Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Chăn cừu hay trâu

Đàn cừu đồng cỏ Scotland, chụp qua khung kính xe đang chạy nên hơi mờ

Xe chạy vun vút ngang qua những cánh đồng xanh cỏ bạt ngàn, có những nơi, cuối chân trời là núi cao, có những nơi cuối chân trời là cỏ xanh.

Trên những bãi cỏ xanh là đàn cừu, nếu là một người sống trên đất nước Scotland này, có lẽ phải chăn cừu thay vì chăn trâu. Nghe nói cừu vốn hiền, trong những truyện ngụ ngôn.

Có thể cừu hiền quá nên cũng khó chăn, vì hiền thì dễ nghe lời, mà dễ nghe lời dạy thì cũng dễ nghe lời dụ dỗ. A, cái này cũng nguy hiểm không kém.

Các ngài thường nhắc “tỉnh tỉnh chớ để người lừa”.

 Xe chạy qua những cánh đồng xanh, người ta rào bằng những hàng cây, rất đơn giản nhưng cũng đủ ngăn bước chân cừu đi quá xa bởi mãi mê những bãi cỏ xanh trải dài trước mắt.

Không nhìn thấy đàn cừu qua những hàng cây chắn tầm mắt, nó ở đâu nhỉ? Chợt nhớ đến con cừu của Hoàng Tử Bé:

Chú nói: Tôi cần một con cừu. Hãy vẽ cho một con cừu đi." 
Và tôi đã vẽ. 

 
Chú bé chăm chú nhìn, rồi nói: 
"Không! Con này coi đã ốm yếu quá. Vẽ một con khác đi." 
Tôi vẽ.  
Nhưng bức này cũng bị từ khước, như mấy bức trước: 
"Con này coi già nua cọm rọm quá. Tôi muốn một con cừu sống sao cho thật lâu." 

Vậy là tôi mất kiên nhẫn, vì bận lo khởi sự vội vã tháo máy ra xem, tôi nguệch ngoạc vẽ bừa bức tranh sau đây.
Tôi văng ra một lời: 
"Đó, đó là cái thùng. Con cừu chú muốn, nó nằm ở trong ấy." 
"Thật đúng y như hệt! Đó là cái tôi muốn đó!...”

Nằm khuất trong tâm, là những gì chỉ riêng mình biết, nó theo ý mình. Tâm vọng động của mình, không ai có thể vẽ cho đúng, nên làm sao chẳng thất vọng khi thấy bạn không vẽ đúng ý mình, từ lời bạn nói đến việc bạn làm. Chỉ trong suy nghĩ, mọi chuyện mới theo ý mà thôi!

Tự nhiên tôi lại băn khoăn, không biết chăn cừu dễ hay chăn trâu dễ nhỉ! Ôi, nhưng nếu dễ nghe lời rủ rê thì cũng sẽ mãi rong chơi.

Hình ảnh chăn trâu vất vả hơn, nắm dây mũi chừng chừng vẫn còn lo trâu đâm vào lúa mạ nhà người.

Cứng đầu thì khó dạy, phải chăn cho đến khi trâu thuần mới dám thong dong, ngồi trên lưng trâu thổi sáo, bằng không cũng cay đắng muôn phần với những chú trâu ngỗ nghịch, lúc nào cũng chạy ngược chiều với người chăn!

Đã chăn dắt thì chẳng thế nào là dễ hết, bước đầu nào cũng phải để mắt chừng chừng, cho đến khi mọi thứ thuần lại, quen dần với những nghiệp lành. tâm chính mình luôn khó điều phục, vì lúc nào cũng cảm thấy nó chẳng bao giờ chịu bằng lòng với những gì săp đặt, nó luôn muốn theo những gì nó cho là dễ chịu, dù biết đó là đầu mối của vạn khổ sầu.

Thế nên mới phải “chăn trâu”.
Chăn trâu





Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Tay ai giữ nổi





Câu thơ được viết thư pháp đã chọn treo khá lâu trên tường, dễ chừng năm năm rồi, màu giấy nhạt phếch, nét mực cũng phai. Treo để nhắc biết rằng, đâu làm sao giữ lại được bóng chiều, khi mỗi ngày nhìn người chung quanh già đi một chút.

Nhưng một hôm đọc truyện Hoàng Tử bé, thú vị thật!

"Tôi yêu chuộng những buổi chiều hồng. Chúng ta hãy đi nhìn một cảnh mặt trời lặn..."  
"Nhưng phải chờ..."  
"Chờ gì?"  
"Chờ cho mặt trời lặn."  
Thoạt tiên, chú đã tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó chú đã tự cười mình lẩn thẩn. Chú bảo:  
"Tôi cứ tưởng mình luôn luôn ở tại quê hương xứ sở."  
Thật vậy. Khi tại Huê Kỳ, mặt trời đứng ngọ, thì ai cũng biết rằng tại Pháp, mặt trời đương lặn. Chỉ cần có thể chạy bay trong một phút sang Pháp là có thể ngắm một cảnh hoàng hôn. Rủi thay nước Pháp lại quá xa vời. Nhưng, tại trên tinh cầu tí tẻo của hoàng tử bé, hoàng tử chỉ cần kéo đẩy sơ cái ghế ngồi một chút. Và hoàng tử nhìn thấy cảnh mặt trời lặn tùy thích bất cứ lúc nào...  
"Một ngày nọ, tôi đã nhìn mặt trời lặn liên tiếp bốn mươi ba lần!"  
Và ít lâu sau, chú nói thêm:  
"Bác biết đó... lúc người ta buồn quá đỗi, người ta yêu dấu cảnh mặt trời lặn xiết bao..."
"Cái ngày chú nhìn bốn mươi ba lần nọ, chú đã buồn quá đỗi phải không?  
Nhưng hoàng tử bé không đáp.  
(Hoàng Tử Bé, bản dịch Bùi Giáng)


Hoá ra, theo Hoàng tử bé chỉ cần nhích ghế lui lại một chút, có thể giữ bóng chiều lâu hơn, giữ nỗi buồn lâu hơn, hay niềm vui lâu hơn. Nếu bạn có một lần nhìn mặt trời lặn trên biển bao la kia, hay ánh trăng sáng sóng sánh trên mặt biển, có thể bạn sẽ mong ngắm lại một lần nữa, bởi tâm tình khi đó. Điều này rất phức toái nếu giải thích, nhưng đoạn văn ngắn của Hoàng Tử Bé có thể nói được những gì khó nói rõ bằng lời.

Ở hành tinh chúng ta, nếu bạn cứ muốn nhìn mặt trời lặn như bây giờ, thì bạn bước lui 15 độ, nhưng 15 độ nghĩa là 1500km và cứ thế bạn sẽ sống mãi như anh chàng hoàng tử bé, vì đất nước chú nhỏ bé, nên chỉ cần nhích ghế là được, còn chúng ta phải đi 1500km, mới giữ được ánh hoàng hôn, hay ánh bình minh.

Tuy Hoàng tử bé có thể lui ghế một chút để nhìn mặt trời lặn, nhưng ánh chiều khi chú vừa lui ghế đã không phải là ánh chiều chú đang muốn giữ. Bởi đã có thời gian vô hình trôi qua ánh chiều tưởng rằng cố định kia.

Đọc đoạn này thấy thú vị, tựa như chúng ta nghĩ chúng ta có thể giữ mãi những gì đang có, nếu lui lại một chút. Tuy nghĩ rằng mình đang giữ được bóng phù du kia, vui mừng với những gì đang nắm giữ  nhưng trong đó pha lẫn chút sợ hãi nếu ngày mai nó không còn.

Nhưng nếu có một lần hữu duyên, bạn nghe câu “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng,” trong Kinh Kim Cang, mới hiểu vì sao các bậc Thầy luôn chỉ dạy tận tình, bởi chẳng có gì vướng bận, chẳng có gì để phải nặng lòng mà níu giữ hay nắm giữ cái hình tướng, chỉ nương đó mà vẽ bức tranh đẹp cho đời.

Đọc câu tiếp theo “nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”, thì dù ánh chiều có tắt, thì cũng còn đêm trăng… mà dù đêm có không trăng thì cũng còn ánh bình minh sắp đến… trong cái xoay vần đắp đổi đó, các Bậc thầy chẳng ngại mệt mỏi, lúc nào cũng chỉ dạy cho người trò sớm nhận ra điều bất biến giữa dòng đời muôn vàn biến động. 



Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Dù chỉ một bước

Biểu tượng định hướng tại Greenwich, hình chụp trong Shop lưu niệm


Tôi đi từ hướng đông, đến đây là đã tận kinh độ đông, nếu bước thêm một bước nữa, dù một bước thôi cũng sẽ là đang đứng ở kinh độ tây. Và nếu đi vài mét sẽ thấy ghi 0o0’1’W. Điều này chẳng nghĩa lý gì, nhưng nó lại có nghĩa vô cùng cho những ai lạc ngoài biển khơi, hay trong rừng rậm.

Giống như một sự đánh thức khi bạn đang ngủ, nếu bị kêu thức bất ngờ, sẽ thoáng chút bực mình vì giấc ngủ bị phá ngang, nhưng nếu đang la mớ bởi một cơn ác mộng, thì sự lay dậy, hay tiếng gọi tên mình, quả là mừng rỡ. Tuy chỉ là ác mộng, nhưng thức dậy ra khỏi giấc mộng, vẫn nhẹ nhàng hơn! Những tiếng chuông báo thức nếu reng vào những lúc này quả là tuyệt!

Bản đồ chỉ đường hay la bàn (kim chỉ nam), cần cho chúng ta trên bước đường vạn dặm này. Nếu không có lời nhắc nhở chỉ dạy của những bậc thầy, thì quả là mênh mông giữa biển mê, chẳng biết đâu là bến bờ, giữa chằng chịt của rừng rậm bóng tối vô minh, chẳng biết lối ra.

La Bàn
Chuyển Pháp luân

Mọi sự khám phá để dẫn đường từ những người gọi là bác học sáng suốt. Người ta phát minh nhiều thứ trên thế giới này để nền khoa học càng lúc càng tiến bộ. Nhưng sự phát minh về chính tâm mình, thì thật hiếm hoi.

Tìm được đường về cho tâm đang lang thang giữa biển phiền muộn, giữa rừng sâu của khắc khoải đợi chờ, có lẽ cũng là một điều đang được bạn và tôi nhắc đến.

Dù chỉ một bước đổi hướng, là cái nhìn thay đổi, cuộc đời cũng từ đó đổi thay.

Khi có được chiếc la bàn trong tay, liệu chúng ta có can đảm “dấn tâm” tìm đường về hay không! Hay vẫn là:


Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình. 


Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách 永為浪蕩風塵客 ,
nhật viễn gia hương vạn lý trình日遠家鄉萬里程 
(Trần Thái Tông)



Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Trở về điểm gốc

Đồng hồ chuẩn

Chúng tôi đã miệt mài dõi bước Tam tạng Huyền Trang, theo từng kinh độ đông, dù rằng Tam Tạng đi về hướng tây, chỉ bởi kinh độ gốc nằm tại Vương quốc Anh, mà hôm nay tôi có dịp đứng ngay kinh tuyến 0o0’0’’.

đường kinh tuyến gốc tại Greenwich,
hình chụp 23 March 2012

Bạn nhìn xem đường vạch đỏ trên nhà thẳng xuống nền gạch. Đó là đường kinh tuyến gốc.
Nơi đây có một đồng hồ gốc của giờ GMT.
Với năm tháng theo bước Huyền Trang, dò trên bản đồ để tìm những thành phố cổ trên con đường tơ lụa,  chúng tôi quen dần với hai chữ “kinh tuyến” để định vị thành phố mà Pháp sư Huyền Trang đã bước qua để về Thiên Trúc.

Cái giá trị nếu có, là có với ai đang quan tâm tới điều đó. Nên mọi giá trị đều tương đối. Và tự thân đều mang một “giá trị biên tế”- một giá trị do “người đang cần”, và “người không cần” định cho. Nên cái giá trị vô cùng với người này thì thật vô nghĩa với người khác, cho dù là tài sản hay danh lợi.

