Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Sao ít tin vui

lắng nghe lời biển 

Bạn kể, nhận điện thoại, nghe xong không vui toàn những tin nặng lòng, đọc tin nhắn, chỉ vài dòng cũng toàn tin báo giật cả mình. Mở email thì mười cái hết chín cái nghe đủ chuyện rối rắm của người chung quanh. Vậy thế giới này không có chuyện vui sao?

Có chứ, nhưng khi vui đâu ai kể, người ta chỉ kể những gì quá nặng lòng, chia bớt gánh nặng đó để nhẹ lòng. Thì bạn bè nhau, chia dùm một chút sầu khổ của bạn mình mà, nhìn thế cho nhẹ nhàng.

Bạn mình buồn thì mình có làm gì được, ngoài lắng nghe để gọi là thông cảm cảnh đời bạn mình đang gặp phải.

Nhưng tiếc thay mình lại nghe với tâm bị đồng hóa, nên đùng đùng theo, giận hờn theo, phê phán theo, cuối cùng chỉ làm nặng thêm, thay vì nhẹ bớt, rồi phải tìm ai đó để chia bớt! Lại cứ lẩn quẩn cùng nhau, vô lý là thế. 

Đôi khi chẳng cần làm gì hết, và hình như đó là điều thường xảy ra cho mọi lời kể, chỉ để nhẹ lòng, và có người đồng ý rằng họ đúng! Sự bác bỏ của bạn chỉ làm việc bùng nổ thêm, sẽ tăng sức phản kháng của người kể, bạn sẽ được nghe những dẫn chứng về lỗi người bên kia nhiều hơn.

Nghe chỉ để thông cảm, nếu mình không làm gì khác hơn được, thì chỉ nghe, nhưng đừng đồng hóa, nếu không chúng ta sẽ quyết định theo những gì được nghe, sai lầm từ chỗ đó, và chính mình là nạn nhân khi vô tình kể lại những bức xúc của người.

Sức thâm trầm điềm tĩnh sẽ giúp mình nhìn rõ mọi chuyện, hiểu rõ những sôi động trong tâm, nhìn ra tâm đang bị ảnh hưởng của lời kể, của bài báo, tâm đã bị cuốn trôi theo nhận định của người.

Chỉ thấy rõ như vậy, mọi thứ dừng lại, trả lại cho chúng ta sự điềm tĩnh để có thể tự biết nên làm gì với những điều vừa nghe.

Mọi chuyện chỉ là lắng nghe được tâm chính mình đang thế nào, chứ không phải tâm người. Vì tâm người đang sóng gió, đang ảnh hưởng đến tâm bạn.

Đây là chuyện hằng ngày, và mỗi lúc, bạn có thấy dường như bạn hiểu rõ bạn hơn, khi có những tác động từ bên ngoài đến.


Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Lần chia tay biển


Em ơi, em ơi thà không gặp gỡ
Thà đừng quen nhau
Nghe nuối tiếc gào thét giữa biển khơi
Không biết bạn có nghe bản này chưa. Chiều nay đi trên bãi tôi nghe bản này, có vẻ thích hợp cho lần chia tay biển.
Ngày xưa có lẽ chúng ta đau khổ nhiều hơn mỗi lần chia tay, nhưng bây giờ mọi niềm đau, nếu có chỉ để nhắc lại rằng tâm đang giao động.

Như bây giờ vắng lặng những tình thân, mọi người đã về, tôi là người sau cùng rời nơi đây. Nghe tâm và tiếng sóng. 
Mọi chuyện qua tâm, nhắc cho mình nhớ, cũng là điều hay. Một điều dù đơn giản đến đâu, nếu không nhớ rõ, vẫn không ứng dụng được, nên thỉnh thoảng vẫn có đôi bài học gởi đến, xem chúng ta thế nào.
Bạn, chúng ta không chịu được sự chia tay với những gì chưa muốn rời xa, vì chúng ta không quen thấu hiểu sự thật của tâm mà thôi.
Sự thật của tâm, nếu mình muốn thấu đáo, mới có cơ hội nhận ra. Có lẽ phải không chạy trốn vào đâu đó, và nhìn những gì đang sinh khởi, có hơi khó chịu. Thời gian đầu công nhận khá vất vả bạn ạ. Nhưng khi đã quen, thì nỗi đau trong tâm sẽ dễ chịu hơn, và nó nằm im cho mình quan sát.
Ban đầu tôi không thể ngồi yên, đi mãi trên đường dốc cao mà nghe sự vùng vẫy của tâm, muốn được như ý, muốn gặp những gì nó chưa muốn rời xa. Tôi nhớ lại cơn thác đó, phải mất khá lâu tôi mới bình tâm. Chỉ mới mười năm thôi, nhưng trải qua nhiều lần chia tay, dần dần hiểu được tâm!
Chúng ta, ai rồi cũng phải trải qua những điều này, nên tập làm quen với đường đi của tâm, sự vọng động của tâm không có gì mới lạ. Chỉ là một lối mòn quen thuộc, chúng ta vì không để ý nên bị trôi theo mà không biết.
Có lẽ vì vậy, trải qua bao nhiêu năm, tôi vẫn thấy vui đi trên con đường mình chọn. Hiểu được sự vọng động là phần nào an bình.


"Tôi có lỗi gì?"


“Tôi có lỗi gì?” là một câu mở đầu tự hỏi, à không hỏi mà không biết ai là người giải đáp dùm. Người ngoài có thể thấy lý do đã đưa đến cớ sự như vậy, nhưng đương sự thì không. Đôi khi người ngoài cũng tức dùm, khi không thấy lý do chính đáng, khiến đương sự càng thấy câu hỏi mình là đúng.

“Tôi có lỗi gì?”, tôi cũng có lần nói như vậy, có lẽ lúc đó tôi quên lý nhân duyên chăng. Thường thì chúng ta xử sự với nhau luôn quá tay, nhưng ít khi nhận ra mình như vậy.

Tuổi trẻ nhìn ra hơi nhiều, nhiệt tâm nhiệt tình trong phụng sự và cống hiến, đâu biết trên bước đường đi, vô số lần dẫm lên sự đau khổ oan ức của người.

Lớn lên một chút, chín chắn, hiểu sự việc hơn, bớt sự nhìn một chiều, nhưng cũng chưa qua được tự ái của mình, nên còn nhiều rối rắm trong tâm. Mà trong tâm chưa ổn thì như sóng cuồn cuộn, không nhìn thấy mặt biển.

