Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Xin mời qua trang

Sau thời gian chuẩn bị "dọn nhà", đến nay mọi việc tạm ổn, thân mời các bạn qua tên miền 
https://quachnhien.com



Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Sự thật ở đâu

SuThatODau
Chuyện không vui xảy ra, hỏi lý do, mỗi người giải thích một cách, các lý do nghe có vẻ vô lý, nhưng lý do cho có lý, thì không ai dám nói.
Và sự thật chỉ được bàn nói quanh quẩn đâu đó, còn người quyết định thì mãi không biết mình đã quyết định vô lý, bởi nghe những lý do vô lý, nên đành quyết định theo suy nghĩ riêng của mình.
Tôi nhớ có đọc một đoạn truyện, một người hỏi: Sự thật ở đâu? Nghe trả lời: Sự thật ở trong tâm.
 Tôi rất chấm câu này, bởi biết những gì mình nghe mình thấy chưa chắc là đúng, bởi sự thật nằm riêng trong tâm người trong cảnh. Nên những chuyện giãi bày, hỏi ý kiến thường khó giải quyết, bởi mọi sự thật để giải quyết đã nằm chìm trong tâm người hỏi.
Đôi khi “sự thật” lại chỉ có lý với người nói, chứ không có lý với người đang nghe. Góc nhìn sai khác, nên cho là nói thật, vẫn cái thật với góc nhìn riêng. Bao nhiêu người góp ý phê bình, nhưng đương sự vẫn cho việc mình là đúng là có lý. Bởi những điều rất riêng nằm sâu trong tâm, mà chỉ chính người đó biết hay đôi khi cũng mơ hồ chưa rõ điều mình nói là thật, hay mình đang khỏa lấp để yên tâm mà làm. Thật khó có một câu trả lời chính xác.
Cẩn thận trước khi quyết định hay nhận xét, mới có thể hạn chế những sai lầm, tránh hối tiếc về sau.
Chợt nhớ nguyên lý tảng băng trôi của Hemingway, và phần chìm đó đóng vai trò quan trọng, là câu trả lời rất riêng cho tâm tình của người.
Nhưng khi phần chìm đó tan theo sóng nước, hòa mình vào đại dương muôn trùng kia, hiển lộ điều đang muốn biết. Là thế chăng.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Quả hồ đào


Bạn thấy quả hồ đào chưa nhỉ, tôi được tặng vài quả chiều nay, chẳng biết có từ đâu nữa.

Cầm mà chẳng biết bóc vỏ thế nào, định lấy búa đập vỡ ra, nhưng nhìn kỹ, nó có một đường nứt nhỏ. Chỉ cần để một cái gì đó như cái khui sữa rồi bẫy ra, là vỡ ra ngay.

Nghe nói quả hồ đào mệnh danh là “quả trường thọ”, chợt nhớ truyện Trạng Quỳnh học hồi lớp ba, có quả đào trường thọ, ông lấy ăn trước Chúa Trịnh, lúc bị xử chết, ông nói, quả này ông ăn vào không trường thọ, ai dâng quả này là gạt Chúa Trịnh rồi.

Nhưng thôi nếu gọi là trường thọ, thì đỡ bệnh nào hay bệnh đó vậy.

Bạn nhìn tôi đang tách vỏ hạt hồ đào, hỏi:
- Định nói gì vậy? Khi không nói đến trường thọ với Trạng Quỳnh.

- Xem quả hồ đào này, mọi thứ tách ra được khi có một kẽ nứt. Mọi tương giao đổ vỡ bởi có một khoảng hở nào đó, nên người ngoài mới nhân đó mà bước vào hay nói ra nói vào.

Hiểu vậy, chỉ để khi có gì rạn vỡ, thì tự tìm xem khoảng cách đó từ đâu, chính sự giao động và biến đổi khí hậu khiến vỏ trái đất còn nứt nói gì đến tâm tư mong manh dễ chao đảo theo cảnh đời.

