Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Sông qua sa mạc


“Con sông dài làm sao, nhưng chẳng bao giờ gặp biển”. Câu văn nghe như một tiếng thở dài của những điều bất khả.
Nhưng có  sông nào không gặp biển! Những áng văn thơ học ngày tuổi nhỏ, đều nói cuộn cuộn sóng về Đông,  nước chảy về đông.
Và câu văn kia, vẫn như một tiếng thở dài.

Khi nhìn con đường trở về của Pháp sư Huyền Trang, qua đỉnh núi cao chập chùng, rồi qua sa mạc cát vàng ngút mắt. Lúc đó mới biết, có những dòng sông không bao giờ tới biển, mà cạn trong lòng sa mạc kia. Thật là bùi ngùi khi đọc đến những dòng sông đổ từ núi cao kia, chảy mải miết nhưng bãi sa mạc kia đã làm khô cạn đi dòng nước.

Rồi sau nữa, mới biết nhờ những dòng nước thấm vào lòng cát kia, nên mới có những ốc đảo bơ vơ giữa sa mạc.

Rồi thì chẳng đâu mất đi đâu.


Niềm tin một lần phát khởi, như nước từ nguồn kia, nếu chẳng may đi qua sa mạc đời, cạn khô đi, không kịp tới biển trong đời này thì cũng là dòng nước chảy ngầm trong lòng đất sâu, cho đến khi gặp duyên!

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

BÊN ĐỜI VỪA XA

Khuôn viên trường như nhạt nắng chiều nay,
Hay chói chang hơn khi tôi đứng trước tro tàn.
Dáng áo nâu nghiêm trang vừa khuất dấu,
Đứng giữa đời, không biết thực hay hư
.


Nếu bạn là Tăng Ni sinh có biết Ni sư, thì chắc nỗi niềm ngày đó cơ hồ chưa phai dấu. Bốn phương trời, nơi nào có mặt những người quen biết Ni sư, đều cùng một lúc sững sờ không nói nên lời, truớc tin khẩn báo.
Chúng tôi lên mạng mỗi ngày để theo dõi, email cập nhật tin báo từng giờ.

“tang le rat am cung, Tang Ni sinh Phat HocVien lo truc ngay dem HT Minh Chau xuong tham kim quan tham co. Nhin On dung tan ngan mai ben quan co, ai cung rot nuoc mat” (Minh Khong)

“Cõi nhân sinh lại vắng thêm một người đầy tài năng đức hạnh và nhiệt tâm phục vụ con người và đạo pháp” (Nguyễn Tường Bách)

“Thật, chuyện bây giờ đã thành khó thấy ấy, ai cũng thấy nơi cô. Cô thật như một người tri thức, trong suy nghĩ cũng như trong hành động. Cô thật như một người đạo hạnh, bên trong lẫn bên ngòai… Cô thật như một tấm gương” (Cao Huy Thuần)

“cùng với các Phật tử trên toàn thế giới, cùng với các bậc trí thức thiện tâm trong nước, tôi khóc Ni cô Trí Hải” (BS Trần Ngọc Ninh) .

“Ni sư Trí Hải sẽ sống mãi trong lòng mọi người” (Nhạc sĩ Trần Văn Khê).

Rồi mọi cái lắng lại như cơn sóng lớn đi qua, cuốn phăng tất cả đi. Rồi mặt biển trở lại hiền hòa như chưa từng biết những hoang tàn nó để lại sau lưng.

Vài năm sau, nhân ngày giỗ Ni sư, tôi nhận được một tập thơ nhỏ với tên “Bên đời vừa xa” gởi tặng. 
Lời thơ nửa xa nửa gần.
Chiều nay cánh nhạn khuất rồi,
sao còn để lại một trời nhớ thương
.

Sư ra đi vào đêm trăng sáng, trăng sáng mà soi không rõ bước chân xưa, lời thơ bảo thế.
Trăng ơi sao lại đầy vơi,
Để Sư cười nụ bên đời vừa xa
.

Có những người ra đi khỏi đời rồi, nhưng dường như chưa hề đi đâu hết. Chính tôi vẫn có cảm giác ngờ ngợ như vậy trong tâm.
Nụ cười chừ giấc mộng,
dáng người chừ cõi không.
Vậy mà,
có ai đứng lại bên đời,
nghe cay mắt bởi khói trời mênh mông
.
Và nghe mắt mình cũng cay cay.

Mỗi năm, có một ngày.
Tôi trở lại thăm giảng đường, nơi nhà giảng Ni sư từng nói chuyện. Không để tìm gì hết, bước đến chỉ để mà đến.
Người không ở vì chờ mong đã mỏi,
người đã đi cùng tuổi trẻ tôi đi,
chợt có lúc trên đường tôi đứng lại,
ngó ngu ngơ… xưa chính đã chỗ này.
(Chỗ này- Mưa Nguồn-Bùi Giáng)
Xưa chính tại nơi này. Bây giờ không còn vết tích gì hết. Một thời đã qua. Những lời kết thúc tập “Bên đời vừa xa” đã viết “… ai đã biết cô, cũng có một đời kỷ niệm đáng trân trọng”.

Rồi thì những người năm cũ, có lẽ một lần, xin mượn đôi dòng ngữ lục thay lời.
Một hôm, Tiệm Nguyên cầm cái xẻng đến thăm Thạch Sương Khánh Chư, lên pháp đường đi từ đông qua tây, từ tây qua đông.
Thạch Sương hỏi:
- Làm gì?
Sư đáp:
- Tìm linh cốt tiên sư.
Thạch Sương nói:
- Sóng cả mênh mông, sóng ngập đến trời, tìm linh cốt Tiên sư nơi nào.
(Đàm Châu Tiệm Nguyên Trọng Hưng, Chỉ Nguyệt Lục, Q.15)

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Từ tâm đến tâm


Tình cờ thấy bức tranh này, như tâm tình muốn nói.