Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Hoa Lộc Vừng ơi!



Bạn có thấy hoa này bao giờ chưa, tên hoa là Lộc Vừng. Tên hơi lạ, tôi chưa từng nghe. Hoa rơi khi vừa nở trọn, rơi trên sân cỏ cũng đem một vẻ đẹp nhẹ nhàng cho cỏ. Cỏ trổ hoa.

Trong ngàn lẻ một đêm, có đôi chuyện gây nhiều ấn tượng trong đó có chuyện A-li-ba-ba. Câu thần chú “vừng ơi mở cửa” đã mở ra kho vàng trong một hang đá ẩn trong rừng sâu, và đầu mối của câu chuyện bắt đầu.

Đã là một cánh cửa đóng kín lúc nào cũng cần một chìa khóa để mở. Chúng ta cũng chật vật biết bao trước cánh cửa tâm của người ở gần, muốn mở ra để hiểu họ nghĩ gì, cần gì. Mãi hoài vẫn vô ích. Gian trong của mỗi người vẫn đóng kín, cô độc, cô đơn dù hiện nay thế giới số người hàng tỉ.

Vì mải mê tìm cách để hiểu người, mà chính mình vẫn đứng ngoài tâm mình. Trôi nổi theo những phù du thay đổi. Muốn một phút an nghỉ cũng không có.
“Vừng ơi mở cửa”, câu đơn giản dễ nhớ như vậy, nhưng người anh của A-li-ba-ba kia vẫn không nhớ, có lẽ không vì chính tai anh ta nghe, chính mắt anh ta thấy, nên trôi qua không ghi lại được, đã gây ra biết bao gian nan nguy khốn cho chính anh ta và người thân.

Nếu không phải chính mình tìm thấy, nhận ra, cánh cửa tâm vẫn đóng kín. Chúng ta đứng ngoài chính mình! Một điều vô lý, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng dần dà, cảm thấy hình như chúng ta chẳng hiểu gì chính mình hết, thân tâm của mình mà mình chưa từng hiểu, chưa từng biết, thì làm sao có thể hiểu được người.

Sáng nay cành Lộc Vừng vừa nở, những cánh hoa mong manh dễ rơi khi chạm đến. Tên hoa nhắc nhớ hai tiếng vừng ơi nghe từ tuổi thơ. Cánh cửa đã mở từ bao giờ, nhưng có lẽ chỉ tại chúng ta đi qua khu rừng rậm kia, không biết đã vô tình đi ngang kho báu mà mình đã mãi kiếm tìm, nên vẫn còn đi quanh trong sự tìm kiếm.

Trên đường đi tìm, tôi lại mải mê để tìm hiểu những gì rực rỡ quanh tôi đến nỗi quên rằng đã quên mình theo vật.

---------------
Trong Ngữ lục có câu chuyện:
Cảnh Thanh hỏi Tăng: Ngoài cửa là tiếng gì ?
Tăng thưa: Tiếng mưa rơi.
Cảnh Thanh bảo: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật.