Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Tha nợ được không?

Bạn viết: “Từ hồi học Phật, mình vẫn tâm niệm rằng nếu mình có mắc nợ ai, xin cho trả hết trong kiếp này. Và nếu ai đã đang và sẽ nợ mình thì mình tha nợ hết cho tất cả. Mình vẫn không thích dằng dai nợ nần kéo dài kiếp này qua tới kiếp khác. Nặng nề quá !”

Chúng tôi vẫn thường nhắc nhau như thế, tha nợ cho người khác! Làm được không đây. Ban đầu nghĩ rằng đơn giản, nhưng… hình như mình “chưa đòi”, chứ không phải tha.

Ngẫm nghĩ xem, một việc nhỏ thôi, như ai nói nặng mình, mình nghĩ nếu lời qua tiếng lại cũng không tới đâu, thôi bỏ qua (tha nợ), nhưng mọi chuyện không vui lắng vào tâm. Sau đó nếu gặp một việc khác, không tha được, mình sẽ tính luôn nợ cũ (kể ra những gì lâu nay họ xử với mình không phải), vậy là đòi đủ! Nhưng thường trong lúc nóng nảy, có đòi thêm chút đỉnh, lúc đó gọi là mình vay họ!

Chuyện nhỏ thôi, đã thấy sự vay vay trả trả không có lúc kết thúc rồi, huống là những món nợ lớn va chạm hằng ngày trong cuộc sống.

Hiểu rõ vậy, mới có thể cẩn trọng, để gọi là “xé giấy nợ”, có thể thong dong không bị ràng buộc ngay đây và những ngày tới (kiếp này kiếp sau). Bởi dù muốn hay không, hễ vay thì phải trả! Chính thế các bậc thầy mới nhắc chúng ta lưu tâm đến những vọng động khởi trong tâm, biết được và dừng đúng lúc thì mọi thứ mới là giấc mộng, là hạt sương sớm… không thì mãi chật vật, trong cách sử xự gây phiền toái cho nhau hằng ngày.