vẻ thông cảm cho mọi người, nhưng bàn sâu thì thấy lớp vỏ khoác bên ngoài khá mỏng, chỉ cần đôi câu là thấy rõ điều mỗi người muốn nói. Mình chỉ chấp nhận sự việc theo tình cảm hoặc quan niệm của mình mà thôi.

Quanh quẩn nhỉ! Người ta luôn tự nghĩ rằng mình là người không nghiêng về bên nào hết, là người rất mực có cái nhìn thông cảm, rất mực…

Nhận ra một điều nằm khuất trong tâm, không biết nó ở góc nào mà mình không hay biết, cái suy nghĩ cái vọng động mà lại không hay biết! Chúng ta thật không biết chúng ta như thế sao bạn.

Nhưng đáng mừng, đó không phải là bộ mặt thật của mình bạn ạ. Nếu không, thì không biết thế giới sẽ về đâu, khi sự thật là những gì đáng sợ. Người ta hay bảo “bây giờ mới biết mặt thật của anh”, một bộ mặt dối gian, toan tính… được che dấu sau sự hoạt bát vui vẻ, lúc nào cũng vâng vâng dạ dạ. May thay! Cả hai – những biểu lộ ra bên ngoài và những gì khuất lấp trong tâm đều là những lớp bụi trên mặt gương, những đợt sóng trên biển cả mà thôi.

Mình thì không thể chịu nổi nhau, vì cho những dối gian, toan tính là bộ mặt thật của người đó. Nhưng các bậc thầy có thể kiên nhẫn từ trăm năm này qua trăm năm khác, chờ sự trở về của chúng ta, chỉ bởi “tôi không dám khinh các ngài, các ngài sẽ thành Phật”.

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Bóng không như thật



Bạn xem hình, đâu nghĩ rằng đó chỉ là bóng in trên nước, bạn nhỉ!

Như một bức tranh vẽ màu nước.

Bóng như thật! Có những bức chân dung nhìn rất hay, nhưng khi gặp người thật thì không hẳn thế, chỉ vì hình chụp, ghi lại khoảnh khắc mà bạn chấp nhận. Nhưng khi sống cạnh nhau, thì có những khoảnh khắc bạn khó chấp nhận.

Đôi khi có những hình chụp chính mình, rửa ra ảnh, xem xong phải xé bỏ, vì mình không chấp nhận mình có một gương mặt cau đó, dáng đứng không nghiêm chỉnh…

Mình không chấp nhận mình lúc đó, thì người bên cạnh sao có thể chấp nhận được. Khi nhìn ảnh không vừa ý có thể bỏ đi, còn người bên cạnh! 
Bạn đối mặt với những điều mà không giống bức hình lưu giữ kia. Bạn chỉ có thể đi đâu đó vài ngày vài tuần tránh mặt, nhưng đâu thể đi hoài. 

Ra bờ suối, nhìn bóng cây phản chiếu xuống nước, tùy ngày nắng ngày mưa mà hình sai khác. Cái lung linh tuyệt đẹp kia, chỉ cần một cơn mưa lớn, nước không còn soi rõ bóng. Tôi mường tượng như chỉ một cơn nóng vội, mọi thứ không rõ nét, chúng ta ghi vào tâm những hình ảnh không đẹp về nhau, và giữ mãi trong tâm, nghĩa là “không thể tha thứ”! Làm sao bỏ qua lỗi lầm của nhau được, khi đã lưu giữ trong album tâm một cách cẩn thận.

Tâm lưu giữ tự nhiên mọi điều qua nhận định của mình, chỉ là một khoảnh khắc chết! Nhưng tùy cách mình so sánh giữa bức ảnh lưu giữ và người đang trước mặt, khổ vui từ đó.

Lạ một điều, nếu bức ảnh đẹp mà người lúc đó không giống ảnh, mình thất vọng.

Nhưng nếu bức ảnh không đẹp, mà người đang trước mặt tử tế, mình cũng không chấp nhận! Cho rằng họ không thật, họ đang mưu tính gì đó. Nên cái tử tế tốt đẹp kia, cũng không được chấp nhận.

Không chấp nhận sự cau có trên gương mặt người đối diện thì đã đành, nhưng khi nhận được sự tử tế mình cũng nghi ngờ!

Nhận ra được điểm nhỏ này, cũng giúp tâm bớt "sóng gió" trước những hình ảnh không đẹp trong cách đối xử của người bên cạnh với chúng ta, khi hình ảnh đó khác với ảnh cố định mình đã chọn


Tâm mỗi người đều có nhiều khoảnh khắc khác nhau, và những khoảnh khắc đó chỉ là những đợt sóng phù du trên biển cả bao la mà thôi. Hiểu như vậy cũng nhẹ lòng phần nào, bạn nhỉ!