Khi thấy có rạn nứt, nhưng vì không biết mối rạn đó có trước khi ai đó đưa tay vào tách ra, nên cứ vô tình trách nhau, khiến không còn cứu vãn được mối tương giao, đồng nghĩa không cứu được tâm đang vỡ vụn bởi khổ sầu.


Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Lướt trên sóng… đời

luotsong
Hôm đó không chụp được ảnh, mượn tạm hình trên internet

Có lần chúng tôi được xem nhiều người lướt sóng, và phải là mùa có sóng mới lướt. Giữ được thăng bằng đi theo ngọn sóng, không để sóng vật ngã có lẽ là sự tập luyện lâu dài. Khó mà biết trước ngọn sóng sắp đến là thế nào, cao hay thấp, mạnh hay yếu. Người đang trên ngọn sóng và những người đang xem đều không biết điều gì sẽ đến. Tuy rằng họa hoằn lắm mới có điều không may xảy ra. 

Có những con sóng dữ quá cao, vật ngã hầu hết những tay lướt sóng mới tập, nhưng cũng có những tay theo sóng mà lướt vào bờ. Theo sóng mà lướt vào bờ! Nhìn những đầu sóng trắng xóa mà người lướt sóng đang nương theo, như tung mình bay giữa trời cao. Bãi biển tập trung đông người đang theo môn thể thao này. Kỹ thuật được chỉ dẫn cặn kẽ trước để khi gặp những con sóng lạ biết cách giữ vững.


Đứng trên thành cầu nhìn xuống, thấy bạn có vẻ chăm chú quan sát, hỏi bạn đang nghĩ gì. À ! Đang nghĩ đến những chuyện vừa qua, Dù tập luyện nhiều nhưng sóng đời vẫn làm mình chao đảo, con sóng không lớn nhưng bất ngờ, nên không qua được. Nhìn những con sóng không định hình trước do gió thay đổi mà bao tay lướt sóng ngã xuống kìa.


Nhiều năm trôi qua nhưng hình ảnh lướt sóng hôm đó vẫn như bài học nhắc tâm trước những giao động. Những con sóng phiền muộn từ tin tức cập nhật những biến động dường như hàng ngày khắp nơi, khó mà có một giấc ngủ thanh thơi, nếu không biết cách lướt sóng để an ổn vào bờ, thì sự bất an sẽ lan rộng mãi trong tâm.

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Sao không nói

Bầu trời được những nhánh điều khô che rợp, tạo một khoảng trời lạ. Tôi định sẽ chụp hình để làm gì đó, bìa sách hay lịch, ngày nào tôi cũng nhìn khoảng trời qua kẽ những nhánh cây khô, với dự tính đó.

Cây điều này, nghe kể có mặt hơn ba mươi năm nên được gọi là điều cụ, nay đã chết khô, cành trơ trọi không còn một chiếc lá, dù là lá khô. Ngày trước tàng lá xanh che kín khoảng trời, bây giờ tàng khô cũng tỏa rộng cả khoảng trời, ánh nắng dịu hẳn khi len lỏi qua những cành khô.

Nhưng buổi sáng nay, cây điều được đốn hạ không lời báo trước, nhìn khoảng trời trống trải chói chang. Dự định chụp giữ lại cây điều, không còn nữa. Tôi bâng khuâng cả buổi, nhìn những tàng khô ngổn ngang trên mặt đất, dù có gởi thầm một lời hối lối cũng không được. Nghe như một lời nhạc “sao em không nói khi tôi còn sống”.

Mọi điều khi còn trong tầm tay, đã không làm, không nói. Khi trễ tràng, có nói gì cũng muộn màng.

Đời sống mỗi ngày như dự định đơn giản chụp hình cây điều khô, hẹn nay hẹn mai một việc có thể làm ngay, bây giờ đứng giữa ánh nắng chói chang, biết tìm đâu một di tích cũ.

