Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

chuyện nói thường ngày


Khi không để ý, sự giao tiếp dường như bình thường, là thường bàn tán về một lỗi lầm của ai đó. Chuyện dễ nói, vì quanh chúng ta người “xấu” thì vô số. Hiếm khi nghe được lời khen ai, mọi cuộc bàn tán thường phê phán chỉ trích cả thế giới này. Càng làm lớn càng bị nhiều sự chỉ trích, tương giao càng nhiều thì làm sao làm vừa ý nhau hết.

Tôi hỏi bạn sao giọng nói nghe cay đắng thế. Bạn bảo, mình khổ tâm khi cả ngày phải nghe toàn chuyện không hay của người. Chẳng bao giờ nghe được lời khen ai, mà nếu có thì cũng… trời ơi, chỉ khen những người củng cố cho họ thôi.

Bây giờ bạn muốn bỏ loài người mà chạy sao. Chạy đi đâu bây giờ. Bạn có để ý bạn cũng thường nói lời không hay về người, khi bạn nói bạn không để ý, vì nỗi bực đang che sự tỉnh táo của bạn. Người khác cũng vậy thôi.

Bạn hay tôi không thể rời xa thế giới này đâu, vì ngoài nói đến người thứ ba, bạn nghĩ có gì hấp dẫn tâm mê muội của mình hơn thế chứ. Bạn không can đảm không nói theo, vì bạn sợ bị cô lập. Nhìn cho điểm này trong tâm đi bạn. Tôi há chẳng từng nói, mình một đời hèn như thế hay sao. Mình cũng mê muội quanh quẩn bắt người khác phải cứ nghe nỗi phiền của mình về một ai đó, nói mãi mà lỗi lầm người khác vẫn chưa hết.

Các bậc Thầy luôn nhắc mọi chuyện có thể giải quyết được, khi bạn kịp biết tâm bạn đang thế nào, và đừng trôi theo nó. Nếu chúng ta không đang bình an, thì từng đợt sóng phiền này tiếp theo đợt sóng phiền khác, nhận chìm mình trong biển phiền. 

Nhưng, ừ nhưng nếu quen hiểu ra điều này bạn sẽ nhanh lấy lại thăng bằng. Tâm bạn thăng bằng trước, thì những lời nói kia mới không là áp lực hằng ngày cho mối tương giao quanh bạn. Chúng ta mới bình tâm để lời nói kia tan đi, không bị giao động ảnh hưởng

Thỉnh thoảng nhờ những băn khoăn trăn trở như thế, lời các bậc thầy như ánh đèn soi sáng khoảng đường tối tăm bởi bất giác của mình, con đường không đến nỗi nào quá chông gai, khi có ánh sáng soi  những chướng ngại.