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Một thoáng "tương ưng"

Bóng chính là cây, nhưng cây không phải là bóng!


Bạn hỏi tôi nghĩa chữ “tương ưng”, đây là một thuật ngữ thường thấy. Khó diễn giải theo ý những định nghĩa trong Kinh luận. Nghĩa đơn giản nhất là ‘khế hợp’.

Khi chúng ta gặp việc gì đó, nghe nhạc, sẽ chọn những bản nhạc thích hợp với tâm trạng lúc đó. Nên thấy ai đang thích nghe gì, có thể tâm bạn ấy, đang có vấn đề tương tự. Những bản nhạc bất hủ vì nó chạm đúng vào tâm chúng ta, những điều hầu như ai cũng đi qua.

Chẳng hạn “yesterday once more”, có lẽ mình cũng một lần mong như thế, nên bản nhạc ấy sống hoài trong tâm người nghe!
Nhạc vui thì ít, “chủ nhật buồn” (sombre dimache) thì nhiều, còn beautiful Sunday thì ít! Là biết trong cuộc sống có mấy khi được vừa ý.

Tâm của mình sẽ tương ưng với những giai điệu đang có trong tâm, nên có người thích loại nhạc này, có người thích nhạc kia, có người nghe tiếng tụng kinh thì lắng tâm lại, lại có người không muốn nghe, nên có những bản nhạc tiếng Phạn, lời kinh nghe dễ hơn, như bản  Prajñā Pāramitā.

Người đang buồn không thích nghe nhạc vui, chỉ thích những giai điệu xa vắng, trầm buồn thích hợp tâm tư đang tan tác. Số lượng nhạc buồn rất nhiều, hóa ra cuộc sống trong tâm thường bị những giai điệu buồn chiếm giữ.

Vì tâm chúng ta vọng động nên tương ưng với những vọng động. 
Còn sự tĩnh lặng, nếu có lại gây buồn chán!

Hiểu vậy, bạn nhìn những gì bạn đang thích, bạn sẽ hiểu tâm bạn đang thế nào. Chúng ta mong muốn bình an, nhưng tâm trí thì cứ tương ưng với những rối ren, chính thế cuộc sống cứ sóng gió muôn phía, từ gia đình, bạn bè, công việc, ngay cả khi đến những nơi tĩnh lặng cũng nghe rối ren! Khiến chẳng còn biết nơi đâu, chẳng biết thế nào để tâm tương ưng với “lý tánh” – sự tương ưng rốt ráo.

Để ý dần những điều này khi tâm khởi, bạn thấy nhẹ nhàng hơn khi gặp những cảnh đời khó khăn. Chính sự tương ưng với khổ từ lúc bất giác nào đó, vô tình mình đã vẽ nên nay tác phẩm là hoàn cảnh sống bạn khó chấp nhận được. Biết vậy để khi thấy những gì bất thiện mà tâm có vẻ đang tương ưng, thì có thể dừng lại, để tránh những cảnh không hay đưa đến.

Nếu biết lúc trước lầm gây nghiệp bất bình, cố gắng thanh toán trong vô tâm, trói trăn đâu buộc được người sạch lòng…” Thỉnh thoảng chúng ta nghe lời nhạc này giúp mình một thoáng nhẹ lòng, tức một thoáng tương ưng với bình an!

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Gõ vào trời không




Tôi nhận được một tấm lịch năm 2013, bầu trời có hàng chữ “Knock on the sky and listen to the sound”. Với một câu đơn giản dễ hiểu, đôi khi cả ba mươi năm mới nhận ra.

Tựa như “tiếng vỗ một bàn tay”,  có những điều vô lý với trí thông minh, với những tâm quen lô-gich. Khó mà chấp nhận, chỉ với một bàn tay mà vỗ được, nên cứ mãi nắm bàn tay đó trong trí đi tìm nghe “tiếng”. Bây giờ lại gõ vào hư không và lắng nghe, lắng nghe gì nhỉ. Giá như tiếng suối róc rách kia, nghe được còn chưa biết đường vào nữa là nghe tiếng gõ vào hư không.

