Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Chuyện bão



Một bài đọc dễ hiểu hay không có lẽ tùy sự quan tâm của người đọc về vấn đề đó.
Chẳng hạn tôi đang thắc mắc không biết sao lại có bão, nhân đọc bài:
Bão chỉ có thể hình thành khi có đủ 3 điều kiện: Nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy.
Nhà khí tượng Erik palmen đã tìm ra rằng bão chỉ có thể hình thành trên biển trong dải vĩ độ 5 - 20 độ vĩ hai bên xích đạo có nhiệt độ cao (từ 26 – 27 độ C trở lên) đảm bảo cung cấp đủ lượng hơi nước khổng lồ bốc hơi mạnh từ mặt biển để cung cấp năng lượng ngưng kết cho bão hình thành và lực coriolis đủ lớn để tạo xoáy, tạo điều kiện thuận lợi cho bão hình thành.

Mơ hồ hiểu có lý do nào đó gây nên bão, nhưng đọc chữ lực Coriolis thì chẳng hiểu là lực gì, tra chữ đó, đọc một bài diễn giải thật dài, như thời học môn vật lý. Đọc đi đọc lại chẳng rõ lắm, có lẽ phải nghe giảng rồi làm bài tập, may ra hiểu sơ sơ.

Tự dưng tôi nhớ hôm nói chuyện tham sân do vô minh, em đưa tay thắc mắc “sân” là gì, “vô minh” thì lại càng không hiểu dù cả nhóm đã đưa ra nhiều lời giải thích. Một danh từ sử dụng quen nghĩ là ai cũng hiểu, nhưng không thuộc phạm trù của người đọc thì không hiểu, mất nhiều thời gian để quen và hiểu.

Nên mỗi ngành nghề có một tờ báo riêng và có số độc giả nhất định, trang web cũng vậy. Vật lý ra vật lý, hóa học ra hoá học, còn triết học thì càng ít độc giả hơn, trang Phật giáo cũng không ra khỏi điều này.

Tóm lại chỉ có chuyện thường ngày là dễ hiểu!

Chỉ là khác nhau về cách nhìn chuyện xảy ra thường ngày. Như nghe tin bão, ngoài việc cứu trợ, có thể nhớ lại những cơn bão trong đời. “Mắt bão” đã thành hình và di chuyển thế nào. Hiểu được, về mặt khoa học có thể giảm thiểu nguy hại khi biết được hướng di chuyển và cách thành hình cơn bão.
Bão tâm còn khó nhìn ra hơn, nhưng nếu nhận kỹ được “tập đế” nguyên nhân của những nỗi khổ, tác nhân gây nên bão táp trong tâm. Có thể giảm thiểu sức tàn phá của nó. Một cơn giận thành hình, cũng bắt đầu từ nhiều giao động nhỏ, sự bất bình, sự không như ý…

Cho đến khi động lực tạo xoáy đủ để gây nên cơn bão! Động lực tạo xoáy, là sự việc diễn tiến càng lúc càng gây sức ép, khiến cơn giận đủ sức bùng nổ! Nhất là những lời nói ra nói vào là một trong những động lực lớn nhất.

Cơn bão của chuyện đời thường đã hình thành như thế, Khổ-tập-diệt-đạo là điều Đức Thế Tôn nói rõ từ bài pháp Tứ Diệu Đế đầu tiên.

Mọi thứ liên đới trách nhiệm với nhau trong những hành động không ý thức như phá rừng, sử dụng nhiều chất thải không thể phân huỷ…

Tiến trình không hiểu biết hành động của chính mình mà gây nên nghiệp lực khiến mình và người lao đao trong những cơn bão tâm lý hay vật lý.