“Tôi có lỗi gì?”, sáng nay tôi vừa nghe lại câu đó, lỗi gì nhỉ, liệu bạn có chịu lắng nghe chăng. Hay câu hỏi chỉ để cho thấy mình đang bị xử oan ức.

Tôi nhớ các bậc Thầy thường nhắc, khi gặp việc, đầu tiên nhìn lại tâm mình, đừng nhìn đối tượng, tập được thói quen này, mới có thể nhìn thấu đáo mọi biến chuyển, mà mọi biến chuyển thật ra chỉ từ tâm vọng động. Cái tâm luôn phê phán, chọn lựa, so sánh. Nó bén nhạy với sự chạy ra và đánh mất mình. Cảm giác chông chênh không điểm tựa, sẽ bị trôi nổi theo sự sai xử của thói quen.

Mình thường muốn làm chủ, nhưng cả đời không đủ sức. Dù bạn đang là chủ một công ty, nhưng nhìn kỹ, bạn luôn bị sai xử bởi mọi người quanh bạn. Bạn buồn vui theo người. Nhìn ra điểm này mà giật mình, khi thấy một đời, tuy nhiều lần đứng đầu mọi ngành, nhưng chỉ là hư danh, còn chính mình luôn bị việc sai xử, thay vì làm chủ sắp đặt việc.

Nếu tâm mình, bạn không sắp được, thì chúng ta còn sắp được việc gì, bạn nhỉ.


“Tôi có lỗi gì?”, nếu cho đó là lỗi, có lẽ chỉ là sự thiếu tỉnh giác về chính mình. Không biết bạn có đồng ý thế không. 



Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Có biết rằng Biết

Hôm nay tôi chuẩn bị máy hình và lên núi để ghi vài hình ảnh.
Trong khi chờ đợi,nhìn biển từ xa

Nghe tiếng người quen thuộc, các chú khỉ  chạy đến chờ phát bánh.
Tụ tập chờ đợi tới phiên!

Ngồi chờ cả trên ghế bố đấy
Bánh hay dưa đều nhận cả

Sợ bị giành phần, chạy trốn trên cây, ăn cho an toàn
thấy cheo leo vậy, nhưng chú ngồi rất vững
Thản nhiên xé bao bánh, mặc cho chú bên cạnh nhìn, không chia nhau đâu 
Một chú có bánh rồi,chờ bạn mình nhận bánh, mắt nhìn chờ đợi một cách thiết tha

Ăn xong, cúi xuống liếm sạch những mẩu bánh rơi rớt
Hình ảnh này dễ thương, như đang cúi lạy

Ghi được vài hình ảnh thư giãn, các bạn xem cho vui. 
Tuy bầy khỉ đông, nhưng nó cũng có những kỷ luật riêng. Và sự kỳ thị cũng có, khi một con khác bầy, được người phóng sanh, gia nhập vào cộng động này, nó phải chờ cho những chú kia lãnh phần đi hết mới dám mon men đến.
Chú ngồi thật xa lạc loài, ngó tội nghiệp
Nhiều điều suy gẫm, mình hơn mọi loài ở chỗ có tri thức, và văn minh. Khi quan sát những con vật, thật là lưỡng lự khi phải kết luận về tánh biết.

Nếu không được chỉ ra, thì thật không biết chính mình có tánh biết!,  Những chú khỉ khôn ngoan kia, có biết vậy chăng?

Có đoạn ngữ lục sau, cách đây cả ngàn năm nhưng vẫn như còn vang dội:

Có ông Sa-di Hy Thiên đến, Hành Tư hỏi:
- Ngươi phương nào đến?
Hy Thiên thưa:
- Con từ Tào Khê đến.
- Ðem được cái gì đến?
- Chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất.
- Mặc tình dùng đi, đến Tào Khê làm gì?
- Nếu không đến Tào Khê đâu biết chẳng mất.

Ngày mai thì sao

Con còng nhỏ giữa biển cát đời nó, không biết nó có sợ ngày tận thế không nhỉ



Ngày nào mà chẳng là ngày tận thế của một ai đó. Chứ nói chi tháng mười hai hay mười ba. Cái tháng mười ba không có, nhưng lương mười ba thì có.

Có ai biết chút xíu nữa sẽ thế nào, tin tức hằng ngày nói rất rõ rồi, biết bao nhiêu người đâu ngờ ngày tận thế, có ai biết mình ra khỏi nhà là không trở về.

Mỗi lần chuẩn bị đi đâu, bước ra khỏi nhà, xe chạy, tôi cứ mơ hồ dường như mình quên cái gì đó. Cảm giác này, luôn xuất hiện, đến nỗi tôi phải chú ý.

Mình quên cái gì nhỉ. Đó chỉ là một trạng thái không muốn rời xa nơi chốn quen thân. Nếu thế thì có mong gì ra khỏi thế gian này. Hóa ra ước muốn giải thoát chưa đủ mạnh hơn thói quen không muốn rời xa những gì quen thuộc.
Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi,
Nửa năm tiên cảnh một bước trần ai
Tôi chỉ ở biển nửa tháng, mà bây giờ đã nghe trong tâm lời hát đó ở giây phút sắp rời xa.

Tự nhiên thấm thía thông cảm vì sao người đã mất không siêu thoát. Người thân ở lại nơi trần gian này luôn nhờ cầu siêu, chỉ sợ linh hồn kia vương vấn đau khổ. Khi người thân còn ở lại cõi này, liệu người ở thế giới kia chịu rời bỏ người thân chăng. Bây giờ tùy câu trả lời của bạn khi đang sống, thì hiểu câu trả lời của mai sau, khi ngày tận thế của mình.

Danh từ tận thế cũng chẳng gì ghê gớm, chỉ là dứt cuộc sống ở đời này, để tiếp cuộc sống ở đâu đó, theo nguyện hay nghiệp mà thôi. Nhưng đáng sợ là không biết rõ nơi mình đến, chứ như đăng kí  khách sạn sẵn khi du lịch thì an ổn thôi.

Bạn, suy nghĩ và hành động bây giờ của mình, chính là sự đăng ký nơi chốn mai sau. Khi tâm còn so sánh lấy bỏ, thì có nơi chốn nào yên bình. 

Thôi thì, dù cho có một chút luyến tiếc khi từ giã, cũng thầm hiểu rằng, nơi nào mình đến cũng chính do mình mà thôi. 

Bạn có thấy như vậy là chúng ta phần nào yên tâm, dù đi tay không nơi đến vẫn là có, và dù tay đang có nơi đến vẫn là không. 

