Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

"Tôi có lỗi gì?"


“Tôi có lỗi gì?” là một câu mở đầu tự hỏi, à không hỏi mà không biết ai là người giải đáp dùm. Người ngoài có thể thấy lý do đã đưa đến cớ sự như vậy, nhưng đương sự thì không. Đôi khi người ngoài cũng tức dùm, khi không thấy lý do chính đáng, khiến đương sự càng thấy câu hỏi mình là đúng.

“Tôi có lỗi gì?”, tôi cũng có lần nói như vậy, có lẽ lúc đó tôi quên lý nhân duyên chăng. Thường thì chúng ta xử sự với nhau luôn quá tay, nhưng ít khi nhận ra mình như vậy.

Tuổi trẻ nhìn ra hơi nhiều, nhiệt tâm nhiệt tình trong phụng sự và cống hiến, đâu biết trên bước đường đi, vô số lần dẫm lên sự đau khổ oan ức của người.

Lớn lên một chút, chín chắn, hiểu sự việc hơn, bớt sự nhìn một chiều, nhưng cũng chưa qua được tự ái của mình, nên còn nhiều rối rắm trong tâm. Mà trong tâm chưa ổn thì như sóng cuồn cuộn, không nhìn thấy mặt biển.

“Tôi có lỗi gì?”, sáng nay tôi vừa nghe lại câu đó, lỗi gì nhỉ, liệu bạn có chịu lắng nghe chăng. Hay câu hỏi chỉ để cho thấy mình đang bị xử oan ức.

Tôi nhớ các bậc Thầy thường nhắc, khi gặp việc, đầu tiên nhìn lại tâm mình, đừng nhìn đối tượng, tập được thói quen này, mới có thể nhìn thấu đáo mọi biến chuyển, mà mọi biến chuyển thật ra chỉ từ tâm vọng động. Cái tâm luôn phê phán, chọn lựa, so sánh. Nó bén nhạy với sự chạy ra và đánh mất mình. Cảm giác chông chênh không điểm tựa, sẽ bị trôi nổi theo sự sai xử của thói quen.

Mình thường muốn làm chủ, nhưng cả đời không đủ sức. Dù bạn đang là chủ một công ty, nhưng nhìn kỹ, bạn luôn bị sai xử bởi mọi người quanh bạn. Bạn buồn vui theo người. Nhìn ra điểm này mà giật mình, khi thấy một đời, tuy nhiều lần đứng đầu mọi ngành, nhưng chỉ là hư danh, còn chính mình luôn bị việc sai xử, thay vì làm chủ sắp đặt việc.

Nếu tâm mình, bạn không sắp được, thì chúng ta còn sắp được việc gì, bạn nhỉ.


“Tôi có lỗi gì?”, nếu cho đó là lỗi, có lẽ chỉ là sự thiếu tỉnh giác về chính mình. Không biết bạn có đồng ý thế không.