Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Khi thuốc quá hạn!


Soạn tủ thuốc, nếu thuốc gần hết hạn sử dụng, sẽ có chút ngần ngừ, nên đưa cho ai cần không? Mà biết ai đang cần những thuốc này để đưa. Nếu thuốc đã hết hạn, quá hạn sử dụng, thì tiếc những lọ thuốc chỉ mới dùng phân nửa. Những viên còn lại phải bỏ đi!

Có thể có một góc nhìn nhẹ nhàng hơn chăng, thay vì sự tiếc nuối những gì phải đem bỏ đi. May mắn cơn bệnh không quá hoành hoành để chúng ta phải uống hết lọ thuốc đó, cơn bệnh đã giảm liều thuốc cũng giảm nên thuốc sử dụng không hết. Đưa vào người dù là thuốc bổ vẫn có những điều không lường nói gì đến những thuốc trị bệnh, nhất là những loại đặc trị có rất nhiều ‘tác dụng không mong muốn’.

Những cơn đau như nhức đầu chẳng hạn đã không liên tục nên thuốc không cần uống mỗi ngày. Và bây giờ cầm lọ thuốc còn nửa lọ… tiếc điều gì, tiếc mình không uống hết sao! Tiếc mình không bệnh sao?

Đôi lúc có những điều bỏ đi không phải là phung phí, mà là một lời chúc mừng cho chủ nhân của nó đã sớm bình phục, hơn là tiếc rằng sao không đưa những viên thuốc vào người đến hết lọ!

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Không thấy bằng mắt

Đảo Cô Tô 9-2014  

Nghe đến đảo Cô Tô, tưởng là:
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
                                                                           (Trương Kế)

Nhưng Cô Tô chỉ là một quần đảo khi qua khỏi những đảo chập chùng của vịnh Bái Tử Long. Thuyền đi hơn hai giờ đồng hồ thì đến đảo.

Có lẽ sự thất vọng của khách đến đảo giống nhau, ở điểm, đảo có gì lạ! Nhiều người lên tiếng so sánh cho rằng có nhiều đảo nơi nào đó đẹp hơn đây nhiều.

Xe đi vòng quanh đảo, giữa là núi non trùng điệp, rừng nguyên sơ nghe như trong đó lời thơ “hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình(Bùi Giáng).

Đảo không có gì lạ, bãi biển cũng bình dị như những bãi biển đã qua. Nhưng có một điều ẩn chứa trong đó, là không khí nơi đảo xa này ít bị bụi mù của nhà máy làm nhiễm ô!

Cái đang nhìn thấy bị so sánh phê bình! Nhưng cái không nhìn thấy là hồn của đảo này thì ít khi được nhìn ra.


Cái không nhìn thấy, bàng bạc quanh mình, mà không biết. Quen khí bụi mù, hít vào không khí trong lành, thoáng chốc chợt nhớ lời các bậc thầy, cái hiện hữu không nhìn thấy bằng mắt nhưng hằng hiện hữu nơi con người nhỏ bé giữa trời biển bao la! 

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Ba chìm bảy nổi


Từ nhỏ nghe nói rằng khi làm chè trôi nước, khi vo bánh tròn xong được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra.
Phần giải thích thì tùy, có người bảo ba lần chìm xuống nổi lên (tức là sôi ba dạo), vì nước sôi bánh chìm nổi theo nước, chừng khi nổi 7 phần thì bánh chín!
Nếu sôi mãi bánh vỡ ra nổi hẳn lên mặt nước!

Chuyện xảy ra, khi kể thì phần lỗi của người mười phần, chẳng nghe kể lỗi mình một phần, nếu vậy thì kể như bánh vỡ rồi! Chẳng còn thành một chén chè trôi nước nữa.

Bạn bảo,
“Nếu quy lỗi cho người bảy phần, bảy phần nổi là lỗi người dễ thấy ngay, còn ba phần chìm, lỗi mình chìm nên mình khó thấy, nhưng cũng còn thầm nhận ra rằng mình có phần lỗi.
Thì ba phần nhận đó là lỗi mình, có nghĩa mình còn cơ hội sửa chữa lỗi lầm, nếu chẳng nhận ra chỉ thấy lỗi người mười phần! Thì mãi mãi sẽ đứng ì một chỗ với vô số lỗi lầm mà chẳng bao giờ nhận ra!
Thì thôi có gặp chuyện gì ít ra cũng ba chìm bảy nổi vậy”.


Nghe bạn nói ngẫm lại cũng có lý cho sự luôn khăng khăng chỉ quy lỗi mười phần về người!