Có lẽ chúng ta quen tiếng qua tai, và giữ chặt rồi suy diễn thêm, khiến đời nhuốm màu sầu khổ. Chưa quen tiếng gõ vào hư không, cái không tiếng kia nếu nghe được, mới hiểu vì sao mình một đời vui buồn theo âm thanh. Âm thanh có thể chẳng lỗi gì, nhưng qua sự suy diễn của ý thức, cường độ tăng lên, vui thì vui hơn nên sầu khổ thì sầu khổ hơn.

Đôi khi chúng ta nghĩ mình có thể cho qua được những phiền toái. Nghĩ thế thôi, nghĩ thì thấy dễ, nhưng những chuyện tầm thường nhỏ nhặt thoáng qua mắt qua tai, lại mắc kẹt nơi đó, khiến chúng ta cho qua không được. Tìm cách gỡ ra, có nghĩa là có một cái gai thật đâm vào tai!

Nếu sự nhận hiểu mà không thể giúp mình qua được khi chạm việc, thì sự hiểu đó vẫn còn trên ý thức. Ý thức bén nhạy có thể thông suốt, nhưng thật sự để chạm việc mà biết ngay như tiếng gõ vào hư không, thì có lẽ phải như quốc sư Huệ Trung phải mấy mươi năm không bước chân xuống núi.

Chúng ta thường nói không thể có ngần ấy thời gian nữa, nhưng chỉ cần một ngày chủ nhật nghỉ, để tâm rảnh rang cũng không thể được, dù chỉ một giờ ngồi yên cũng khó khăn. Chính thế những gì chúng ta nói, đôi khi thấy như không thực tế, chỉ vì mình không vượt qua nổi những tri thức của mình.

“Knock on the sky and listen to the sound”

Bạn! Mình đã một đời chạy theo âm thanh, quanh quẩn mãi giữa buồn vui, biết khi nào mình lắng lòng để nghe tiếng vỗ một bàn tay bạn nhỉ. 

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Vì ai nên nỗi?

xanh kia thăm thẳm

Xanh kia thăm thẳm tầng trên.
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Bản dịch thật hay, chữ Hán chỉ là: Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân?

Hôm qua bạn kể bạn cô độc, không ai hiểu bạn hết. Nghe đôi bên kể, ai cũng là người bị xử oan ức. Ai cũng tự thấy mình đâu đến nỗi tệ như lời buộc tội kia.

Người chung quanh đã than phiền biết bao về đương sự, nhưng khi được góp ý, đương sự như người trên trời rơi xuống, ngạc nhiên về những điều đang bị góp ý. Hóa ra mình cũng nhiều lần ở tâm trạng như thế, mà không biết mình đã là nguyên nhân gây phiền phức cho bao nhiêu người.

Chỉ cần học những điều nho nhỏ thế này thôi, biết được những gì mình đã khởi nghĩ đã làm phiền người mà vô tình không hay biết. Nhận rõ điều này, nội tâm mới có thể thay đổi.

Có những cái cho là của mình nhưng mình không thấy chẳng hạn như sau ót, hay trên mặt mình, nếu không có tấm gương để soi. Nghe thí dụ thì dễ hiểu, nhưng chấp nhận những lỗi đó mình đã phạm, thì mình chưa thể chấp nhận ngay được. Có lẽ phải qua nhiều năm sau, lúc gặp hoàn cảnh tương tự, mình mới vỗ trán mà than, hóa ra ngày đó mình thế sao!

Vì ai? Dù học đi học lại trăm lần bài nhân quả, mình cũng khó chấp nhận là chính mình gây nên. Ngẫm nghĩ lại những chuyện nhỏ trong ngày, đôi khi chỉ một lời nói vô tình của ai đó, khiến mình nổi bực, buông ra lời nói và thái độ chẳng hay ho chút nào. Cái nhân bé tí đó, sẽ có ngày trổ thành quả, khi thấy nhiều người không chấp nhận mình, mình quên nhân mình gây tạo hằng ngày bởi sự mau bực bội, phản ứng nhanh bằng lời lẽ không hay.

Nghĩ lại cũng giật mình bạn nhỉ, mình mải bàn những xáo trộn bên ngoài mà không biết từ một xáo trộn nhỏ trong tâm, không kịp tỉnh giác thì xã hội thu nhỏ quanh mình cũng thành bãi chiến trường tang thương mỗi ngày.

Điều nhỏ nhặt vậy mà ảnh hưởng đến mọi mối tương giao trong đời. Chuyện lớn ở cuộc đời có thể bắt đầu cũng chỉ từ những chuyện nho nhỏ mà mình không để ý. Chỉ khi thành chuyện rồi thì đành: Xanh kia thăm thẳm tầng trên.  Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?