Khi nghiệm lại đời mình, thấy khá rõ ràng bạn nhỉ.

Rồi tan như sóng bạc đầu, trở về biển rộng mênh mông bao giờ




Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Có giấc mộng lành



Bạn hỏi tôi sao không kể cơn mộng lành!

À, Khi mộng dữ biết là chỉ là cơn mộng, thì đó là một đời mộng lành rồi.

Mình luôn có mộng dữ, vì cả đời cứ theo dõi tâm dùm người, lúc nào cũng muốn người sống cạnh tốt hơn, công việc hoàn thiện trăm phần, chỉ có vậy mà mình và người chìm trong cơn mộng dữ. Mình chịu không nổi những sơ sót của người bên cạnh, nên luôn ra tay nghĩa hiệp uốn nắn, còn bạn ấy thì chịu không nổi sự luôn chen vào giúp đỡ để bạn ấy tốt hơn.

Mọi sự đã không như ý, ai cũng nổi nóng, khi nóng thì cho nhau những lời khó nghe. Thương tổn và buồn rầu vì nhau, vì thương nhau, muốn tốt cho nhau…

Nghịch lý đó cứ thế, mà cả thế giới làm khổ nhau, chỉ bắt đầu từ tôi làm khổ bạn, vì thương bạn, muốn bạn tốt hơn. Híc!

May tôi và bạn chỉ mới “mộng dữ”, chứ cảnh đời còn nhiều cơn ác mộng đáng sợ hơn. Mình chưa thấy mộng lành, thì sao mong ai mộng lành được bạn nhỉ!
Sóng biển, bãi cát, tảng đá, hàng dương… Mỗi ngày tôi nhìn như một phóng ảnh của tâm mình, lúc thì tâm như sóng vỗ nhẹ rì rào, có lúc như gào thét theo tiếng gió đời, có lúc cố chấp cứng ngắt như tảng đá kia, có lúc chịu đựng như hàng dương theo cơn gió biển…

Bạn, nếu đó chỉ là cảnh, thì dường tâm vọng động kia cũng thế. Còn thực sự tâm nguyên thủy của chính mình, bạn có thắc mắc không?

Cơn mộng lành là đây chăng!

Dù rằng thỉnh thoảng có mộng lành cũng cho mình niềm tin, và biết thế nào để có giấc mộng lành cho nhau, hơn là cả ngày chỉ cho nhau cơn mộng dữ.
Một đời  có kịp vượt biển tử sinh

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Mộng dữ của nhau


Vừa nhắc đến tên người đó, em đã vội nói, "thôi đừng nói đến người đó nữa" với một vẻ ngán ngẩm. Và người đó cũng có thái độ y hệt em khi nghe nhắc đến tên em.

Những người có nhân duyên sống gần nhau lại là cơn mộng dữ của nhau. Khi đang mộng thì cảnh mộng như thật. Còn người ngoài thì thấy có gì đâu, chỉ vì ai cũng thấy mình đúng, thấy mình vì người, thấy mình đã hết sức nhường nhịn, đã hết sức để hàn gắn. Vì cả hai hết sức làm theo ý của mình và muốn mọi chuyện theo ý mình, cả hai thấy tất cả sự nỗ lực để hòa hợp của mình, còn điều rằng muốn người kia theo ý mình, thì không thấy!

Cho đến bây giờ vết rạn nứt càng lúc tưởng như càng to, nhưng thật ra, chỉ là ảo tưởng thôi, vì khi nhìn và hiểu sự chấp khư khư ý mình là đúng, mọi việc mới tự giải quyết được. Nếu không, có đưa ra ban hòa giải nào cũng chịu thua. Vì cái ảo tưởng trong tâm mình, người ngoài làm gì được chứ.

Chỉ có sự nhìn lại tâm mình, hiểu tâm mình, hiểu những điều khư khư trong tâm mình. Nhưng dĩ nhiên ai cũng có một đòi hỏi, người làm lớn phải hiểu điều này trước, nếu không thì mọi chuyện cứ thế mà bế tắc. Rồi đành chia tay. Nhưng người lớn kia, cũng u sầu vì những sự không được chia sẻ của cộng sự khi họ đang gặp phải khó khăn.

Chúng ta lúc nào cũng đòi hỏi nhau hơi nhiều, còn ít khi tự đòi hỏi mình làm gì để đúng với con đường mình chọn, mình đang đi. Sự bất mãn luôn có trong tâm, làm thế nào bây giờ nhỉ!


Mặt trời lên trên biển và lặn ở đỉnh núi, nó dần khuất về tây,ánh chiều cũng có cái hay như ánh bình minh. Từng ngày qua, cứ thế, nếu bạn muốn có câu trả lời, câu trả lời sẽ có lúc nào đó, trên bước chân từng ngày của bạn.

Bước chân chậm nhưng bạn vẫn quyết định đi, dù con đường có nhiều khó khăn, bạn sẽ mở dần từng gút nhỏ, kiên nhẫn với chính tâm ngang ngạnh của mình. Cái tâm lúc nào cũng thấy mình đúng mình phải, mà chưa từng nghĩ rằng đó chỉ là những suy nghĩ của riêng mình.

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

bình minh trên biển


Tôi ra đến bãi, ánh mặt trời sau đám mây dầy, nhưng cũng báo hiệu bình minh.


chờ một chút, à ánh sáng rõ hơn rồi

Chờ thêm chút ánh sáng trải dài trên mặt biển

Sáng nay tôi mới để ý, trên bãi rất nhiều vỏ ốc, và những chú còng chạy nhanh như gió, tôi canh mãi không chụp kịp. Có lẽ nó sẽ chọn ngôi nhà nào vừa ý để trú ngụ.

Có lẽ chú còng nhỏ đó nghĩ rằng chú có quyền chọn lựa, cái quyền đó thì không phải ngay lúc này, nó phải có trước khi chú chọn. Như chúng ta chẳng hạn, mình nghĩ rằng mình chọn chỗ ở, chứ thật "nghiệp" mình tạo đã chọn chỗ ở cho mình! Bạn ngẫm nghĩ kỹ xem, thấy điểm này khá thú vị. Thuật ngữ chuyên môn gọi là "chánh báo y báo" . Mình ngày hôm nay thế nào đều do chính tư tưởng đã khởi nghĩ rồi nuôi dưỡng và phát ra hành động... đưa đến ngày hôm nay.

