Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Đi không đành...


Lúc bé chỉ đơn giản không đành xa cha mẹ, đi học thì không đành xa bạn bè. Thêm chút nữa, nhiều mối tương giao chằng chịt. Mỗi mối một nơi, đứng giữa đường biết chọn đâu cho đành! Sống chỗ này thì nhớ chỗ mình vừa rời bỏ. Nói chi cha mẹ già, con cái sống mỗi đứa một nơi, biết chọn nơi nào cho trái tim an ổn.
Đầu bạc vẫn chưa chọn được chỗ dừng chân, nếu có vào chùa thì cuối tuần vẫn thầm trông ngóng đứa nào đó đến thăm.
Bức tranh đời vốn thế, có gì để nói.

Nếu chấp nhận là thế thì có gì. Nhưng bạn lại không chấp nhận là thế, bạn vẫn hỏi vì sao bạn không thể sống an bình từng ngày dù bất cứ ở đâu, bởi bất cứ ở đâu, bạn cũng phải hít thở, cũng phải ăn uống… Và lúc nào quanh bạn cũng công việc cũng giao tiếp và bạn bè. Bạn hỏi thế có nghĩa là bạn đã thấy, hoàn cảnh sống có thể thay đổi và chấp nhận, nhưng trong tâm vẫn ngổn ngang không sao sắp gọn lại được.
Tuy nhìn bên ngoài vẫn thấy bạn làm việc nỗ lực, chẳng gì đáng phàn nàn, nhưng bạn cho biết, trong tâm chẳng bao giờ nghe vui trọn. Bạn muốn biết có cách nào để có thể vui!

Câu bạn hỏi làm tôi nhớ đến một trong tám khổ là “ái biệt ly” (thương mến phải chia lìa) tuy có thể không khổ bằng oán tắng hội (không ưa cứ phải gặp) hay ngũ ấm xí thạnh (cơ thể chẳng chịu hòa bình, hết nóng đến lạnh khiến đau nhức vật vả) nhưng nó lại làm cho đời sống không thăng bằng, lúc nào cũng như đi trên đường gập gềnh, nghiêng ngả theo chiều dốc.

Có cách nào! Có thể nào!
Bạn! Bạn đã để cả đời tìm câu hỏi này cho chính bạn và những người đang lao đao như bạn. Không phải bạn không biết cách, nhưng cách bạn biết không phải là điều bạn hay tôi làm được. Chỉ vì chúng ta chỉ chấp nhận chứ không phải trực nhận. Chúng ta chấp nhận lời Phật dạy là có lý, là kim chỉ nam là ngọn đuốc soi đường. Nhưng soi đường cho ai đi thì chưa có câu trả lời. Chúng ta muốn để xuống tất cả nhưng với hai tay níu giữ thật chặt. Tôi muốn để bạn đứng ngay nơi tôi vừa rời xa, nhưng tôi không đành để tôi đi một mình, và tôi đem bóng bạn theo. Và như thế tôi còn sống yên ổn cạnh ai với những bóng hình khác bên cạnh.

Các Bậc thầy đã hết lòng chỉ dạy, nhưng để mọi chuyện ngay chỗ của nó là một quá trình nhìn lại tâm, biết rõ những sinh khởi của tâm và không quá bị cuốn trôi miệt mài theo dòng suy tưởng. Không phải bỏ quên ai (đừng lo là sẽ quên những người chưa muốn quên), nhưng không gây những rối ren hiện tại. Không để bị trôi, vừa chừng cho mọi suy nghĩ nhớ nhung, có lẽ có thể chấp nhận được. Nhưng chúng ta đã làm sự tình không thể chấp nhận ở điểm đã làm đời ta không vui trong hiện tại.

Làm thế nào! Có làm thế nào được bạn. Chỉ khi nào bạn nhận rõ vì sao mình không đành, lúc mà chúng ta hiểu “thị pháp trụ pháp vị” (mỗi pháp ở nơi vị trí của nó), thì may mỗi người mỗi cảnh ở yên vị trí của nó khi mình rời xa.

Khi đã có câu hỏi cho chính mình, sẽ có câu trả lời cho chính mình.