Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

con còng trong vỏ ốc



Hình tôi chụp là con ốc mượn hồn, một giải thích ngắn gọn là “Loài còng nhỏ sống trong vỏ ốc đã chết”. Hay rõ hơn một chút : là những con tôm với chiếc thân mềm, dễ bị tổn thương và thường phải sống nhờ trong vỏ của những con ốc đã chết hoặc bất cứ vật rỗng nào mà chúng có thể tìm được và chui vừa vào.

Mỗi người suy nghĩ một cách khi cầm con ốc này trên tay, vỏ ốc vẫn còn mới. Nghĩ cũng lạ, vỏ ốc kia trôi dạt theo sóng nước, rồi theo thủy triều lên xuống vào bãi cát này. Còn con còng kia, ở đâu mà chui vào vỏ ốc này, nó cũng lang thang không định hướng, tình cờ hay nhân duyên gặp vỏ ốc này, và có một chỗ cư trú.

Vậy thì con ốc kia tuy chết, nhưng chiếc vỏ chưa hủy hoại theo thời gian làm nơi tạm trú cho con còng, cũng là một việc tốt thôi mà.

Nhờ định nghĩa rằng “trong một vỏ ốc đã chết”, con còng đâu gây chiến để giành chỗ, nó chỉ tìm cái mà người khác đã không còn sử dụng nữa. Rồi thì nó sống thế nào, tôi không biết. Nhưng nó cũng giữ nhà nó khư khư, chạy đi là đem theo nơi trú ẩn.

Nhìn nó, cứ như bài học rằng mình mượn thân tạo bởi đất nước gió lửa. Mình chỉ khác nó, mình biết mình sống để làm gì! Mình cũng mượn thân, cái chấp thân là cái chấp sâu nhất. Khiến cho bài Tâm Kinh kia dù đọc hằng đêm cũng khó mà hiểu thấu đáo cho được.

Biết là khó nên có một bản kinh giúp mình dễ chấp nhận hơn “như chiếc bè qua sông”, chỉ nương thân như chiếc bè đưa mình qua bờ sông sanh tử. Và thân rất quý như “con rùa mù ngàn năm gặp được bọng cây nổi”. Được nhắc ngày nào còn an ổn nên hiểu rõ những gì mình đang tìm, như con còng mượn chỗ ở kia, chẳng có gì bền vững là của mình hết. Nhưng ngày nào còn nhờ vỏ ốc đó tránh được sóng biển vùi dập, thì trân trọng cho xứng một kiếp được làm người.

Tôi thả con còn trong vỏ ốc xuống bãi biển, nó đào cát ẩn sâu trong lòng cát, để lại trong tôi một chút nghĩ ngợi về đời mình.