

Cái nhìn của Bồ Tát khác chúng ta ở chỗ, bồ tát biết như huyễn
mà vẫn đồng hành cùng chúng ta, còn tôi và bạn thì thấy quá thật những gì ta
chăm chút xây dựng, nên khi nó tan đi mới òa khóc.
Sự nhắc nhở rất chóng vánh, khi ngắm những lâu đài tuyết hay
những lâu đài cát, có thể một thoáng thở dài, như cuộc đời phù du vậy, nhưng chỉ
trong một thoáng lại ngủ mê, say mê với những gì ta đang nắm giữ đang xây dựng,
cõi thật này. Những đau lòng, khốn khó từ đó mà có, nghiệp lực từ đó mà xây.
Tôi và bạn khó đồng hành cùng ai, bởi tâm lựa chọn lấy bỏ,
và không biết mọi thứ rồi sẽ tan, dù có tranh cho được, nắm cho được cũng chẳng
thể lâu dài mà lại vô tình gây những nghiệp không lành, nếu nhiều mưu toan bất
thiện cho cái được. Nhưng trong giấc ngủ mê, làm sao biết được cảnh mộng kia rồi
tan hết khi thức tỉnh!
Những lâu đài tuyết kia rồi tan, Bồ Tát biết rõ cảnh giới
chúng ta đang sống, như chúng ta nhìn những
lâu đài tuyết kia, biết rằng rồi nó tan. Nhưng vì vui cho những ngày đông lạnh
u buồn, tạo cảnh vật cho mùa đông sống động tươi vui. Hãy nhìn những du khách
ngắm những tác phẩm , vui cho mùa đông lạnh. Bồ Tát đã hóa hiện tất cả thân để
theo chỗ sở cầu của chúng sanh, giúp chúng sanh có nụ cười, rồi dần dẫn dắt ra
khỏi chốn trần lao.
Nếu cho rằng sau khi thành đạo Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm,
âu cũng là có lý, chỉ khi thấy như cái nhìn của Kinh Hoa Nghiêm thì lúc đó mới
có thể nói rằng phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Thâm thúy làm sao!
Tâm nhẹ như mây nổi, mới vào chốn trần lao cùng khóc cười với
chúng sanh mà chưa từng khóc cười. Chính thế đến cuối cùng đức Thế tôn mới nói
rằng “Ta bốn chín năm chưa từng nói một lời!”
Ðại Bồ-Tát nầy biết tất cả pháp đều như
huyễn, từ nhơn duyên khởi. Ðại Bồ-Tát nầy biết tất cả thế-gian đồng như
dương-diệm. Ðại Bồ-Tát nầy biết tất cả thế-gian như mộng, biết tất cả âm-thanh
đồng như vang, như bóng, như hóa hiện… (Kinh Hoa Nghiêm)