Nếu từ đây đi thẳng mãi về hướng nam, sẽ gặp đường xích đạo, nơi mà kinh tuyến và vĩ tuyến đều bằng 0. Tôi nhìn bản đồ, điểm gặp đó sẽ ở giữa biển mênh mông kia, nơi mà tất cả đều mang số 0. Căn cứ từ cái gốc đó người ta định vị được tất cả điểm trên mặt đất này.

Bâng khuâng nhỉ! Khi thấy phải từ 0 mới có thể xác định được những gì đã xê dịch ra khỏi gốc. Câu trả lời khá bất ngờ và thật lý thú, nếu bạn đã từng hỏi “mọi thứ bắt đầu từ đâu”.

Mọi điều được chấp nhận do ước định, và chúng ta không phá vỡ ước định đó, nếu vẫn đang đứng nơi đây. Tựa như bạn đang chơi cờ tướng, con tướng không thể đi khỏi phạm vi khung thành, nếu bị chiếu cùng đường, tuy bước ra khỏi khung thành có thể thoát, bạn cũng đành đứng trong khung thành thốt lên “chịu thua”. 

Nếu muốn bước ra khỏi khung thành, bạn phải chọn trò chơi khác như chọn cờ Vua chẳng hạn, để có thể đi xa hơn. Nhưng xa đến đâu cũng trong phạm vi bàn cờ mà thôi. Đó là ước định của cuộc chơi.

Có tài giỏi lắm cũng như Tề Thiên kia thiên biến vạn hoá. Thế mà tại sao nhảy không khỏi bàn tay Như Lai. Cuối cùng nơi ngũ hành sơn chờ bước pháp sư Huyền Trang qua, để cùng về thiên trúc!

-------------
Khoảng cách tuơng đối giữa một kinh độ khoảng 100km, tăng giảm tùy ở gần xích đạo hay xa, nếu ở gần cực thì chỉ khoảng trên 20km
năm 1884 Hội nghị thiên văn quốc tế tại Washington lấy kinh tuyến qua đài thiên văn London (Greenwich) làm kinh tuyến gốc (0o) Việt Nam có kinh độ 103o đến 109o kinh Đông   
15 độ là một múi giờ.


Mùa gió chướng




Nắng chiều còn trên những tàng cây, thì gió đến. Gió tháng Giêng thật lạ.
Gió ngả nghiêng cây lá, tạo những âm thanh như một cơn lốc, nhưng nhẹ  hơn những cơn lốc, chỉ là bụi mù trên những con đường đất.

Tôi đi xa  về nhằm mùa gió tháng Giêng. Nghe kể lại, người em  tài hoa của chúng tôi đi dự buổi họp chuyên đề gì đó, gặp một người chắc cũng tài hoa. Từ đó em cứ lấy cớ phải làm này làm kia cho hội đoàn. Cái sốt sắng bất thường khiến mọi người lưu ý, điều tra và biết em đang “không cần biết em là ai…”

Tôi đi trong cơn gió thốc bay bụi mù, chưa biết sẽ nên nói gì với em.

Người thì bảo: Cũng không có gì, chỉ hợp trên văn nghệ thôi, chứ học hành công việc đều đặn.

Người thì muốn tôi lên tiếng cho sự việc đỡ ồn ào.

Mến tài nhau trong giao tiếp cũng là chuyện thường, có hợp ý mới trao đổi bàn bạc được. Nhưng đừng làm phiền nhau mới là điều đáng nói.

Cái ngày tưởng rằng sẽ mãi “không cần biết…” nhưng rồi cũng một ngày khi mọi thứ lắng lại, phai bớt, người ta“cần biết” và hiểu nhiều thứ về nhau, khi đó mọi thứ như băng tan ra thành nước trôi đi. Những gì tưởng rằng không so đo tính toán về ai đó, bỗng nhiên tan mất, khi đã biết quá nhiều thứ không như mình tưởng.

Rồi vì cứ mãi mê cần biết những thứ ngoài mình mà không còn cơ hội để biết lại chính mình, không biết vì sao mọi thứ có thể đến rồi đi, dù ngay khi đó đã đoan chắc chẳng bao giờ mờ nhạt. Chỉ vì không bao giờ để ý lại tâm vọng động của mình, cứ mãi trôi theo, nên dù mong muốn mọi thứ vĩnh hằng nhưng lại không biết có gì vĩnh hằng nơi thế giới này!

Chính vì không nhận ra nên cố gắng nắm giữ những điều phù du, mong rằng nó mãi ở lại và tồn tại mãi với mình.

Cho đến bao giờ, cũng khó có câu trả lời chính xác thời gian cho mỗi người. Như người em của tôi, đến bao giờ mới đứng lại mỉm cười nhìn giấc mơ tan. 

Cho đến khi nào? Vâng, cho đến khi, bạn đọc bài thơ trên tảng đá này xem.

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Hỏi đá xanh rêu

Hình chụp 15 march 2012 tại Stonehenge, trời sương nên hơi mờ
Những bãi cỏ xanh, xanh tận chân trời, không một dáng cây che chắn, thỉnh thoản g những gò đất cao kết thúc đường chân trời. Giữa mênh mông của đất trời, những tảng đá đứng chơ vơ trên năm ngàn năm tuổi, rêu phong. Những tảng đá được sắp xếp một cách kỳ bí, từ bao giờ, người ta mày mò tìm những chứng tích trên đá, những nhân chứng thầm lặng qua năm tháng. Đá nói gì, những rêu xanh che hết lời nhắn nhủ, hay chính đó là lời nhắn nhủ của vô ngôn.

Như những kim tự tháp ở Ai cập, những tính toán từ ngàn xưa có vẻ đúng đắn như hơn cả máy móc tân tiến hiện đại. Hay là đã có một nền văn mình cổ xưa văn minh hơn cả bây giờ! Ánh mặt trời lên và lặn vào những ngày dài nhất của hạ và đông qua những kẽ đá nơi đây một cách chính xác!

