Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Ai có lỗi



Không biết chuyện đã đến hồi kết chưa. Và đoạn kết thế nào cho có hậu.

Chuyện thế này:

Chú mới tạo dựng cơ sở, chưa có người kinh nghiệm điều hành. Thấy chị mình công việc đang phát lên, trong tình nghĩa bèn xin vài người trợ lý để con em nhà mình học hỏi mà điều hành cho cơ sở mình được như chị.

Đoạn mở đầu nghe hợp lý, giao kèo được  ký, tôi không rõ sự hỗ trợ sẽ kéo dài mấy năm, 

Chưa đến một năm, nghe có chút trục trặc. Ngẫm nghĩ, dễ hiểu thôi. Giá đó là những người của chú chọn, không vừa ý chú, chú cho nghỉ sở ngay, có mà dám yêu sách này kia sao. Nhưng khổ nỗi đây là người của chị chú, nói đến hóa ra vuốt mặt không biết nể mũi. Chú đành nể mũi, làm thinh mà chịu.

Tâm tư chú thế nào, tôi không biết nhưng những cộng sự thân tín của chú thì phản đối ra mặt, về sự “không biết điều”, chưa kể còn gây chia rẽ nội bộ công ty, của những người trợ lý kia. Chưa hết, những người trợ lý đến để gọi là hướng dẫn cách làm việc mà lúc nào cũng giận đùng đùng chỉ trích nhân viên không tiếc lời. Hai bên nhận xét những khuyết điểm của nhau, nghe chóng cả mặt. Còn khuyết điểm của chính mình thì không nhận ra.

Bạn nghe tôi kể đến đây, mỉm cười, hỏi tôi có biết kết cuộc thế nào. Ai chịu là mình có lỗi đã không vực công ty lên như mong muốn.

Để giảng hoà - và sau này còn nhìn mặt nhau trong những lễ giỗ, bởi dù sao cũng là chị em trong nhà, người ta để hai chữ “nhân duyên” vào đó chứ còn gì nữa. Rồi chia tay. Chú sẽ rút kinh nghiệm về phần chú, chị sẽ rút kinh nghiệm về phần chị. Nhưng thường kinh nghiệm không rút được, bởi sự luôn cho mình đúng. Và cũng không học được gì nhiều, ngoài những điều trách móc lẫn nhau.

Tôi và bạn là hai kẻ đứng ngoài cuộc, nên lắng nghe được nỗi niềm của cả hai bên. Và rồi cũng đành làm thinh để hai chữ nhân duyên tự sắp xếp đoạn cuối, khi ngày kết toán cuối năm đến.