Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Trời sinh ra chi




Sau chuyến đi biển thì để lại nhiều vết cắn của bù mắt. Khi cắn thì không biết, nhưng sau đó thì chỉ còn cách uống vài viên chống dị ứng mới qua được.

Em buột miệng nói: Trời sinh chi con này!

Nghe câu nói thiệt có lý, sinh chi những con không biết để làm gì, mà bây giờ ai đi các vùng biển đều ngán. Một con vật li ti, không nhìn rõ hình dáng, bé hơn cả muỗi mòng.

Trời sinh chi! giá mình cũng biết chính mình là ông trời cho những suy nghĩ của mình nhỉ! Vì người quanh chúng ta thường buột miệng nói, sao có những việc đáng sợ thế này, đã khởi lên từ một tâm bất thiện của ai đó.

Việc nào cũng từ một niệm nhỏ bé khởi lên trong tâm tư, nhẹ như vết cắn của bù mắt, nhưng tác hại thì vô cùng. Giá như “ông trời này” đừng khởi nghĩ những niệm xấu dở thì thế gian đâu đến nỗi tang thương như bây giờ.

Ừ nhỉ, tôi đi dọc con đường, xe cộ và bụi mù của thành phố, cái chằng chịt rối ren, tất cả chỉ từ một niệm nhỏ nhoi không hình dạng kia, mà gây nên một cuộc hí trường!

Giá mình nhận ra rằng mình là ông trời, thì có phải mình đã dừng những suy nghĩ không hay lâu nay, thế giới đang sống đây chỉ là kết quả hay là cái bóng của vô vàn “ông trời”, bởi rõ ràng chính mình là chủ nhân của mọi suy nghĩ.

Trời sanh ra chi!

Hay chính mình khởi nghĩ và theo đuổi tham vọng khởi lên từ chính mình, trở lại trói buộc mình!

Một câu chúng ta thường nghe “như tằm kéo kén, càng buộc càng bền”, tưởng chỉ có con tằm kia, tự nhả tơ buộc chính nó, đâu ngờ chính mình nuôi lớn những suy nghĩ bất thiện là tự buộc mình vào một bẫy rập của tư tưởng mình.

Vết cắn của con bù mắt sưng lên kéo dài sự đau nhức trong một tuần, vết sẹo để lại thì lâu tan hơn, có thể là cả tháng hay hơn nữa. Nhưng tư tưởng bất thiện của mình, sẽ kéo dài sự buồn khổ một đời, và những di chứng vay trả trả vay, có lẽ còn dài lâu hơn nữa.

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Linh hồn tượng đá


Chúng ta được định nghĩa như một “sinh vật” trên trái đất này. Sinh vật chỉ là một vật sống, nhưng khác hơn mọi loài là có hiểu biết!
Nhưng dường như là một tượng đá, chỉ có sức sống khi có một điều gì vui thích từ bên ngoài tác động vào.

Sao bỗng dưng hôm nay tôi nghĩ đến chuyện này. Ừ thì, lúc bé nếu không có cha mẹ, mình cảm thấy đời bơ vơ! Đến khi rời hình bóng cha mẹ thì phải có một “ai đó” là sức sống cho mình!

Còn sức sống trong chính mình! Điều này chưa nghĩ ra. Nhưng hôm nay trong một buổi chia tay, cả bọn thấy rời rã, hình như thiếu niềm vui trong một tập thể đông đảo này, thì có một lời nhắc nhở.
Khi chưa biết được sức sống tự có trong chính mình, thì sức bám víu bên ngoài rất mạnh, có lẽ vậy mà chúng ta luôn làm khổ nhau, khi ai đó có ý định rời bỏ mình, khi mình chưa thấy tìm thấy đâu là niềm vui tiếp tục!

À, cái điều nghe đơn giản mà lâu nay chưa nghĩ ra. Người ta thường nghĩ khi không nắm chặt vào ai, thì thế giới này xa lạ, bởi đâu có ai níu mình trên thế giới đông đảo nhưng đầy cô đơn này!  Nếu thế giới không cô đơn thì làm gì có những câu thơ bất hủ “Quen biết khắp thiên hạ, tri âm được mấy người”.

Khi mở email, thấy thư bạn, tâm tràn đầy vui mừng! Nhưng các bậc thầy nhắc rằng, đừng để một điều gì bên ngoài tóm lấy bạn. Vui nhưng đừng để rằng, khi không thấy ai trong hộp thư vừa mở, thì trong tâm chỉ còn sự trông đợi. Nghĩa là tâm đã gập ghềnh!

Hôm qua có bạn hỏi tôi thiền là gì. Bạn đã tra cứu và đọc nhiều, nhưng vẫn chưa thể có một định nghĩa. Nếu là một định nghĩa sống, nó phải từ một đời của bạn trả lời. Một định nghĩa chết, có thể đơn giản: thiền là một tâm không gập ghềnh. Cũng có thể rõ hơn một chút, chính là sức sống là ánh sáng nơi chính mình.

Và tượng đá kia, cái vật cho là vô tình kia, sẽ thế nào khi “tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo! (tình cùng vô tình đều thành Phật !)

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Cuộc đời đó có bao lâu...



Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Lời nhạc kết như vậy. Mỗi người có một sự hững hờ cho cuộc đời mình.

Khi rời phố thị, qua một chiếc đò nhỏ, nhìn ngút mắt chỉ thấy một màu xanh của cây. Nghe tiếng chim hót, và lắng nghe hình như có tiếng thác đổ trong đêm.

Trời mưa, con sông nhỏ đang màu trời xanh nhạt đổi sang như màu cà phê sữa. Bạn bảo ghiền cà phê nên nhìn màu nước đục vậy mà nghĩ rằng cà phê sữa. Tôi cười, ừ nghĩ vậy cho đỡ thấy nước không còn trong như hôm trời chưa mưa. Coi vậy chớ múc lên để lóng lại, nước trong như thường, nếu có chút phèn thì trong vắt luôn!

Bâng khuâng “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, giọng ai hát rơi nhẹ trong khoảng trời không, nơi chỉ có tiếng chim hót.

Mình đã hững hờ với cuộc đời mình quá lâu, bỏ đời trôi theo dòng cuốn của những ước muốn không điểm dừng. Bất chợt, buồn cười cho những năm tháng qua. Những thứ đang nắm trong tay, tan biến như giấc mộng. Rồi ra, ai cũng một mình đứng thế này, nhìn con nước đầy rồi vơi.

Có thể như một đoạn ngữ lục đọc buổi chiều hôm:
“Lại có hai người cùng tòng quân với sư khi xưa, nghe sư ở ẩn, đi vào núi tìm sư. Tìm thấy Sư, nói với Sư rằng: Tướng quân cuồng tà, ở đây làm gì? Sư đáp: “Ta cuồng muốn tỉnh, anh cuồng đang phát. Phàm mê sắc đắm thinh, tham luyến vinh hoa, lập công thọ ân, trôi theo dòng sanh tử, làm sao tự mình ra khỏi?” Hai người cảm ngộ, tán thán rồi đi.

Nhìn dòng nước cà phê sữa của đời sông hay chính đời mình, đã ngả màu giữa cơn mưa và đất đỏ bụi mù.

Sao lại hững hờ quá lắm thế, cho đời mình. Mừng đã biết là thế, phải không bạn, những người đang cùng tôi lắng nghe tiếng trở về tâm chính mình.