Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

xin tạm vắng một tháng


Xin vắng mặt đến 6 Oct 2012



Nơi thất nhỏ gió mưa chiều phủ lạnh

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Tha nợ được không?

Bạn viết: “Từ hồi học Phật, mình vẫn tâm niệm rằng nếu mình có mắc nợ ai, xin cho trả hết trong kiếp này. Và nếu ai đã đang và sẽ nợ mình thì mình tha nợ hết cho tất cả. Mình vẫn không thích dằng dai nợ nần kéo dài kiếp này qua tới kiếp khác. Nặng nề quá !”

Chúng tôi vẫn thường nhắc nhau như thế, tha nợ cho người khác! Làm được không đây. Ban đầu nghĩ rằng đơn giản, nhưng… hình như mình “chưa đòi”, chứ không phải tha.

Ngẫm nghĩ xem, một việc nhỏ thôi, như ai nói nặng mình, mình nghĩ nếu lời qua tiếng lại cũng không tới đâu, thôi bỏ qua (tha nợ), nhưng mọi chuyện không vui lắng vào tâm. Sau đó nếu gặp một việc khác, không tha được, mình sẽ tính luôn nợ cũ (kể ra những gì lâu nay họ xử với mình không phải), vậy là đòi đủ! Nhưng thường trong lúc nóng nảy, có đòi thêm chút đỉnh, lúc đó gọi là mình vay họ!

Chuyện nhỏ thôi, đã thấy sự vay vay trả trả không có lúc kết thúc rồi, huống là những món nợ lớn va chạm hằng ngày trong cuộc sống.

Hiểu rõ vậy, mới có thể cẩn trọng, để gọi là “xé giấy nợ”, có thể thong dong không bị ràng buộc ngay đây và những ngày tới (kiếp này kiếp sau). Bởi dù muốn hay không, hễ vay thì phải trả! Chính thế các bậc thầy mới nhắc chúng ta lưu tâm đến những vọng động khởi trong tâm, biết được và dừng đúng lúc thì mọi thứ mới là giấc mộng, là hạt sương sớm… không thì mãi chật vật, trong cách sử xự gây phiền toái cho nhau hằng ngày.

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Vì sao có kiếp sau


Có hay không. Nhưng ít nhất có trong mong đợi của ai đó, tôi không dám dùng chữ chúng ta, vì biết đâu, bạn không đồng ý.

Đôi khi tôi cũng có những “lời hứa” cho kiếp sau, bởi vì hiện đời không thể làm được!

Tôi nói năng thường không dễ nghe, đôi lúc mong nói với mẹ tôi một lời. Nhưng chẳng hề nói. Mẹ tôi mất, lòng tôi ân hận mãi. Lần đầu tiên mong có kiếp sau, để làm con trở lại và có thể nói lời dễ nghe với mẹ hơn chăng.

Về sau nghe nhiều người hẹn với những người vừa khuất hai chữ kiếp sau! Tôi dần hiểu ra “kiếp sau” có, vì đó là “nơi chốn” trong tâm tưởng mong làm được những gì mà những ngày đã qua mình không làm được.

Cái “kiếp sau” đó để gởi gắm những gì mà ngay đây, cuộc sống quá phức tạp, không thể sắp xếp như ý, và dù ngày mai hay xa hơn nữa, vẫn không thể làm được. Thôi đành gởi mây bay, kiếp sau họa mà làm được, chứ ‘kiếp này đành thôi’.

Cuộc sống ngắn ngủi, khi nói hai chữ “kiếp sau” là vô tình đã chấp nhận kiếp người ngắn ngủi cho những tham vọng của mình! Vì không thể trường sinh bất tử để giữ mãi kiếp này, nên tiếp tục muốn giữ những gì còn đang muốn giữ, biết thế nào bây giờ, may còn hai chữ “kiếp sau” để hy vọng!

Bạn có thể tin hay không tin từ ngữ “kiếp sau”? Nhưng có lẽ bạn tin những từ đồng nghĩa như thế mà bạn không để ý , chẳng hạn như ước muốn tồn tại mãi, giữ mãi những gì đang yêu mến… đó chính là trong tâm đang viết hai chữ kiếp sau với một danh từ khác.

Về lại được nhà


Nhà mình, mình về tới, mừng!

Mọi thứ vẫn như xưa! Cảnh nếu có thay đổi, chắc cũng chưa đáng nói bằng tâm mình thay đổi.

Muốn về, nên khi về tới mới mừng.

Người xa quê hương, nếu muốn về, khi đặt chân lên đất nghe cảm động. Cái gì khó được, khi chợt có được mới thấy quý.

Bao nhiêu chuyện muốn nói muốn kể. Có lẽ khi bạn xa ai lâu quá, xa nơi chốn còn muốn trở lại lâu quá, thì cảm giác này sẽ có.

Ngẫm nghĩ chỉ mới một tháng hơn thôi, đâu có gì là lâu. Nhưng thói quen nào mình chấp nhận, thì thói quen đó sẽ “làm khổ” mình! 

Những điều rất đơn giản, nhưng tự chiêm nghiệm ra mới rõ.
Có ba thuật ngữ “văn tự”, “quán chiếu” và “thực tướng”. Vì cho là thuật ngữ nên có vẻ xa lạ, chứ thật ra chuyện nào cũng đi qua ba trình tự đó hết. Biết là thói quen ban đầu chỉ là sợi tơ, lâu dần sẽ thành sợi xích sắt. Câu đó vừa nghe qua hiểu liền là văn tự, tôi cũng hay nói như vậy để nhắc mình, gọi là quán chiếu. Nhưng mấy hôm nay lên mạng không được, hễ có dịp là kết nối ngay, nối được, vào trang blogspot này không được. Ban đầu chưa nhận ra thói quen vào trang này đã trở thành “sợi xích sắt”. Sau để ý tâm trạng, luôn muốn kết nối mạng được, muốn vào trang được! Nhận ra được thế!

Rồi sao nữa? Chẳng sao hết - các bậc thầy thường nói vậy khi thấy chúng ta hoang mang ở bước này.

Bạn trả lời câu này sao nhỉ.

Biết đâu nhờ ý các bạn, tôi sẽ có những ý hay chăng!
quachnhientran@gmail.com