Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Chỉ thế mà vui chăng!





Một lần, hai lần… đến lần này hết kiên nhẫn xem mấy lần. Hóa ra người ta vẫn “giận” một vật vô tình.

Có một chuyện kể thế này, một chiếc thuyền trên sông bị thuyền khác đâm sầm vào, chủ nhân nổi nóng bước ra định gây sự, nhưng chiếc thuyền kia không có người, chỉ là gió vô tình thổi chạm vào thôi. Thế là cơn giận hạ xuống.

Đọc mẩu chuyện ẩn dụ này, tự nghĩ cái gì vô tình khó mà giận, nhưng nay cả thành phố bực bội khi mạng cứ rớt từng chặp. Vậy là trái ý thì bực thôi, hữu tình vô tình gì cũng thế.

Hai chữ “trái ý” gây phiền phức cả đời, nên ngày Tết người ta chúc nhau “vạn sự như ý”. Ôi! Chỉ vài sự còn không như ý được, nói chi đến vạn sự.
Gốc khổ ở sự ước muốn, mong cầu. Biết vậy, may ra có bớt khổ một chút, nghĩa là muốn như ý, nếu không như ý thì ý mình như như cho khỏi bực dọc!

Có lần tôi nêu câu hỏi “Có khi nào mình được mà người không mất?" Vì thường hễ mình được thì người phải mất cái mình được. Chưa có câu trả lời, dù câu hỏi đã đưa ra khá lâu. Dĩ nhiên bóng đá là rõ ràng nhất giữa sự được mất. Và tâm trí chao đảo theo quả bóng lăn.

Hôm qua loay hoay không kết nối được, chờ đợi, tôi đọc Trang Tử, có đoạn ở chương Điền Tử Phương. Đọc xong như tỉnh ra, không lấy gì làm vinh, không lấy gì làm lo, chỉ thế đời may ra nhẹ nhàng chăng. Sống chỉ là đem hết sức mà làm, còn đến cũng là duyên đến, tan cũng là duyên tan. Một đời không tranh giành cho mình được. Cứ thế mà vui, như Thúc Ngao chăng!

- Ông ba lần làm lệnh doãn nước Sở mà không lấy vậy làm vinh, ba lần mất chức đó mà không lo buồn; mới đầu tôi không tin nhưng bây giờ tôi thấy hơi thở ở mũi ông thật thư thái. Ông trị nội tâm cách nào mà được như vậy?
Tôn Thúc Ngao đáp:
- Tôi có gì hơn người đâu? Chức lệnh doãn tới, tôi không từ chối nó; nó đi, tôi không ngăn cản nó. Tôi cho sự được hay mất không tuỳ thuộc tôi, cho nên tôi không lo buồn, thế thôi. Tôi có hơn gì người đâu? Với lại tôi không biết nó là của người hay của tôi? Nếu nó là của người thì không liên quan gì tới tôi; nếu nó là của tôi thì nó không liên quan gì tới người. Khi còn trù trừ nghi ngờ như vậy, tôi nhìn khắp chung quanh (để tìm hiểu) thì còn thì giờ đâu mà nghĩ đến vấn đề sang và hèn của người đời nữa?
Trọng Ni nghe được lời đó, bảo:
- Ông ấy là bậc chân nhân thời cổ. Trí tuệ không thuyết phục được ông ấy, sắc đẹp không dụ dỗ ông ấy được, đạo tặc không cướp của ông ấy được. Hoàng Đế và Phục Hi có muốn làm bạn với ông ấy cũng không được. Sống chết là việc lớn mà không làm đổi lòng ông ấy được, huống hồ tước lộc! Một người như vậy, nhờ tinh thần, vượt núi Thái Sơn mà không bị trở ngại, xuống vực sâu mà không bị ướt, ở địa vị thấp hèn mà không khốn khổ, tinh thần tràn ngập khắp trời đất, càng cho người thì mình càng có nhiều thêm.
[Kiên Ngô là một ẩn sĩ. Tôn Thúc Ngao là một hiền sĩ nước Sở.]