Người ta thường đi tìm cái gì bất biến giữa dòng sanh diệt, mà không để ý rằng - đào xới trong sa mạc kia tìm chứng tích những thành quách bị chôn vùi trong bão cát, hay dưới lòng đại dương kia những thành quách bị chôn vùi - là tìm những gì còn lại dù dòng thời gian có vô tình xóa đi vết cũ. Có lẽ sự khát khao tiềm tàng trong tâm thức sâu thẳm về một điều vĩnh cửu.

Mỗi người có một cách tìm, những nhà khảo cổ có một niềm say mê đặc biệt lạ kỳ, khó ai hiểu nổi, vì sao những tảng đá vô tri kia giá trị đến thế nào mà được công nhận là di sản thế giới.

Cái gì còn mãi giữa dòng sanh diệt. Tâm suy nghĩ kia chăng! Những suy nghĩ trôi theo dòng thời gian, thay đổi và biến chuyển!

Một thoáng, bản kinh Lăng Nghiêm, nghe như đức Thế Tôn đang hỏi, “mấy tuổi Đại vương qua sông Hằng? Ba tuổi! Bây giờ đại vương đã sáu mươi tuổi, đầu bạc thì cái thấy nước sông Hằng thế nào, có già trẻ gì chăng? ... Đại vương xét thấy da mặt Đại vương nhăn nhưng cái thấy đó chưa hề nhăn. Cái nhăn thì bị thay đổi, cái không nhăn thì không bị thay đổi…”

Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời…

Đại dương bao la kia, những tảng đá không lời kia…  Chúng ta đổi từ cảnh này qua cảnh khác, nhưng cái thấy vẫn vậy.


Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Có là bóng nắng



“Nếu gọi là thất vọng, thì chính mình không có cái nhìn thấu suốt mọi vấn đề".

Nhưng có ai thấu suốt vấn đề, khi tất cả suy nghĩ đều bị đóng khung trong sự hiểu biết của chính mình, tạo thành quan niệm. Nên thôi đành để hai chữ “tha thứ” khi có những gì gây đau lòng cho nhau. Tha thứ bởi không hiểu, còn hiểu thì có gì gọi là tha thứ nữa.

Vậy mà tôi đau lòng mấy ngày nay, khi biết ra sự việc, không dám nói là thất vọng, bởi chẳng lẽ công nhận rằng mình không nhìn thấu đáo vấn đề sao!

Hiểu được sự hạn chế trong tầm nhìn của mình, mới có thế lắng tâm nhìn sự việc bất như ý đang trôi qua mắt. Tránh được sự tự tôn hay tự ti không hẳn là chuyện dễ, nên vòng lẩn quẩn đó mãi hạn chế chúng ta.

Mỗi người có một tâm sự, nhưng khi giãi bày thì mấu chốt lại không thể bày tỏ, nên người ngoài mình không thể giúp được. Có giúp chăng là cho chúng ta một chút an tâm nếu được sự đồng tình trên sự việc chúng ta đã làm, trên ý nghĩ chúng ta đã suy nghĩ. Nếu sự góp ý trái với sự mong đợi, thì đó chẳng phải là liều thuốc chúng ta đang mong đợi! Điều tôi đang hỏi bạn, có lẽ cần bạn công nhận là tôi đúng, nếu tôi có nhầm lẫn thì bạn nên cho rằng đó chỉ vì những lý do khách quan.

Mà có vấn đề nào giải quyết được, khi chính chúng ta đã bao bọc nó quá kỹ, bởi sợ sự thương tổn lớn lao, nếu ai đó nhìn ra thấu. Nhưng đừng quá lo, bởi có ai trên đời nhìn ra thấu những gì còn chìm sâu trong tận đáy tâm ta, khi chính chúng ta còn chưa thấu đáo. Nhận ra những diễn biến này trong tâm, chúng ta mới thực sự giải quyết được vấn đề.

Sự thất vọng chiều nay như một ánh nắng soi qua kẽ lá, hắt những hoa nắng xuống nền đường. Sự nhẹ nhàng hay nặng nề chỉ như hoa nắng kia thôi, khi ánh nắng khuất, hoa nắng cũng không còn. Nhưng nó giúp cho mình biết rằng, những gì rất rõ ràng khi nhìn thấy cũng chỉ là bóng nắng chiều hôm. Nhưng có lẽ buổi chiều hôm của chúng ta khá dài, như giấc mộng con quá dài, nên khó chịu đựng nổi.

Một thoáng, hoa nắng kia đem lại chút dễ thở cho những vấn đề  còn đang là điểm nóng.

Các Bậc thầy vẫn thường nói, không cần nói pháp bởi quanh ta sự vật đã giảng dạy cho chúng ta hết rồi, chỉ vì chúng ta chưa đủ nhân duyên nghe thấy mà thôi.

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Vó ngựa trên đường



Nghe tiếng lọc cọc của móng ngựa vang trên đường nhựa, tôi nhìn theo chiếc xe ngựa tân tiến, chạy giữa hai hàng cây. Lạ! Nơi xứ sở sương mù này, lại nghe tiếng vó ngựa.

Tiếng vó ngựa của một thời xa xưa. Chưa hiểu vì sao tiếng lọc cọc trên con đường chiều nay bâng quơ đến vậy. Hàng cây lạ hoắc, chẳng biết tên gì, nó đứng trơ trọi chịu hết mùa đông, nghe nói sang xuân ấm sẽ ra lá. Rồi cứ thế, bây giờ hai hàng cây già cỗi kỹ được chăm sóc cẩn thận hơn. Và được bảo vệ hơn, bởi cái cũ xưa mang giá trị dấu ấn thời gian nó tồn tại, cây càng già cỗi lâu năm càng quý.


Có những điều khi nổi lên bề mặt, như một báo hiệu, chỉ thấy bâng quơ chưa hiểu vì sao, cái ẩn khuất còn nằm bên dưới.

Hoá ra chỉ là tiếng lọc cọc năm xưa của buổi sáng đứng trên sân thượng nghe tiếng lạc ngựa vang trong trời mờ sáng, có lẽ xe ngựa chở hàng sớm cho kịp buổi chợ đầu.