Sao không nói một lời cảm ơn, một lời xin lỗi. Lời dễ nhất mà còn để ân hận trong đời, nữa là có những lời đáng ra nên nói trước khi đứng trước di ảnh của người mình muốn nói.



Bây giờ đứng trước gốc điều đã qua mưa nắng, muộn màng chụp lại. Lại là một cái gì nhắc nhở cho những ngày tới.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Màu tháng tư



Tháng tư màu gì nhỉ, nhìn hai hàng cây bằng lăng tím cả khoảng trời.
Bạn bảo tháng tư màu tím, cái màu bằng lăng mộc mạc như hoang sơ như một thời chưa nhiều toan tính.


Tầm mắt nhìn xa hơn, cây phượng sắc đỏ rợp một khoảng trời của nó, để nghe như tiếng ve và bài hát “màu hoa phượng đỏ như máu con tim…” của một thời áo trắng và sân trường phượng đỏ.


Xe chạy vào khoảng rợp trời vàng của những hàng hoa Hoàng hậu. Màu vàng kiêu sa. Như "áo người vàng ta về yêu hoa cúc", ngày đó chắc chưa có những hàng cây hoàng hậu kiêu sa này. Từng chuỗi hoa vàng choáng ngợp.

Mọi thứ như thế, đổi thay như màu hoa theo từng tháng ngày, có lúc rực rỡ có lúc ẩn khuất. Niềm vui nỗi buồn không giống nhau. Niềm vui của mình có thể nguyên nhân cho nỗi buồn người khác.

Cảnh chỉ là nói lên những cảm xúc trong tâm của người đối diện. Biết kịp như thế, những sinh khởi qua tâm, mọi thứ may ra trả về sự cân bằng, sau những chuỗi thăng trầm trong từ ngày qua.


Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Chuyện gì đây!

Vừa mở google ra, thật bất ngờ, chuyện gì đây
Nhìn chú thỏ mang số 29, cũng chưa biết chuyện gì
  Chèn thêm vào sau số 28 gọn gàng nhỉ!

À, giờ mới nhớ, hôm nay người nào sinh nhằm năm nhuận, phải bốn năm mới "ăn" sinh nhật một lần. Dường như thiếu một chút, thiếu một chút, và rồi lúc nào đó sẽ được bồi đắp đầy đủ bằng một sự trọn vẹn.

Nhường một chút, nhường một chút, đến trọn chu kỳ, mọi sự cho thấy chẳng đâu mất vào đâu. Mọi sự luôn đầy đủ trọn vẹn trong chu kỳ.

Mọi thắc mắc về cho và nhận chỉ được giải đáp thỏa đáng lúc kết thúc chu kỳ của nó.

Cứ hết lòng một ngày, một ngày và câu trả lời là ngày hôm nay đây.

----
ghi chú: số 1 sau số 29 là ngày 1 của tháng 3

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Chúc mừng năm mới



Thân chúc các bạn năm mới vui tươi, bình an.

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Mua hay tặng


Cuối năm mua quà, gói quà, tặng quà, nhận quà… nhịp bình thường của những ngày cuối năm.

“Tôi không mua phiền não!”
Ngẫm nghĩ, đúng vậy, nếu phiền não bực bội mà chọn mua, thì ai mà mua. Nhưng đôi khi mất bình tĩnh lại mua "phiền não" về, cái giá trả cho sự dại dột này là mất rất nhiều ngày tâm luôn buồn bực. Cho đến khi trả đủ giá tiền thì cơn buồn bực phiền muộn dịu xuống!

Nghĩ kỹ, đôi khi không mua, nhưng người khác tặng mình. À! Quà tặng mà không nhận cũng tiếc, nên về nhà thỉnh thoảng nghĩ vẩn vơ đến món quà tặng đó.

