Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Ai sở hữu ai?



Sau một chặp chọn lựa sao cho vừa ý và vừa kí lô được phép, cái còn lại để đem theo rõ ràng: một là sự tỉnh giác hai là sự mê mờ. Chỉ được một hai điều như thế. Còn mọi thứ khác chỉ theo chân mình một đoạn đường ngắn ngủi phù du này thôi. Ánh sáng Phật pháp luôn soi chiếu trên đường, giúp người tránh được những hố sâu của mong cầu và chiếm giữ.

Chính vì sự mê mờ quá lớn nên trần gian đặt ra vô số luật lệ để ngăn chận bớt, mà còn chưa thấm vào đâu với lòng tham có được, có thêm, có nữa!

Bóng dáng của ngã chấp luôn hắt bóng xuống đời mình, chỉ vì mình chọn sống theo như vậy.

Có một đoạn đối thoại giữa nhà hiền triết Diogenès và đại đế A-lịch-sơn:
Đứng trước Diogenès,  đại đế A-lịch-sơn cảm thấy mình thật nghèo nàn dù được trang sức với đủ thứ châu ngọc.
- Tôi ganh tị với ông. Tôi cảm thấy nghèo hèn so với ông, trong khi ông lại chẳng có gì. Vậy đâu là tài sản của ông?
Diogenès nói:
- Tôi chẳng ham muốn gì, vô dục là tài sản của tôi. Tôi là ông chủ vì tôi không sở hữu cái gì – vô sở hữu là tài sản của tôi. Tôi chinh phục được toàn thế giới vì tôi chinh phục được chính mình. Sự chiến thắng của tôi sẽ đi theo tôi, còn chiến thắng của ngài sẽ bị cái chết cướp mất.

Ngẫm nghĩ mà đúng, nếu đồng ý với mẩu chuyển đầy hàm ý này.

Sức mê mờ và chiếm giữ quá lớn, nên thế gian đành phải có quá nhiều luật lệ để ngăn chặn bớt sức tham cầu không có giới hạn.

Chinh phục được chính mình, chiến thắng được chính mình! Lời các bậc Đạo sư còn đó, trải dài qua năm tháng mà con đường của mỗi người vẫn còn vất vả. Đường đi còn khó khăn hơn chinh phục được ngọn núi cao thăm thẳm trên dãy Hy Mã Lạp Sơn kia.