Chẳng lẽ chỉ có thế. Hoá ra cũng chẳng phải thế, mà chỉ vì, buổi sáng trên sân thượng với một người. Bây giờ người đã đi ra khỏi thế giới này, đến đâu nhỉ. Bùi Giáng có lần thở dài “Bốn phương trời người đứng ở nơi đâu”.

Mọi sự khi nhận thấy chỉ là ở khoảng đâu đó, sau khi nó đã hình thành, mà đầu nguồn khó tìm thấy được. Cái chúng ta nhận ra chỉ là trễ tràng. Tìm cho ra đầu nguồn cũng chẳng dễ. 

Nếu không phăng tận cội nguồn, thì những chữa trị chỉ là tạm thời trong giai đoạn bức bách khẩn cấp.

Nếu bạn chưa hiểu vì sao sự việc đến thế này, bởi manh mối khi phát khởi mình không hay, có thể vì chúng ta vô ý, có thể vì nó quá vi tế nhỏ nhiệm khiến mình không nhận ra, và khi nhận ra mọi việc đã đi quá đà.

Cẩn trọng khi vừa thấy manh nha, tuy có thể thấy sự việc dường như bắt đầu, nhưng chúng ta thường cho qua, bởi thấy chẳng đáng quan tâm. Bây giờ mọi việc đã như thế này, cách giải quyết chỉ còn là băng bó vết thương. Người ta thường nói đến danh từ “manh nha”, “mầm mống”, nhưng mấy khi mình nhận ra khi nó vừa manh nha trong tâm mình. Sự bén nhạy thường có chỉ là sự bén nhạy của sự việc qua mắt, chứ ít khi bén nhạy với tâm khởi. Mà vạn mối tang thương chỉ từ một niệm khởi nhỏ nhiệm, như mồi lửa nhỏ, đâu biết lúc nào đủ duyên để nó bùng lên thiêu huỷ tất cả.

Tiếng vó ngựa chiều nay, như nhắc nhở những gì có mặt, những gì đang khiến chúng ta lao đao, chỉ bởi ngay từ khi sinh khởi mình đã bất giác để trôi theo.


Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Điều chờ không đến




Niềm tin đặt càng cao thất vọng càng lớn và cơn mê càng sâu, tâm chìm trong những nỗi buồn bực giận tức… càng lúc càng sâu.

Chuyện dù đơn giản đến đâu, hễ càng chờ đợi mà điều chờ đến không như ý cũng đổ vỡ niềm tin trầm trọng.

Bạn không nói gì suốt con đường dài, ánh buồn vương đâu đó trong những lời nói vu vơ. Bạn cho rằng bạn đã đặt niềm tin sai chỗ. Cũng không hẳn thế, vì lúc đầu là đúng mà! Bạn đã thấy mình chọn đúng đối tượng để đặt niềm tin. Coi như lúc đầu bước cùng nhịp, đi một chặp mệt mỏi, bước hơi chệch nhau, và lạ hễ chệch thì độ chệch càng lúc càng nhiều. Tôi lại thí dụ như góc chắn cũng vậy, như dây cung càng xa góc chắn thì dây cung càng lúc càng lớn.

Thế đó đường đi từ tâm đến tâm rất ngắn, nhưng lại xa vạn dặm. Em hỏi tôi sao không trả lời thư em gởi mấy hôm nay. Tôi không biết nói gì để cả hai chúng ta cùng vui như lúc đầu đầy tin tưởng nơi nhau. Em hỏi em có gì sai? Chẳng có gì! Em chỉ chọn những gì em thích mà điều đó không phù hợp với suy nghĩ của tôi. Và tôi cũng không muốn mối tương giao đổ vỡ chỉ vì đôi ý kiến khác nhau, nên đành để tâm lắng lại rồi trả lời sau.

Và tất cả chúng ta đều thế cho cuộc sống. Bạn có thấy ngày đầu tôi và bạn dường như thân hơn bây giờ, hiểu nhau hơn bây giờ không? Bây giờ thì nói thật, tôi cũng tránh phản ứng đôi điều khi bất dồng ý kiến với bạn, để duy trì mối tương giao tốt đẹp. Bạn thở dài, và công nhận chính bạn cũng thế, bạn không đồng ý nơi tôi nhiều điểm, nhưng thôi tránh va chạm vẫn hơn.

Nếu vấn đề dừng ngay đây, thì như đi vào lối mòn muôn thuở. Tâm mình có những đường cua rất gắt, hiểm nghèo. Nếu ngay đó không cẩn thận sẽ bùng lên những phản ứng muôn đời, mà chúng ta đều không muốn thế. Thật sự muốn dừng lại phản ứng trong tâm, cách hay nhất vẫn là theo kịp khi tâm vừa bùng khởi. Lúc đó mới chính là không cần phải tránh va chạm, mà tâm tự hết va chạm. Ban đầu công nhận rất khó khăn, chỉ vì thói quen lâu nay cứ chạy theo mà thôi.

Sự thất vọng nơi người càng cao thì phản ứng càng đáng ngại, nếu nó không được bày tỏ, nó sẽ “trầm lắng” và “kết tủa” trong tận bên trong, càng khó chữa trị hơn. Chỉ khi nào chính mình cảm thấy cần chữa trị cho tâm mình, để tâm thanh thản hơn, để bước đi của mình nhẹ nhàng hơn là nặng nề bởi sự thất vọng về ai đó.

Có lẽ đến lúc đó chúng ta mới thật sự hỏi xem, mọi việc là thế nào.

Và những lời khó hiểu trong kinh Pháp Hoa như  “ Tôi không dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật”, có thể làm dịu lại sự thất vọng sâu xa trong lòng chúng ta. Niềm tin về một bản tính chân thật còn đang khuất lấp nơi ai đó sẽ dần hiển lộ qua năm tháng.

Nếu mình tin được mình sẽ thay đổi ngày càng tốt hơn mới tin được rằng những thất vọng hôm nay chỉ vì mọi việc chưa đủ duyên để hoàn thành.