Ánh bình mình kia, mỗi ngày chẳng giống nhau, dù có chụp ngay một chỗ, bởi "duyên" chung quanh khiến nó thay đổi, và tuy rằng một ngày như mọi ngày, nhưng mỗi ngày đều khác, nếu bạn để ý kỹ điểm này trong tâm, sẽ giúp mình dễ chịu hơn khi đón chào một ngày mới, dù thân tâm đang thế nào, cũng là có một ngày sống để sửa đổi cho chính mình.

Khí vô hình


Tôi nhớ lúc còn trẻ, nghĩ rằng có thể nói thật với nhau mọi suy nghĩ. Dần dà năm tháng va chạm đổ vỡ và bảo vệ cái gọi là danh dự hão, người ta đâm ra nhiều im lặng khi sống cạnh nhau.

Từ đó có danh từ góc khuất, là một góc tưởng rằng người ngoài khó nhìn thấu. Nhưng có một điều lộ ra, khiến người bên cạnh thường cảm nhận được, đó là “khí”. Tuy rằng nó vô hình với mắt, nhưng lại rõ ràng trong sức cảm nhận.  Tôi cố tìm một định nghĩa mà không ra, chỉ có thể dùng thí dụ để cảm nhận. Chẳng hạn người ở cạnh mình, tuy rằng bạn không nói rằng bạn đang buồn, nhưng nỗi buồn trong tâm bạn bàng bạc quanh bạn, khiến mình cảm nhận, nhưng hỏi, thì bạn bảo không có gì.

Chúng ta đều nói không có gì gì, nhưng cái vô hình kia lại như bức chắn có thật. Khiến đưa đến sự dè chừng, và người ta cố gắng nói những gì không đem đến sự mất hòa khí thêm.

Người ta không thể nói hết mọi suy nghĩ, để giữ thế giới phần nào bình yên. Vậy thì sao. Cuối cùng tôi tìm được đáp án, sau bao năm, luôn băn khoăn khi thấy mình không thể nói những gì muốn nói cùng nhau.

Đó chỉ là khi khởi nghĩ để ý nghĩ đó xuống, đừng đem theo tâm mình, tâm không có điều muốn nói, bạn sẽ đỡ băn khoăn. Nhưng hãy thử xem, khá vất vả, đôi lúc tôi nghĩ mình để xuống, nhưng khi gặp ai đó có thể nói được, mình nghe giọng nói của mình, là biết, hóa ra vẫn cất kỹ đâu đó. Nghĩa là bạn phải bắt đầu lại từ khởi điểm.

Chiều nay cùng nhau đi dọc bãi biển và hàng dương, tình cờ bàn đến một vấn đề tôi không vui lâu nay, thế là mỗi người một câu, mới biết ai cũng rất bực, mà không thể nói được. Nói xong, buồn cười, biết mình đang đứng ở khởi điểm, để làm lại điều đang muốn thực hiện. Để xuống! Để xuống! chỉ đơn giản thế thôi. 

Nhưng chưa để xuống nên bãi biển và hàng dương kia biến mất dù tất cả đang trước mắt.

Cứ thế, cho đến bao giờ. Câu hỏi thật khó trả lời, vì chỉ chính mình mới biết bao giờ đừng tồn tại những khí phát ra khiến người chung quanh cảm thấy không vui khi phải tiếp xúc. 

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

con còng trong vỏ ốc



Hình tôi chụp là con ốc mượn hồn, một giải thích ngắn gọn là “Loài còng nhỏ sống trong vỏ ốc đã chết”. Hay rõ hơn một chút : là những con tôm với chiếc thân mềm, dễ bị tổn thương và thường phải sống nhờ trong vỏ của những con ốc đã chết hoặc bất cứ vật rỗng nào mà chúng có thể tìm được và chui vừa vào.

Mỗi người suy nghĩ một cách khi cầm con ốc này trên tay, vỏ ốc vẫn còn mới. Nghĩ cũng lạ, vỏ ốc kia trôi dạt theo sóng nước, rồi theo thủy triều lên xuống vào bãi cát này. Còn con còng kia, ở đâu mà chui vào vỏ ốc này, nó cũng lang thang không định hướng, tình cờ hay nhân duyên gặp vỏ ốc này, và có một chỗ cư trú.

Vậy thì con ốc kia tuy chết, nhưng chiếc vỏ chưa hủy hoại theo thời gian làm nơi tạm trú cho con còng, cũng là một việc tốt thôi mà.

Nhờ định nghĩa rằng “trong một vỏ ốc đã chết”, con còng đâu gây chiến để giành chỗ, nó chỉ tìm cái mà người khác đã không còn sử dụng nữa. Rồi thì nó sống thế nào, tôi không biết. Nhưng nó cũng giữ nhà nó khư khư, chạy đi là đem theo nơi trú ẩn.

Nhìn nó, cứ như bài học rằng mình mượn thân tạo bởi đất nước gió lửa. Mình chỉ khác nó, mình biết mình sống để làm gì! Mình cũng mượn thân, cái chấp thân là cái chấp sâu nhất. Khiến cho bài Tâm Kinh kia dù đọc hằng đêm cũng khó mà hiểu thấu đáo cho được.

Biết là khó nên có một bản kinh giúp mình dễ chấp nhận hơn “như chiếc bè qua sông”, chỉ nương thân như chiếc bè đưa mình qua bờ sông sanh tử. Và thân rất quý như “con rùa mù ngàn năm gặp được bọng cây nổi”. Được nhắc ngày nào còn an ổn nên hiểu rõ những gì mình đang tìm, như con còng mượn chỗ ở kia, chẳng có gì bền vững là của mình hết. Nhưng ngày nào còn nhờ vỏ ốc đó tránh được sóng biển vùi dập, thì trân trọng cho xứng một kiếp được làm người.

Tôi thả con còn trong vỏ ốc xuống bãi biển, nó đào cát ẩn sâu trong lòng cát, để lại trong tôi một chút nghĩ ngợi về đời mình.

viết chữ trên cát


Tôi ra bãi muộn, nắng đã lên. Định ghi lại một ảnh khi mặt trời lên. Chỉ có vậy mà cũng không xong. Để thấy có những “mơ ước” xem ra dễ dàng, nhưng khi không có hoàn cảnh thuận tiện, thì điều mơ ước nhỏ nhoi cách gì cũng không thành.

