Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

tình cùng vô tình


Tiếng rơi vỡ, tiếng vang lớn trong đêm, trà và mảnh vỡ lẫn vào nhau, một màu trà!

Kỷ niệm vỡ tan, hình ảnh chỉ còn nơi bức hình chụp hôm nào. Bình trà có từ lúc tôi bắt đầu uống trà, coi là người bạn, đi xa cũng đem theo, bình trà nhỏ như một trái quýt, và chung trà nhỏ hơn! Bình thường tôi ít để ai rửa, chỉ sợ rơi vỡ, người có lòng tốt dọn dẹp kia sẽ áy náy, vì biết tìm đâu bình trà như thế mà trả lại.

May chính tôi đi trong đêm tối đụng vào bàn, bình trà rơi vỡ. Tâm tình khép lại, vật vô tình, nó chứa tình trong cái vô tình, khiến cho những vật vô tình kia có một linh hồn!

Có thể là một đóa hoa bên đường, hễ tâm người chạm đến là nó có sự sống. Có lẽ vậy mà tình cùng với vô tình cùng thành Phật đạo chăng.
Nhìn sự đắn đo của một người dẹp tủ, dọn nhà. Cầm vật nào lên thấy cũng chưa đáng bỏ đi, người ta gọi chung là tính gom giữ, nhưng có thể nghĩ nhẹ hơn chăng, có một chút tình vương lại khiến người ta chưa đoạn đành.

Tính không đoạn đành đó, ở mặt tiêu cực là một tính chấp giữ, nhưng nhìn sâu xa hơn, vốn là hữu tình, nên đối với muôn vật còn lưu một chút tình. Vì thế sự giải thoát ít ai nghĩ đến, vì vương víu mãi chút tình nơi trần gian này.

Đến như các vị Bồ Tát kia cũng không đành lòng để chúng sanh giữa biển đời bơ vơ, đành phải phát nguyện:

Chúng sanh độ tận, phương chứng bồ đề (độ hết chúng sanh ra khỏi biển khổ mới chứng bồ đề).

Hóa ra chỉ tùy sự “không đành” ở mặt nào mà bi lụy hay xây dựng một đời tốt đẹp!
*
Bạn thấy tôi gom mảnh vỡ bỏ đi, khẽ bảo: Cẩn thận coi chừng đứt tay!