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Tuyết vui đông lạnh

Khó mà biết đây là lâu đài tuyết, điêu khắc trên những khối tuyết, nó không tan nhanh như những lâu đài khi ra bãi biển cặm cụi đắp, nước lên xóa tan trong chốc lát, nhưng là trò chơi vui. Nên sá gì lát nữa tan mất.
Tôi ngắm những bức điêu khắc từ tuyết được gởi đến, biểu trưng như tâm hạnh bồ tát, biết chúng sanh như huyễn, như hoá nên tuy đồng hành cùng chúng sanh nhưng chẳng bao giờ thấy chán ngán, và quan trọng là không đắm nhiễm, bởi biết nó không thật. Như những tay tạc tượng tuyết kia, tuy biết nó chóng vánh nhưng vẫn làm đẹp cuộc đời thay vì nhìn những khối tuyết như vô tri.

Cái nhìn của Bồ Tát khác chúng ta ở chỗ, bồ tát biết như huyễn mà vẫn đồng hành cùng chúng ta, còn tôi và bạn thì thấy quá thật những gì ta chăm chút xây dựng, nên khi nó tan đi mới òa khóc.

Sự nhắc nhở rất chóng vánh, khi ngắm những lâu đài tuyết hay những lâu đài cát, có thể một thoáng thở dài, như cuộc đời phù du vậy, nhưng chỉ trong một thoáng lại ngủ mê, say mê với những gì ta đang nắm giữ đang xây dựng, cõi thật này. Những đau lòng, khốn khó từ đó mà có, nghiệp lực từ đó mà xây.
Tôi và bạn khó đồng hành cùng ai, bởi tâm lựa chọn lấy bỏ, và không biết mọi thứ rồi sẽ tan, dù có tranh cho được, nắm cho được cũng chẳng thể lâu dài mà lại vô tình gây những nghiệp không lành, nếu nhiều mưu toan bất thiện cho cái được. Nhưng trong giấc ngủ mê, làm sao biết được cảnh mộng kia rồi tan hết khi thức tỉnh!

Những lâu đài tuyết kia rồi tan, Bồ Tát biết rõ cảnh giới chúng ta đang sống,  như chúng ta nhìn những lâu đài tuyết kia, biết rằng rồi nó tan. Nhưng vì vui cho những ngày đông lạnh u buồn, tạo cảnh vật cho mùa đông sống động tươi vui. Hãy nhìn những du khách ngắm những tác phẩm , vui cho mùa đông lạnh. Bồ Tát đã hóa hiện tất cả thân để theo chỗ sở cầu của chúng sanh, giúp chúng sanh có nụ cười, rồi dần dẫn dắt ra khỏi chốn trần lao.

Nếu cho rằng sau khi thành đạo Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm, âu cũng là có lý, chỉ khi thấy như cái nhìn của Kinh Hoa Nghiêm thì lúc đó mới có thể nói rằng phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Thâm thúy làm sao!
Tâm nhẹ như mây nổi, mới vào chốn trần lao cùng khóc cười với chúng sanh mà chưa từng khóc cười. Chính thế đến cuối cùng đức Thế tôn mới nói rằng “Ta bốn chín năm chưa từng nói một lời!”

Ðại Bồ-Tát nầy biết tất cả pháp đều như huyễn, từ nhơn duyên khởi. Ðại Bồ-Tát nầy biết tất cả thế-gian đồng như dương-diệm. Ðại Bồ-Tát nầy biết tất cả thế-gian như mộng, biết tất cả âm-thanh đồng như vang, như bóng, như hóa hiện… (Kinh Hoa Nghiêm)

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Là một chia xa


Em ngồi cùng hàng ghế với tôi, cách nhau một đường đi. Em khóc suốt chuyến bay hơn 5 giờ đồng hồ.

Một cuộc chia tay đau lòng! hay là gì nhỉ? Đi về miền đất hứa sao lại không đem theo nụ cười! Tôi nghe lòng mình ái ngại, muốn nói một lời gì đó với em, nhưng không chỉ lối đi nhỏ ngăn lối, mà còn nhiều thứ chắn lối. Chỉ còn đành nhìn vu vơ màn hình nhỏ trước mặt cho biết độ cao, tốc độ, sức gió và khoảng đường đã rời xa và khoảng đường còn trước mặt.

Có lẽ ai cũng đã từng khóc cho một chia xa, và chịu đựng tháng ngày chờ đợi một điều không thể đến, như “người năm xưa đã xa vắng… chờ người không đến vẫn chờ…” trong những nỗi niềm tuyệt vọng trong kiếp sống.

Khoảng cách đến chỉ còn 548 mile với tốc bộ bay 493mph thì khoảng hơn một giờ nữa máy bay sẽ hạ cánh. Em khóc nhiều hơn với tiếng nấc, tôi nghe như lời minh chứng cho khổ đế của sinh ly tử biệt


Vấn đề được một bạn nêu lên, bạn kể: Bình thường lên bàn ăn, chỗ ngồi của những người thân, đôi khi thấy vắng, nhưng biết rằng người đang đâu đó trong khoảng không gian này. Nhưng trưa nay, nhìn chỗ vắng đó, nghe niềm đau vỡ oà khi người đã đi xa.
Bạn im lặng một chút cho dịu cảm xúc rồi tiếp, bạn đứng dậy bỏ bữa ăn vì không muốn nước mắt rơi trước bao nhiêu người.

Bạn không cần phải giải thích hết lời, sự đồng cảm lan tỏa, cả phòng im lặng, có lẽ với những nỗi niềm riêng, tương tự. Tôi cũng lặng im, chưa biết nên nói thế nào, mường tượng lại cảm giác của mình ngày đó, cái ngày mà chỉ nghe một khoảng trống mênh mông.

Hai khoảng trống như nhau, nhưng hai cảm giác hoàn toàn khác nhau. Bước vào phòng không thấy bạn, khoảng trống nơi chỗ ngồi, biết bạn đâu đó nơi phòng làm việc hay trong vườn, mọi thứ yên bình. Cũng là khoảng trống nơi chỗ ngồi, nhưng biết bạn đã đi xa. Và hơn thế nữa, nếu người đó rời hẳn thế giới này. Người ta không dám đi đến những nơi chốn còn vương bóng hình cũ, đôi khi phải dời nhà, bởi không chịu nổi cơn bão táp trong tâm.