Mơ ước của mỗi người trong tầm tay hay trên tầm tay một chút, đã gọi là mơ ước thì hình như có chữ “mơ” nên là giấc mộng chăng. Nhưng chính nhờ mơ ước, giúp cho một sức vươn lên. Người hướng thiện mọi điều xây dựng trên việc hướng thiện. Và nhờ mơ ước cuộc sống càng lúc càng vững tin. Nếu không thì ngược lại, đáng buồn cho đời mình và cả người liên quan đến mình, chứ đâu riêng là người thân.

Người ta thường được nhắc nên thận trọng từ ý nghĩ là vậy. Mọi việc khởi đầu chỉ từ một ý nghĩ bâng quơ rồi hình thành thế giới mình đang sống, an bình hay rối ren cũng từ đó.

Tôi viết chữ tâm kinh trên cát, chưa được, chờ sóng đánh tạt lên xóa, rồi bãi cát phẳng phiu như chưa từng được ghi gì. Tôi viết lại, cũng chưa hài lòng, rồi sóng lại xóa đi.

Buổi chiều nước lên đầy, không tìm ra đâu là bãi cát buổi sáng mình đã đi qua, tất cả chìm trong nước.  Rồi sáng mai, nước rút ra xa, mọi việc tái lập lại. Như một đời người từ giấc mơ này qua giấc mơ khác, từ kiếp này sang kiếp khác, nếu không thay đổi tư tưởng, thì sáng cũng ra bãi, gặp những người đánh cá quen thuộc. Rồi những con cá mắc câu vùng vẫy, rồi trưa sang đời khác, liệu có thoát khỏi giấc mơ của cá chăng.

Người ta vẫn hẹn nhau kiếp sau, khi kiếp này giấc mơ chưa thành. Cái gút chỉ nằm ở tư tưởng, và mình đi đâu, mình muốn đi đâu. Có thực sự là ước muốn như thế chăng, hay chỉ vì một chút chống trái mình ngỡ mình quyết tâm bỏ thế giới này, về nơi chốn nào đó. Nhưng khi lòng dịu xuống, lại chần chừ.

Cứ nhìn sóng biển, thủy triều mà hiểu tâm vọng động của mình, mà hiểu vì sao vẫn còn một tiếng thở dài trước những cảnh đời quanh quẩn.

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

con đường tim vỡ




Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai tựa máu hồng


Hễ đi ngang con đường xuống bãi, hoa tim vỡ nở hai bên đường, bao giờ trong nhóm cũng có một ai đó ngâm như thế. Bài thơ thì không ai thuộc cả bài, chỉ lõm bõm vài câu có nhắc đến hoa. Rồi thì năm tháng qua đi, vậy mà hôm nay trở lại, hoa vẫn nở hai bên đường, trong đầu tôi cũng tự dưng nhảy ra câu thơ đó.

Những năm tháng đó, đời sống đơn giản, nhạc chỉ nghe radio, nên bản nào là cả thế hệ đều thuộc, bài thơ nào hay là cả giới trẻ ngày đó đều thuộc, chép tay chuyền nhau, ai cũng có một tập thơ tập hay tập nhạc chép tay. Thời đó chẳng có gì bận rộn tâm trí như thế hệ này. Đâu có mà cả ngày chúi đầu vào vi tính vào trang web. Tuy học hành nhưng chẳng áp lực quá nặng nề như ngày nay.



Chiều nay nước lớn, nước vào đến bờ đá, nhìn như sông rộng, không sóng lớn, thỉnh thoảng vài con sóng mạnh. Trầm mình trong nước bình yên, tâm cũng bình yên không sợ hãi như khi nhìn những con sóng dữ tới tấp. Tôi nhớ đến con đường hoa tim vỡ. Cái gì chậm rãi sẽ thấm và tâm người lâu hơn, đừng quá dồn dập nhồi nhét. Tại sao người ta cần bớt công việc, bớt lấp đầy tâm bằng những hình ảnh phim truyện. Chỉ để tâm tự hồi phục, tự tiêu hóa hết những gì nó liên tục ghi nhận trong ngày.

Cả tuần nay, tôi rời bỏ nghiên cứu chữ nghĩa, để tâm tự ổn định lại nó, nó sẽ tìm cách tự hồi phục lại. Ngày xưa tâm đỡ toan tính, có lẽ cuộc sống đơn giản hơn, người ta không cần phải có quá nhiều nhu cầu tiện nghi. Bây giờ mọi thứ nhanh gấp đôi, người ta làm nhiều hơn, thành quả nhiều hơn và đánh mất mình cũng gấp bội.

Cơn bệnh đã cắt ngang mọi toan tính, những thứ nghĩ rằng không thể dừng lại được, thì đã tự động dừng lại. Mỗi ngày tôi đi dọc bờ biển, nhìn mình như một người xa lạ, một con người năng nổ không ngừng, nay chỉ còn đi thong thả trên bãi cát, nhàn nhã nhất đời.

Tôi nhớ lại câu thơ và tự hiểu, người ta cần có thời giờ cho tâm nghỉ ngơi một chút trước khi mọi thứ quá muộn màng. Bây giờ mọi thứ đều tăng tốc, chúng ta ở trong vòng xoáy của nó. bạn, liệu chúng ta có thể biết làm gì để bình an và không bị cuốn theo hay chăng.

------------------------------------
[Bạn là ai! là những người đang đọc dòng viết này. Nhiều người muốn biết danh từ bạn trong bài viết của tôi. Là bạn đó thôi, người đang bâng khuâng cảm giác như tôi đang nói tâm tư bạn. Bởi tâm bạn cũng chính là tâm tôi]

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

chuyện nói thường ngày


Khi không để ý, sự giao tiếp dường như bình thường, là thường bàn tán về một lỗi lầm của ai đó. Chuyện dễ nói, vì quanh chúng ta người “xấu” thì vô số. Hiếm khi nghe được lời khen ai, mọi cuộc bàn tán thường phê phán chỉ trích cả thế giới này. Càng làm lớn càng bị nhiều sự chỉ trích, tương giao càng nhiều thì làm sao làm vừa ý nhau hết.

Tôi hỏi bạn sao giọng nói nghe cay đắng thế. Bạn bảo, mình khổ tâm khi cả ngày phải nghe toàn chuyện không hay của người. Chẳng bao giờ nghe được lời khen ai, mà nếu có thì cũng… trời ơi, chỉ khen những người củng cố cho họ thôi.

Bây giờ bạn muốn bỏ loài người mà chạy sao. Chạy đi đâu bây giờ. Bạn có để ý bạn cũng thường nói lời không hay về người, khi bạn nói bạn không để ý, vì nỗi bực đang che sự tỉnh táo của bạn. Người khác cũng vậy thôi.

