Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Là một chia xa


Em ngồi cùng hàng ghế với tôi, cách nhau một đường đi. Em khóc suốt chuyến bay hơn 5 giờ đồng hồ.

Một cuộc chia tay đau lòng! hay là gì nhỉ? Đi về miền đất hứa sao lại không đem theo nụ cười! Tôi nghe lòng mình ái ngại, muốn nói một lời gì đó với em, nhưng không chỉ lối đi nhỏ ngăn lối, mà còn nhiều thứ chắn lối. Chỉ còn đành nhìn vu vơ màn hình nhỏ trước mặt cho biết độ cao, tốc độ, sức gió và khoảng đường đã rời xa và khoảng đường còn trước mặt.

Có lẽ ai cũng đã từng khóc cho một chia xa, và chịu đựng tháng ngày chờ đợi một điều không thể đến, như “người năm xưa đã xa vắng… chờ người không đến vẫn chờ…” trong những nỗi niềm tuyệt vọng trong kiếp sống.

Khoảng cách đến chỉ còn 548 mile với tốc bộ bay 493mph thì khoảng hơn một giờ nữa máy bay sẽ hạ cánh. Em khóc nhiều hơn với tiếng nấc, tôi nghe như lời minh chứng cho khổ đế của sinh ly tử biệt


Vấn đề được một bạn nêu lên, bạn kể: Bình thường lên bàn ăn, chỗ ngồi của những người thân, đôi khi thấy vắng, nhưng biết rằng người đang đâu đó trong khoảng không gian này. Nhưng trưa nay, nhìn chỗ vắng đó, nghe niềm đau vỡ oà khi người đã đi xa.
Bạn im lặng một chút cho dịu cảm xúc rồi tiếp, bạn đứng dậy bỏ bữa ăn vì không muốn nước mắt rơi trước bao nhiêu người.

Bạn không cần phải giải thích hết lời, sự đồng cảm lan tỏa, cả phòng im lặng, có lẽ với những nỗi niềm riêng, tương tự. Tôi cũng lặng im, chưa biết nên nói thế nào, mường tượng lại cảm giác của mình ngày đó, cái ngày mà chỉ nghe một khoảng trống mênh mông.

Hai khoảng trống như nhau, nhưng hai cảm giác hoàn toàn khác nhau. Bước vào phòng không thấy bạn, khoảng trống nơi chỗ ngồi, biết bạn đâu đó nơi phòng làm việc hay trong vườn, mọi thứ yên bình. Cũng là khoảng trống nơi chỗ ngồi, nhưng biết bạn đã đi xa. Và hơn thế nữa, nếu người đó rời hẳn thế giới này. Người ta không dám đi đến những nơi chốn còn vương bóng hình cũ, đôi khi phải dời nhà, bởi không chịu nổi cơn bão táp trong tâm.

Giải đáp có bạn đưa ra cho đó là ảo giác của tâm, nhưng kết luận mang tính lý thuyết nên không giải quyết được cảm xúc.


Tất cả đều muốn biết cách giải quyết,  những cách giải quyết đều là tạm thời, để làm nhẹ gánh nặng của tâm đang chịu. Không biết những người bạn mà tôi đã từng nghe kể những đau khổ của cuộc chia ly, lâu nay học Phật pháp, nỗi khổ lắng dịu tới đâu. Có thường ứng dụng những lối đi mà Đức Từ phụ đã chỉ hay không, hay khi thời gian làm nguôi ngoai thì những lời Phật chỉ dạy cũng nhạt phai theo.

Bạn, những nỗi khổ đó không chỉ đến một lần trong đời, mà còn theo chân chúng ta đến hết cuộc đời. Có lẽ nhân nỗi khổ đang có mặt, hiểu nó để có thể giúp chúng ta trong những ngày sắp tới. Nhìn những tiếp nối trong dòng suy nghĩ đã nuôi cơn đau thế nào, đã nắm chặt hồi tưởng thế nào. Ai có thể nhấc những kỷ niệm ra khỏi tâm mình, nếu chính mình chưa một lần nhìn thấy chính sự tiếc nuối và níu giữ lại. Ai cũng biết con đường mình đi cho mình chọn, nhưng có ai ngờ cũng chính mình chọn con đường quanh co mãi để đi.  

Bao lâu nữa chúng ta mới tìm ra giải đáp hoàn chỉnh cho chính mình về điều vẫn xảy ra từng khoảng đường chia tay, nhờ niềm tin về sự tu học mỗi ngày một rõ khi những nỗi buồn được soi chiếu, mọi thứ dần rõ ràng hơn, nỗi niềm của mình mỗi lúc một qua nhanh hơn, dù tâm tình đối với sự chia xa vẫn thế.
(Xin mở ngoặc nói ý câu này, nghĩa là chia xa thì vẫn buồn, nhưng khi “biết” thì không quá trầm trọng như xưa!)