Giải đáp có bạn đưa ra cho đó là ảo giác của tâm, nhưng kết luận mang tính lý thuyết nên không giải quyết được cảm xúc.


Tất cả đều muốn biết cách giải quyết,  những cách giải quyết đều là tạm thời, để làm nhẹ gánh nặng của tâm đang chịu. Không biết những người bạn mà tôi đã từng nghe kể những đau khổ của cuộc chia ly, lâu nay học Phật pháp, nỗi khổ lắng dịu tới đâu. Có thường ứng dụng những lối đi mà Đức Từ phụ đã chỉ hay không, hay khi thời gian làm nguôi ngoai thì những lời Phật chỉ dạy cũng nhạt phai theo.

Bạn, những nỗi khổ đó không chỉ đến một lần trong đời, mà còn theo chân chúng ta đến hết cuộc đời. Có lẽ nhân nỗi khổ đang có mặt, hiểu nó để có thể giúp chúng ta trong những ngày sắp tới. Nhìn những tiếp nối trong dòng suy nghĩ đã nuôi cơn đau thế nào, đã nắm chặt hồi tưởng thế nào. Ai có thể nhấc những kỷ niệm ra khỏi tâm mình, nếu chính mình chưa một lần nhìn thấy chính sự tiếc nuối và níu giữ lại. Ai cũng biết con đường mình đi cho mình chọn, nhưng có ai ngờ cũng chính mình chọn con đường quanh co mãi để đi.  

Bao lâu nữa chúng ta mới tìm ra giải đáp hoàn chỉnh cho chính mình về điều vẫn xảy ra từng khoảng đường chia tay, nhờ niềm tin về sự tu học mỗi ngày một rõ khi những nỗi buồn được soi chiếu, mọi thứ dần rõ ràng hơn, nỗi niềm của mình mỗi lúc một qua nhanh hơn, dù tâm tình đối với sự chia xa vẫn thế.
(Xin mở ngoặc nói ý câu này, nghĩa là chia xa thì vẫn buồn, nhưng khi “biết” thì không quá trầm trọng như xưa!) 

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Đời đỡ gập ghềnh


Có những hạt giống mình gieo mỗi ngày một phát triển, mình lại không hay... Chúng ta thường tỉnh ít hơn mê, nên cái không tốt thường nhiều hơn cái tốt. Cái thiện phát triển theo hướng thiện thì những tư tưởng không tốt cũng mỗi ngày một lớn như cây sù xì kia sẽ làm vỡ trái đất, làm vỡ cuộc đời mình!


Trong hoàng tử bé có một đoạn rất hay: Nhưng nếu là một ngọn cỏ dữ, thì phải liệu mà rứt nhổ nó đi liền liền, khi người ta nhận ra nó là bê bối. Mà trên tinh cầu của hoàng tử bé thì có những hạt giống kinh khủng... ấy là những chủng tử cẩm quỳ. Đất đai tinh cầu bị nhiễm độc bởi những phôi châu ác liệt nọ. Mà một cây cẩm quỳ, nếu người ta đối phó muộn màng một chút, thôi thì không còn mong chi trừ khử nó được nữa. Nó sẽ làm rầy rà cho toàn khối tinh cầu. Nó sẽ làm rầy rà cho toàn khối tinh cầu. Nó sẽ đâm rễ nó xuyên qua cho nứt rạn cả khối. Nếu tinh cầu quá nhỏ, nếu những cây cẩm quỳ quá nhiều, thì tinh cầu ắt vỡ toang vì chúng.”

Các Bậc thầy luôn nhắc, nhìn ra hiểu việc để cốt qua đó xoay lại hiểu rõ tâm mình, cảnh thế có nghĩa là tâm cũng thế, cảnh chỉ là hiển hiện của tâm. Mình chỉ thấy tâm mình tốt trong khoảng này, nhưng không nhớ là đã gieo trồng những điều đáng trách trong những lúc mê mờ, bây giờ nó đã lớn như cây cổ thụ kia rồi.

Nhưng may mắn tâm mình rộng lớn chứ không như tinh cầu nhỏ bé của vị Hoàng Tử kia, nên tuy nhiều cây dữ, vẫn còn nhiều nơi với cánh đồng lúa xanh bạt ngàn được gieo trồng trong những lúc tỉnh giác.

Cũng có một điều đáng sợ là cây baobab đó có sức chứa nước rất lớn, nên dù chúng ta có không tưới nước, nó vẫn sống rất dai vì khả năng chịu đựng cao. Những hạt giống chúng ta gieo, những ngày qua khi không biết nên gieo trồng, bây giờ đôi lúc tự hỏi chúng ta đã rõ biết, chắc chẳng bao giờ tưới thêm để cây “nguy hiểm” đó lớn, nhưng có phải thế không! Thử nhìn xem những khi tâm buồn bực giận hờn, những ý nghĩ “quá đáng” cho vừa cơn giận vẫn có mặt, vô tình giúp cho cây lớn thêm, phát triển thêm, mà mình không hay.

Học Phật ở nghĩa đơn giản nhất là thế, nhận hiểu rõ những diễn biến trong tâm, những sinh khởi của tâm giúp cho tôi và bạn có một cái nhìn vui tươi dễ chịu hơn từ đó con đường mình bước, đỡ gập ghềnh.

 ------------------------
Nói thêm:
Khi đọc đoạn này tôi thắc mắc không biết cây như vậy có thiệt không nên tra cứu, ghi lại đây :
Bản tiếng Anh (The Little Prince) dịch là “baobab” dịch Việt là cây Bao báp, thuộc bộ (ordo): Malvales họ (familia): Malvaceae (Cẩm Quỳ), nên bản dịch Bùi Giáng dịch là cây Cẩm Qùy.
Cây này có nhiều ở Châu Phi (African), cao nhất có thể tới 30m đường kính lớn nhất của nó là 11m.
hình cây Baobab



Khi hoa đào nở


Hoa đào mỗi năm nở trên đỉnh Yoshinô

Thử chẻ cây ra đâu là hoa nhỉ 

Tôi cảm câu thơ này lâu lắm rồi, ngay từ lần đầu đọc, đã cảm thấy sức sống chứa trong nó.

