Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Còn xanh lắm!


Còn xanh lắm!
Đọc câu này, có thể bạn nghĩ ngay đến chuyện ngụ ngôn về con cáo và chùm nho xanh!

Mệt nhoài sau khi cố gắng để với lấy cái hơi xa tầm tay, cố gắng mấy cũng không được, đành buông ra lời an ủi chính mình!

Nếu kịp an ủi mình thì cũng đỡ vất vả cho người an ủi dỗ dành khi mình thất bại, thất vọng. Tuy đọc chuyện này ai cũng cười con cáo kia, nhưng ít ra nó cũng tự hiểu và an ủi lấy chính nó.

An ủi lấy chính mình, nếu được vậy cũng là chịu được những cảnh nghịch lòng trái ý.
*
Đang học đến bài Vô Thường thì em chạy về gấp vì nhà em bị trộm viếng. Buổi chiều, bạn bè ghé nhà an ủi, đem lý vô thường vừa học bàn luận để em bớt buồn, vì những gì em dành dụm lâu nay đã mất hết.

Vài hôm sau em cười bảo, hôm nay con đỡ buồn, nhưng thật như các thầy giảng, mình học Phật nếu không ứng dụng sâu sắc, thì cuối cùng chỉ để an ủi người khác, còn chính mình chẳng thể làm  gì được, với những danh từ đó.

Thì thôi, ít ra các em cũng an ủi lẫn nhau, bước đầu phải là thế thôi. Con đường dài, cùng nhau đi, tuy đường xa và khó khăn cũng đỡ thấy ngán hơn. Sức mạnh của tập thể nâng đỡ tinh thần nhau là vậy.

Ban đầu đến đây, ai cũng lùng bùng chuyện trong tâm, nhưng nghe phân giải một chặp là dịu xuống. Dịu xuống thôi, một chút bình tâm là khởi đầu niềm tin về con đường mình chọn. Trong sóng gió, sẽ có những lời an ủi đúng lúc để tâm tư quen dần sự lắng dịu.

Cho nên an ủi chính mình và tự qua được, cũng là điều khó khăn rồi, đủ sức đi qua những đám mây như sương khói kia, đâu phải dễ. Nếu không qua được, đành để người an ủi mình! Vậy thì con cáo kia, cũng có điểm hay cho mình học đấy chứ, bạn nhỉ.

Nếu nhìn rõ trước lý nhân duyên, thì không phải đợi đến mệt nhoài mới thốt lên “còn xanh lắm”. Lý nhân duyên trùng trùng, mỗi ngày hiển hiện ra trước mắt, nhìn được thấu đáo, để không phải tự an ủi thì kể ra là điều tuyệt vời trong cuộc sống mình rồi.