Bạn hay tôi không thể rời xa thế giới này đâu, vì ngoài nói đến người thứ ba, bạn nghĩ có gì hấp dẫn tâm mê muội của mình hơn thế chứ. Bạn không can đảm không nói theo, vì bạn sợ bị cô lập. Nhìn cho điểm này trong tâm đi bạn. Tôi há chẳng từng nói, mình một đời hèn như thế hay sao. Mình cũng mê muội quanh quẩn bắt người khác phải cứ nghe nỗi phiền của mình về một ai đó, nói mãi mà lỗi lầm người khác vẫn chưa hết.

Các bậc Thầy luôn nhắc mọi chuyện có thể giải quyết được, khi bạn kịp biết tâm bạn đang thế nào, và đừng trôi theo nó. Nếu chúng ta không đang bình an, thì từng đợt sóng phiền này tiếp theo đợt sóng phiền khác, nhận chìm mình trong biển phiền. 

Nhưng, ừ nhưng nếu quen hiểu ra điều này bạn sẽ nhanh lấy lại thăng bằng. Tâm bạn thăng bằng trước, thì những lời nói kia mới không là áp lực hằng ngày cho mối tương giao quanh bạn. Chúng ta mới bình tâm để lời nói kia tan đi, không bị giao động ảnh hưởng

Thỉnh thoảng nhờ những băn khoăn trăn trở như thế, lời các bậc thầy như ánh đèn soi sáng khoảng đường tối tăm bởi bất giác của mình, con đường không đến nỗi nào quá chông gai, khi có ánh sáng soi  những chướng ngại.

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Vòng bủa vây

Cuộc sống càng lúc càng khó khăn, giữ được việc làm bao năm nay là điều không dễ, mọi thay đổi có thể xảy ra, và hai chữ “thất nghiệp” luôn đe dọa.
Có cách nào giúp đỡ một tâm đang nặng nề như vậy. Mọi thứ đều chông chênh, chức vụ lại càng chông chênh hơn, anh đang làm giám đốc, chỉ một thoáng chiếc ghế đó và tay người khác. Than van trách móc ai bây giờ. Dĩ nhiên lỗi luôn là của ai khác mình.
Cảm giác tưởng rằng bị coi thường khi mình không có gì, khiến anh khó chịu hơn, càng vùng vẫy anh càng bất an. Bao nhiêu lời khuyên đều vô ích, lỗi lầm là của thế giới bất công này. Công lao của anh không được ghi nhận.
Nhưng tất cả là giấc mơ, mọi thứ anh vẫn đang có trong tay, nhưng phản ứng của anh khiến cuộc sống như một bi kịch cho anh, anh xấu hổ vì sự điên cuồng của mình. Anh kể lại giấc mơ cho tôi nghe. Giấc mơ ngắn ngủi mà kinh hoàng.
Bài học đối với tôi chỉ là, tâm mình đau buồn khi bị mất mát, có nghĩa là tâm mình luôn bị danh lợi cột ràng, dù mình có nói là chẳng quan tâm hay chẳng cần. Mình không thấy sự ham danh ham lợi của mình, nhưng mình có thể nhận ra khi mình không có gì hết. Qua đó mình sẽ tự chấn chỉnh lại cái nhìn của mình, đời mình sẽ nhẹ nhàng hơn.
Vì ai cũng một đời bôn ba khổ sở để giữ chặt những phù hư đó, mà luôn tưởng mình không cần. Tôi cảm ơn anh đã kể tôi nghe giấc mơ, khiến tôi cũng tự giật mình, nhìn lại tâm mình.
Có những điều rất đơn giản, nhưng chỉ khi có những tình huống bất ngờ giúp mình nhận ra và thoát khỏi vòng bủa vây của nó.

con rối tâm mình

Người ta bảo là ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, nên cả ngày trời mù mù, biển sóng cao. Tôi ngồi nơi ghế nhìn ra xa. Cái đẹp của biển có nhuốm chút đau lòng, nhìn những người đang giăng lưới, đang phá vỡ những tổ của con sò xanh. 

Tôi đi ngang, có một lời chú nguyện cho sinh bé nhỏ kia, một lúc nào đó, nghe được chánh pháp, tự cứu mình thoát khỏi cảnh khổ đời.

Chú đánh cá và tôi chạm mặt nhau trên bãi. Chú biết làm gì hơn khi cuộc sống của chú và gia  đình chú là thế, tôi biết làm gì hơn khi nhìn những sinh vật bé nhỏ kia. Và dường như cả thế giới có biết làm gì hơn với những cảnh đời diễn ra trước mắt. Có lần tôi hỏi chị, tại sao cầm tờ báo lên không có một tin tức nào giúp mình tin tưởng vào tâm thiện của con người hơn, trong khi hằng ngày rất nhiều người vẫn cố gắng hoàn thiện tâm tư mình.

Và rồi chỉ vì không biết làm gì khác hơn, nên chúng ta đành cam chịu vui buồn theo người. Đi xem múa rối mới thấy rõ, khi đặt tâm mình vào tay người khác, mình có làm gì được. Những con rối cũng đi đứng cũng cử động, cũng nói năng, nhưng theo sự sắp xếp của người đạo diễn.

Còn mình thì sao bạn nhỉ. Thỉnh thoảng bất chợt chúng ta tình cờ nhận ra, chính nơi mình có một sự tự chủ, một sự vững vàng riêng, hóa ra mình không phải là con rối vô tri kia, để mặc cho người muốn điều khiển thế nào cũng được.

Thế giới dù đang thế nào, thì trong cái hỗn mang kia, vẫn có một sự bình an. Đời sống cần những khoảng lặng để mỗi người tự hiểu mình sâu sắc hơn, và biết mình là ai, đang tìm gì, có lẽ lúc đó mới làm chủ được tâm mình, mới có thể chấm dứt một đời con rối trong tay người.