Về sau khi nhìn mai nở đào nở dịp tết, nhớ lại, thử chẻ cây ra đâu là hoa nhỉ. Bâng khuâng dấu chấm hỏi đi theo cuộc hành trình.

Còn nhỏ, lớp ba đã có bài tập đọc về chuyện bác nhà quê có con gà đẻ trứng vàng, mỗi ngày một quả, bác nghĩ thầm, mỗi ngày một quả trứng vàng, vậy chắc trong bụng nó có một kho tàng. Mổ bụng gà ắt sẽ có một kho tàng. Cuối cùng gà chết, kho tàng cũng không.
Đọc, tôi tiếc thương con gà vô tội.
Ẩn ý nằm trong câu chuyện ngắn, lời thơ cũng ngắn.

Sự kỳ diệu hiển hiện chứa bên trong cả một quá trình. Ý thơ chỉ cốt cho biết có một động cơ khiến hoạt cảnh được trình hiện.

Cũng có thể hiểu đơn giản, cứ tuần tự theo năm tháng, mọi thứ hiển hiện rõ ràng, gấp gáp chỉ làm gãy ngang mà thôi.

  
Lạ, mỗi năm đều ngắm hoa đào hoa mai dịp Tết nhưng những dấu chấm hỏi vẫn còn theo bước chân, không hiểu vì sao lại “thử chẻ cây ra đâu là hoa nhỉ”. “Thất xứ trưng tâm” trong bản kinh Lăng Nghiêm vẫn là một điều khiến ý thức chạm không đến.

Còn hoa anh đào kia, trên đỉnh Yoshinô, chỉ sau những tháng đông yên ngủ, chịu những buốt lạnh thấu xương tuỷ, bất chợt nhìn thấy hoa nở trên cành.

Phải đợi thời gian chín muồi, và đời mình chỉ khi một lần nhìn thấy, mới biết đoá hoa của thiền sư  Linh Vân năm xưa.
"Tam thập niên lai tầm kiếm khách三十年來尋劍
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi幾回落葉又抽
Trực đáo như kim cánh bất nghi"直至如今更不疑.

Ba mươi năm qua tìm kiếm khách
Bao lần lá rụng lại đâm chồi
Từ khi thấy được hoa đào nở
Mãi đến bây giờ lại chẳng nghi.


Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Vẫn là lời hứa…


Những ngày cuối năm, thời gian dường như đi nhanh hơn ngày thường. Thời gian tâm lí không thật, nhưng vẫn luôn rất thật cho chính mình. Bận rộn và tất bật là những danh từ luôn được nói đến để phân trần, để chống chế khi bị trách móc bởi sai hẹn thất hứa.
Đành hẹn sang năm sẽ làm xong những gì năm nay còn dang dở. và nếu chưa xong thì còn năm tới. Một thoáng năm tháng dần qua, lời hứa vẫn còn đó, và người đợi chờ kia còn đủ kiên nhẫn để chờ nữa chăng.

Trời đã nắng, chưa nóng lắm, dù có lời cảnh báo “Người dân cả nước đang phải chịu đựng một đợt nắng nóng trái mùa khá hiếm gặp. Trong đó, mặc dù đang là những ngày chính đông nhưng ở các tỉnh phía Bắc, trời đang "nắng nóng như mùa hè".” Đọc tiếp thì giống tình đời : “Khoảng ngày mùng 5 - mùng 6 Tết, dự báo sẽ có không khí lạnh tràn về, trời rét trở lại. Tóm lại, từ nay đến mùng 5 Tết, thời tiết các tỉnh phía Bắc có xáo trộn với sự xen kẽ giữa nắng nóng và lạnh, rét.” Xen kẽ giữa buồn và vui, tôi cũng đoán thế cho tâm tình của bạn từ nay đến ngày đó. Bạn cười xòa và khen rằng tôi là thầy bói đại tài bởi Tết bạn sẽ gặp một người rồi chia tay, cũng trong khoảng đó.

Mưa nắng gì cũng có niềm vui và tiếng thở dài. Một lần mắc mưa trễ việc, tôi ước gì chỉ có mưa đêm, để ban ngày đi đây đi đó. Người chung quanh can: “Thôi, mưa đêm hoài hư lúa hết”. Tự nhiên tôi chùng lòng, không dám ước chỉ mưa đêm nữa, và chợt nhớ đến lời than thở của chú Bách khi đến thăm chúng tôi dạo đó, mưa đêm, bướm trắng nhiều, lúa hư hại khá bộn. Nhưng nắng mãi thì nuớc đâu mà đủ để uống khi những lòng giếng cạn khô. Biết bao lần cầu mưa khi gặp hạn hán, mùa màng thất thu…

Nhận được một tấm thiệp vẽ một cành mai mộc mạc vụng về, với một lời chúc mang sự cảm tạ. Em cảm ơn đã chỉ cho em cách vẽ phóng từ một hình nhỏ lớn ra trong giờ vẽ bản đồ. Và bây giờ em phóng tác theo một tấm thiệp cũ để nói lên lòng vui mừng của mình. Tấm thiệp như một bài nộp cuối khóa. Tu học đều có những bài thi cho từng đoạn đường. Và người thầy nào cũng kiên nhẫn chờ đứa học trò thành tài.

Sự kiên nhẫn của những bậc thầy không giới hạn, bởi rõ biết tính khí khó sửa đổi, nếu người học trò chưa một lần nhận ra rằng tính khí đó chướng ngại cho chính mình.

Đầu năm nào học trò cũng hứa sẽ “ngoan” hơn sẽ cố gắng hơn, sẽ… hứa tiếp vào năm tới nữa. Và biết bao lời đã thầm hứa thế từ đầu năm này qua đầu năm khác, cho đến khi người Thầy đầu đã bạc trắng, mà có bao lời hứa người trò đã làm được!

Không phải chỉ đầu năm mới chúc nhau mà chúng ta đều chúc nhau mỗi lúc chia tay. Chúc nhau để ngày nào cũng là ngày đầu năm với lời hứa, để mong đời mỗi chúng ta khá hơn, khá hơn trước khi quá muộn màng, trước khi Thầy không còn nữa.