Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Tại ghế này ư!


Có nhân duyên lắm mới gặp nhau, mới được ngồi cạnh nhau, cùng nghe những bài học như nhau.

Có lẽ tâm mỗi người là một lăng kính với chiết suất khác nhau, nên khi lời nói vào tai qua suy nghĩ và đưa ra những lời nhận định khác nhau về một bài học.

Sự tranh luận bắt đầu rất đơn giản. Ai cũng cho là chính mình được nghe, và lời kể chính xác. Đến hôm nay cả hai chúng ta chưa ai chịu là mình nhầm.

Cho đến khi chúng tôi đi ngang công viên, gặp chiếc ghế thế này, và dừng chân. Mọi chuyện hé mở. Vâng, chúng tôi đang ngồi cạnh nhau, rất gần, đang tán thán nhân duyên hi hữu gặp nhau. Nhưng vì từ trung tâm điểm chúng tôi đã nhìn ra ở những góc độ khác nhau, nên không thể diễn tả giống nhau được. Làm sao có thể ngờ rằng gần nhau mà nhìn khác nhau.

Thay vì một vòng tròn để thấy nhau thì là một vòng tròn để cái nhìn khác nhau. Hai hướng nhìn khác nhau, khi cạnh nhau. Tự nhiên tôi nhớ đến những buổi bàn luận rồi tranh luận và ai cũng cho sự hiểu của mình không sai. Có lẽ là thế, không sai với cái thấy của chính mình, nhưng sai khác với góc nhìn của người bên cạnh.

Bạn im lặng, ngắm chiếc ghế trước mặt. Ừ, đơn giản nhỉ. Nếu hiểu rõ như vậy, thì có gì để tranh cãi nữa. Việc gì cũng vậy, khi đưa ra có một số người chấp nhận, một số người phản bác.

Sự việc dù đơn giản đến đâu, nếu không hiểu rõ tình huống cũng khó chấp nhận rằng, chỉ vì khác chỗ đứng, khác môi trường được huân tập mà đưa ra cái nhìn sai khác, nên có nhận định và đoan chắc rằng mình đúng hơn người.  


Có thể đúng hơn ở điểm rằng, khi lên đỉnh đồi cao sẽ nhìn thấy bao quát thành phố với những tòa nhà cao sừng sững, những tòa nhà che tầm nhìn khi đứng trên phố.

Và đó cũng là lời chỉ dẫn của các bậc thầy về một cái nhìn, giúp cho đời sống nhẹ nhàng hơn, đỡ tranh cãi hơn.