Bạn bảo, không nhận thì thôi chứ! Nhưng tâm tình không đơn giản như khi suy nghĩ và quyết định. Chẳng hạn món quà đắt giá được tặng, không nhận cũng hơi tiếc chứ. Nếu ai nói câu quá nặng (đắt giá đấy) thì tuy bỏ qua, nghĩ là không đem vào tâm, nhưng sau đó chợt nghĩ đến vẫn bực tức. Dù sao cũng nhẹ hơn người nhận cất kỹ vào tâm, sẽ đau buồn lâu hơn!


Hiểu ra vậy, cũng biết cách dàn xếp tâm cho bớt buồn bực. Không biết thì phiền não cứ dằng dai mãi về những điều, đôi khi không đáng để cất giữ lâu vậy.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Xóa hay lưu lại


Gần Tết, đang mở hộp thư, hóa ra thư nhận được từ 2013 đến giờ còn đó.  Định delete hết. Nhưng thấy chính mình ngần ngừ khi chọn delete, rồi di chuyển chuột sang biểu tượng move, tạo một folder khác, nhiều folder khác để giữ lại những gì khi tâm vẫn còn chần chừ chưa muốn xóa hẳn.

Xem lại hộp thư thấy trống rỗng, sau hơn hai tiếng đồng hồ dọn dẹp. Mọi thứ nghĩ là sạch trơn, trống rỗng rồi, nhưng nhìn sang bên tay trái, thấy cột Folder xuất hiện nhiều folder lạ hơn.

Trên bề mặt mọi thứ dường như cho qua rồi. Nhưng vô tình hay hữu ý chi đó, đã lưu giữ nơi ẩn khuất rồi. Chỉ hiển thị khi ai đó được xem những folder cất giữ.

Điều đó chỉ rõ vì sao chúng ta thường định kiến về con người và sự việc, bởi những gì đã nghĩ và phê phán đã được lưu giữ ẩn khuất. Vì tồn đọng trong tâm, nên dù mười hay hai mươi năm sau vẫn còn có thể lục lại trong ký ức một điều, mà chúng ta thường nói "tưởng rằng đã quên".

Biết được điều này, mới hiểu vì sao chúng ta khó mà xóa bỏ định kiến về ai đó, thì mong gì ai đó xóa bỏ định kiến về chúng ta. Dù năm tháng đã đi qua, và chính mình tự nghĩ rằng mình có thay đổi, nhưng người bên cạnh khó chấp nhận, bởi những gì đã lưu trữ kỹ, luôn hiển hiện trên gương mặt người trước mặt.

Xóa bỏ hay lưu giữ là quyền của chính mình, khi mở hộp thư đã nhận trong năm qua. Những buồn vui trong năm, ngay lúc này nên làm gì nhỉ!

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Xa hay gần

Quà tặng là một ống nhòm, rất mốt.


Tầm nhìn gần nhất 15m. 
Và thât là tuyệt vời, cao tầng xa tít kia, một thoáng ngay tầm tay với. Và mộng ước qua ống nhòm này như ở trong tầm tay. Nhìn bờ biển xa mù khơi kia, mà chừng như đang đứng trong biển khơi nhấp nhô sóng. Cánh đồng bát ngát xanh tắp kia đang ngay chân mình. 

Nhìn mặt này, tuy xa mà gần

Quay lại nhìn người đứng gần, chẳng thấy gì hết.

Xoay lại đầu kia nhìn. Lạ thật người đang ngồi cạnh đây, thấy rõ, nhưng khoảng cách xa tít, tưởng chừng như với cũng không đến. 

Xa thật xa, hình dáng nhỏ bé, cách nhau một khoảng cách không ngờ! Một khoảng cách rất xa.

nhìn mặt này, người gần mà xa
Đặt ống nhòm xuống. Người bên cạnh đang nhìn mỉm cười, còn những cái đang tưởng trong tầm tay bỗng không còn nhìn rõ.

Có lẽ chúng ta đang nhìn mọi thứ qua một ống nhòm vô hình, nên những người đang ở cạnh thật xa và những cái ngoài tầm với kia hiển hiện trong tâm rõ mồn một. 

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016