Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Hỏi đá xanh rêu

Hình chụp 15 march 2012 tại Stonehenge, trời sương nên hơi mờ
Những bãi cỏ xanh, xanh tận chân trời, không một dáng cây che chắn, thỉnh thoản g những gò đất cao kết thúc đường chân trời. Giữa mênh mông của đất trời, những tảng đá đứng chơ vơ trên năm ngàn năm tuổi, rêu phong. Những tảng đá được sắp xếp một cách kỳ bí, từ bao giờ, người ta mày mò tìm những chứng tích trên đá, những nhân chứng thầm lặng qua năm tháng. Đá nói gì, những rêu xanh che hết lời nhắn nhủ, hay chính đó là lời nhắn nhủ của vô ngôn.

Như những kim tự tháp ở Ai cập, những tính toán từ ngàn xưa có vẻ đúng đắn như hơn cả máy móc tân tiến hiện đại. Hay là đã có một nền văn mình cổ xưa văn minh hơn cả bây giờ! Ánh mặt trời lên và lặn vào những ngày dài nhất của hạ và đông qua những kẽ đá nơi đây một cách chính xác!

Người ta thường đi tìm cái gì bất biến giữa dòng sanh diệt, mà không để ý rằng - đào xới trong sa mạc kia tìm chứng tích những thành quách bị chôn vùi trong bão cát, hay dưới lòng đại dương kia những thành quách bị chôn vùi - là tìm những gì còn lại dù dòng thời gian có vô tình xóa đi vết cũ. Có lẽ sự khát khao tiềm tàng trong tâm thức sâu thẳm về một điều vĩnh cửu.

Mỗi người có một cách tìm, những nhà khảo cổ có một niềm say mê đặc biệt lạ kỳ, khó ai hiểu nổi, vì sao những tảng đá vô tri kia giá trị đến thế nào mà được công nhận là di sản thế giới.

Cái gì còn mãi giữa dòng sanh diệt. Tâm suy nghĩ kia chăng! Những suy nghĩ trôi theo dòng thời gian, thay đổi và biến chuyển!

Một thoáng, bản kinh Lăng Nghiêm, nghe như đức Thế Tôn đang hỏi, “mấy tuổi Đại vương qua sông Hằng? Ba tuổi! Bây giờ đại vương đã sáu mươi tuổi, đầu bạc thì cái thấy nước sông Hằng thế nào, có già trẻ gì chăng? ... Đại vương xét thấy da mặt Đại vương nhăn nhưng cái thấy đó chưa hề nhăn. Cái nhăn thì bị thay đổi, cái không nhăn thì không bị thay đổi…”

Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời…

Đại dương bao la kia, những tảng đá không lời kia…  Chúng ta đổi từ cảnh này qua cảnh khác, nhưng cái thấy vẫn vậy.