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Lời nhắc của sóng


Tiếng gió, có lẽ là tiếng sóng biển vỗ vào ghềnh đá. Hôm nay biển động, sóng to, từng đợt sóng lớn đánh vào bờ trắng xóa. Tôi nhìn ra xa, những đợt sóng trắng xuất hiện từ ngoài tít. Chiếc cờ đen ngay sát bậc cấp dẫn xuống bãi. Không thể “mạo  hiểm” trong lúc nguy hiểm này, dù rất nhiều người muốn bước xuống nước kia.
Tôi đành ngồi trên bãi nhìn từng đợt sóng mạnh, có vẻ đe dọa sự an bình. Tại sao tuy có những bảng báo mà vẫn có những sự cố bất ngờ. Mọi thứ trên đời đều có lời cảnh báo. Nhưng khi sự cố xảy ra, người ta mới ân hận đã không dừng lại khi đọc những lời cảnh báo, đã không dừng lại khi được khuyên can.
Đêm, tiếng sóng vẫn bên tai, như một lời nhắc nhở những gì cần lưu tâm. Nhưng khi tôi bận chú mục vào trang web, thì tiếng sóng kia hòa lẫn tiếng gió mạnh dường như không có.
Con đường ngoằn ngoèo chúng ta đang đi, chỉ bởi sức chú mục vào một điều đang giữ chặt lấy tâm mình, tâm không thể nghe được gì khác, không thể thấy được gì khác.
Như bây giờ tôi có thấy gì khác, nghe gì khác ngoài trang web trước mặt. Hay chúng ta đều chẳng thấy gì khác nghe gì khác ngoài những gì tâm đang chú mục, đang cho là của mình, đang cố níu giữ ánh phù du. Bạn nhỉ.
Một điều đã tự cho là của mình, thì dù có ai dẫn lời Pháp cú, hay bất cứ lời dạy nào của bậc Đạo sư, mình cũng nghe để mà nghe, còn trong trái tim vẫn thấy đây là của mình!
Đêm nghe tiếng sóng, lúc có, lúc không dù tiếng sóng không lúc nào ngớt, mà chạnh lòng vu vơ cho một đời say say tỉnh tỉnh.

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Cái gì đổi mới


Chiều nay mặt trời đi ngủ sớm, khí oi bức vẫn còn lảng vảng khắp nơi. Trời cuối thu và sắp vào Đông. Người ta đã chuẩn bị cho lịch năm tới. Chuẩn bị từ bây giờ mới kịp. 

Mỗi năm, ai cũng muốn có một cái gì mới hơn lạ hơn, thay vì những hình ảnh cứ như thế từ năm này qua năm kia. Nhưng cái mới kia lại nhanh chóng trở nên nhàm chán. Kỹ thuật số cố gắng tạo những hiệu ứng hình ảnh mới lạ cũng không đủ giữ niềm yêu thích lâu dài.

Chính vì mình không thể thay đổi tâm tư được, nên mong bên ngoài thay đổi cho đời vui tươi. Và bên ngoài thay đổi mãi, tăng tốc theo thời đại, còn nỗi buồn kia, hình như chưa thấy gia giảm gì.

Cứ sau mỗi cuộc vui, người ta nhìn rõ nỗi buồn trong tâm mình hơn, nhưng đã vội khỏa lấp bằng mọi thứ bên ngoài, đến nỗi mình tưởng mọi chuyện đã qua đã quên.

Sáng nay em kể với tôi chuyến đi tu học tại Miến, rất vui tươi và kết quả, nhưng nếu em ở luôn, em còn vui tươi như vậy không? Thử xem những gì chúng ta sống trong một thời gian ngắn, dường như tuyệt vời, bởi nó như một giấc mộng. Nhưng khi mọi sự kéo dài, nếu tâm tư em không tươi mới, thì sự cũ kỹ nhàm chán sẽ xuất hiện như từ nào đến giờ.

Những va chạm với những thói thường cố hữu tham sân trong sâu xa sẽ có cơ hội bộc phát, và chúng ta dần thất vọng về nhau.

Em cần hiểu rõ điều này, em mới có thể giúp tâm tư em đổi mới. Chỉ khi tâm tư mình thay đổi trong sự hiểu biết, cảnh đời mới theo đó dễ chịu hơn.

Cao hơn núi Tu Di


Bây giờ thì gọi là kết thúc.

Không nói thì ấm ức, mà nói ra thì gọi là không tin nhau.

Ai cũng hy vọng người cạnh mình, tin mình, hiểu mình. Nhưng có nghi ngờ, dù chỉ là một thoáng thì sự đổ vỡ bắt đầu.

Dĩ nhiên sẽ có rất nhiều tư vấn gọi là hàn gắn, nhưng đã nhờ tới tư vấn có nghĩa mọi chuyện vừa chừng, đủ để duy trì mối tương giao tốt đẹp trước mắt những người thân chung quanh.

Ngày xưa Xuân Diệu đã thốt lên “Dù tin tưởng chung một đời một mộng, tôi là tôi, em vẫn cứ là em, chúng ta giấu nhau những giấc mộng không ngờ”. Người ta giấu nhau chỉ để mọi sự bình an tốt đẹp mà thôi, tôi chắc không có ý gì khác.

Mọi sự nên chấp nhận ở mức tương đối - chúng ta thường khuyên nhau như thế. Nhưng trong thâm tâm mỗi người lại luôn đòi điều tuyệt đối với một ai đó, nhất là với những người tạm gọi là người thân.

Thế đó, có nghĩa là vòng luân hồi sẽ mãi tiếp tục, bởi chính chúng ta vẫn còn nuôi trong tâm tư, gọi là nơi một “góc khuất” những gì muốn nói mà không thể giãi bày.

Như một người muốn vượt ngọn núi cao, nhưng không đủ sức để đi dài ngày. Tôi và bạn ngồi cạnh nhau, cạn từ tuần trà này qua tuần trà khác. Chỉ để thấy rõ, chưa thể làm gì khác hơn với cái vách núi tự ái của mỗi người sừng sững, còn cao hơn núi Tu Di kia.

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Hoa vàng thềm cũ




Màu vàng tươi bên màu xanh cũng tươi, như nét mặt vui bên nụ cười vui. Rồi thì một thoáng trong xấp hình rơi ra một gương mặt buồn, và đóa hoa vàng vừa tàn.

Em thường triết lý, về việc hoa tàn trăng khuyết. Sự hiểu chỉ để viết dăm tản văn, để nói đôi điều bình phẩm. Còn bây giờ em ngồi đó, lặng lẽ. Nỗi buồn thì phù du, nhưng ngay lúc này nó thật đến độ em không thể cười được.

Xử sự có vẻ nhẫn tâm với nhau, đôi khi lại là như một điều bình thường, vì người xử không thấy mình quá đáng, và dường như bên kia có lỗi đáng để có kết luận như thế.

