Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Tay ai giữ nổi





Câu thơ được viết thư pháp đã chọn treo khá lâu trên tường, dễ chừng năm năm rồi, màu giấy nhạt phếch, nét mực cũng phai. Treo để nhắc biết rằng, đâu làm sao giữ lại được bóng chiều, khi mỗi ngày nhìn người chung quanh già đi một chút.

Nhưng một hôm đọc truyện Hoàng Tử bé, thú vị thật!

"Tôi yêu chuộng những buổi chiều hồng. Chúng ta hãy đi nhìn một cảnh mặt trời lặn..."  
"Nhưng phải chờ..."  
"Chờ gì?"  
"Chờ cho mặt trời lặn."  
Thoạt tiên, chú đã tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó chú đã tự cười mình lẩn thẩn. Chú bảo:  
"Tôi cứ tưởng mình luôn luôn ở tại quê hương xứ sở."  
Thật vậy. Khi tại Huê Kỳ, mặt trời đứng ngọ, thì ai cũng biết rằng tại Pháp, mặt trời đương lặn. Chỉ cần có thể chạy bay trong một phút sang Pháp là có thể ngắm một cảnh hoàng hôn. Rủi thay nước Pháp lại quá xa vời. Nhưng, tại trên tinh cầu tí tẻo của hoàng tử bé, hoàng tử chỉ cần kéo đẩy sơ cái ghế ngồi một chút. Và hoàng tử nhìn thấy cảnh mặt trời lặn tùy thích bất cứ lúc nào...  
"Một ngày nọ, tôi đã nhìn mặt trời lặn liên tiếp bốn mươi ba lần!"  
Và ít lâu sau, chú nói thêm:  
"Bác biết đó... lúc người ta buồn quá đỗi, người ta yêu dấu cảnh mặt trời lặn xiết bao..."
"Cái ngày chú nhìn bốn mươi ba lần nọ, chú đã buồn quá đỗi phải không?  
Nhưng hoàng tử bé không đáp.  
(Hoàng Tử Bé, bản dịch Bùi Giáng)


Hoá ra, theo Hoàng tử bé chỉ cần nhích ghế lui lại một chút, có thể giữ bóng chiều lâu hơn, giữ nỗi buồn lâu hơn, hay niềm vui lâu hơn. Nếu bạn có một lần nhìn mặt trời lặn trên biển bao la kia, hay ánh trăng sáng sóng sánh trên mặt biển, có thể bạn sẽ mong ngắm lại một lần nữa, bởi tâm tình khi đó. Điều này rất phức toái nếu giải thích, nhưng đoạn văn ngắn của Hoàng Tử Bé có thể nói được những gì khó nói rõ bằng lời.

Ở hành tinh chúng ta, nếu bạn cứ muốn nhìn mặt trời lặn như bây giờ, thì bạn bước lui 15 độ, nhưng 15 độ nghĩa là 1500km và cứ thế bạn sẽ sống mãi như anh chàng hoàng tử bé, vì đất nước chú nhỏ bé, nên chỉ cần nhích ghế là được, còn chúng ta phải đi 1500km, mới giữ được ánh hoàng hôn, hay ánh bình minh.

Tuy Hoàng tử bé có thể lui ghế một chút để nhìn mặt trời lặn, nhưng ánh chiều khi chú vừa lui ghế đã không phải là ánh chiều chú đang muốn giữ. Bởi đã có thời gian vô hình trôi qua ánh chiều tưởng rằng cố định kia.

Đọc đoạn này thấy thú vị, tựa như chúng ta nghĩ chúng ta có thể giữ mãi những gì đang có, nếu lui lại một chút. Tuy nghĩ rằng mình đang giữ được bóng phù du kia, vui mừng với những gì đang nắm giữ  nhưng trong đó pha lẫn chút sợ hãi nếu ngày mai nó không còn.

Nhưng nếu có một lần hữu duyên, bạn nghe câu “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng,” trong Kinh Kim Cang, mới hiểu vì sao các bậc Thầy luôn chỉ dạy tận tình, bởi chẳng có gì vướng bận, chẳng có gì để phải nặng lòng mà níu giữ hay nắm giữ cái hình tướng, chỉ nương đó mà vẽ bức tranh đẹp cho đời.

Đọc câu tiếp theo “nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”, thì dù ánh chiều có tắt, thì cũng còn đêm trăng… mà dù đêm có không trăng thì cũng còn ánh bình minh sắp đến… trong cái xoay vần đắp đổi đó, các Bậc thầy chẳng ngại mệt mỏi, lúc nào cũng chỉ dạy cho người trò sớm nhận ra điều bất biến giữa dòng đời muôn vàn biến động.