Lắng nghe đôi bên giải bày, người ta đem lý nhân duyên ra, để hòa giải để những ai đã một lần học giáo lý, có thể chấp nhận, thôi đành coi mọi việc là như thế. Nhưng hồ sơ xếp lại cất vào ngăn kéo ký ức, nó sẽ tồn tại ở đó, cho đến khi có một ai đó soạn lại hồ sơ cũ.

Sự oan ức dường như có mặt khắp nơi, luôn được cất kỹ, trải qua nhiều kiếp nó vẫn còn nguyên vẹn, như những nhà khảo cổ tình cờ tìm thấy một văn bản cách đây cả ngàn năm, minh chứng rằng, ngày đó tháng đó, có một sự việc như thế.

Em ngồi im, nghe tôi nói về những bản văn cổ vừa được khám phá, như rằng chẳng dính dáng gì đến nỗi phiền trong tâm em. Nhưng nghĩ kỹ, tôi chỉ nói chuyện tâm em đang chịu, khi một sự việc có thật thì thế giới này có thật, đến độ không thể chịu nổi. Nhưng khi em có thể cho qua, thì mọi thứ nhẹ tênh.

Hóa ra sức nặng đè nặng trên tâm, chính chúng ta mới có thể hóa giải được. Bởi nó trong tâm chính mình, nên chỉ có mình mới thực sự cho nó nhẹ như mây nổi hay nặng nghìn cân.

Có những điều thật đơn giản, nhưng một đời để tâm mới có thể làm được.

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Ai có lỗi



Không biết chuyện đã đến hồi kết chưa. Và đoạn kết thế nào cho có hậu.

Chuyện thế này:

Chú mới tạo dựng cơ sở, chưa có người kinh nghiệm điều hành. Thấy chị mình công việc đang phát lên, trong tình nghĩa bèn xin vài người trợ lý để con em nhà mình học hỏi mà điều hành cho cơ sở mình được như chị.

Đoạn mở đầu nghe hợp lý, giao kèo được  ký, tôi không rõ sự hỗ trợ sẽ kéo dài mấy năm, 

Chưa đến một năm, nghe có chút trục trặc. Ngẫm nghĩ, dễ hiểu thôi. Giá đó là những người của chú chọn, không vừa ý chú, chú cho nghỉ sở ngay, có mà dám yêu sách này kia sao. Nhưng khổ nỗi đây là người của chị chú, nói đến hóa ra vuốt mặt không biết nể mũi. Chú đành nể mũi, làm thinh mà chịu.

Tâm tư chú thế nào, tôi không biết nhưng những cộng sự thân tín của chú thì phản đối ra mặt, về sự “không biết điều”, chưa kể còn gây chia rẽ nội bộ công ty, của những người trợ lý kia. Chưa hết, những người trợ lý đến để gọi là hướng dẫn cách làm việc mà lúc nào cũng giận đùng đùng chỉ trích nhân viên không tiếc lời. Hai bên nhận xét những khuyết điểm của nhau, nghe chóng cả mặt. Còn khuyết điểm của chính mình thì không nhận ra.

Bạn nghe tôi kể đến đây, mỉm cười, hỏi tôi có biết kết cuộc thế nào. Ai chịu là mình có lỗi đã không vực công ty lên như mong muốn.

Để giảng hoà - và sau này còn nhìn mặt nhau trong những lễ giỗ, bởi dù sao cũng là chị em trong nhà, người ta để hai chữ “nhân duyên” vào đó chứ còn gì nữa. Rồi chia tay. Chú sẽ rút kinh nghiệm về phần chú, chị sẽ rút kinh nghiệm về phần chị. Nhưng thường kinh nghiệm không rút được, bởi sự luôn cho mình đúng. Và cũng không học được gì nhiều, ngoài những điều trách móc lẫn nhau.

Tôi và bạn là hai kẻ đứng ngoài cuộc, nên lắng nghe được nỗi niềm của cả hai bên. Và rồi cũng đành làm thinh để hai chữ nhân duyên tự sắp xếp đoạn cuối, khi ngày kết toán cuối năm đến.

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Trời vàng...


Trời vàng..., tôi chưa biết nên dùng từ láy nào để tả được màu vàng trước mắt mình.

Trong kí ức từ có một chữ “vàng vọt”, nhưng nghe có vẻ bệnh và mệt mỏi, thôi thì, một màu vàng chẳng như trời chiều, chẳng là ánh nắng vàng chia nửa bãi, cũng chẳng là ánh nắng của buổi sáng nhiều sương mù.

Có những màu sắc, có nói, cũng chẳng miêu tả được, bởi nó trong cái nhìn của người đang bệnh, những cơn đau đầu, khiến màu sắc thế giới thay đổi. Và mọi thứ dường như thật xa vời. Tôi nhìn những đám cây xanh trước mặt, xa xăm.

Nhiều người ở bên cạnh, nhưng người bệnh vẫn dường như một mình với cơn đau. Họ đã tách rời thế giới quen thuộc, cái cảm giác cô độc thật đáng sợ ở những lúc này. Chính thế giải thích vì sao dù có người săn sóc bên cạnh, họ vẫn thường trách móc rằng, sao bỏ họ một mình. Suy nghĩ bình thường đã bị cơn đau tác động, người bệnh có thể có những ý nghĩ lời nói khiến người chăm bệnh dễ bực bội.

Ngày xưa ni trưởng Trí Hải có nói, mỗi người là một “cô hồn”, xong Sư cười giải thích, một linh hồn cô độc. Bây giờ cảm giác đó thật rõ rệt, rõ nét hơn khi đêm về. Khi chung quanh đã im lắng, chỉ còn người bệnh và cơn đau.
Chờ ai mong ai trông ai! Còn ai với ai – Trịnh cũng có lần hỏi như thế. Ai cũng tưởng có một ai đó bên cạnh là “có”, thật ra, ai có thể ở trong tâm mình những đêm tăm tối thế này, người thân cũng bó tay, không thể làm gì khác hơn.



Trong cơn đau vừa đủ để minh xác thêm lần nữa, những gì chỉ hiểu trên ý thức, thì đêm ba mươi đành để lại bên đường. Sự an tâm phải tự nơi bản tâm kia, không thể chỉ vài lần nhận hiểu mà có thể yên ổn trong cơn đau.

Cơn bệnh đã lui, sau khi để lại đôi lời dặn dò thống thiết cho khổ chủ. Cái cảm giác một mình cũng biến mất, hóa ra chỉ vì chúng ta luôn theo đuổi những suy nghĩ, chạy theo mãi chạy theo mãi mà tưởng là đời bình yên!