Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Vẫn chút hiểu lầm


Em cười buồn: Con đã quen với sự hiểu lầm và oan trái rồi. Người ta có thể nói về con rất thậm tệ sau lưng con, nhưng trước mặt con không có một lời nào. Năm tháng trôi đi, khổ đau đã làm con trưởng thành hơn. Tuy rằng con vẫn còn buồn. 

Quen không có nghĩa có thể qua được, chỉ càng làm tâm mình thêm “khô cằn” và dần mất lòng tin nơi sự cảm thông.
Tôi nhớ có đọc một câu, không nhớ là của ai: “Sự thông cảm không bao giờ thừa”. Thông cảm cũng không có nghĩa là chấp nhận, nhưng hiểu vì sao họ nói như thế, suy nghĩ như thế. Ai cũng có một cái khuôn chết cứng của mình, và nếu không có dịp học hỏi với thiện tri thức để tầm nhìn rộng hơn, thì càng lúc càng thấy rằng “quen biết khắp thiên hạ, tri âm được mấy người”. Nhưng chữ “mấy người” cũng càng lúc càng bị xóa bỏ, chỉ còn lại hai chữ cô độc.

Tôi không đành lòng nhìn em thế.

Tại sao người khác hiểu lầm mình, cũng chỉ vì những gì mình làm nằm trong “thế gian cơ hiềm giới”, không phải là lỗi lầm gì, nhưng mình đã sống và có những lời nói lẫn hành động thuộc vào sự cơ hiềm của mọi người. Đức Phật rất tế nhị, có những điều Ngài nhắc nhở, không phải là tội khi phạm vào, nhưng là những điều không nên làm để tránh sự chê gièm của người, tránh sự hiểu lầm của người mà thôi.

Chiều xuống, trời càng lạnh, có chút sương nhẹ hay chút mưa rơi, khiến mọi dự định bước ra sân không muốn thực hiện. Đèn đã lên, ánh qua những khung cửa kiếng màu vàng ấm áp. Có một nơi trú ẩn ấm áp qua đêm lạnh là một điều mà những ai không nhà vẫn nghĩ tới.

Khi có được điều này người ta lại mơ điều khác. Dường như ánh sáng từ căn nhà khác tỏa ra vẫn ấm hơn nơi mình đang ngồi dưới đèn. Chính vì không rõ được những biến chuyển trong tâm, nên chúng ta đi từ quyết định sai lầm này qua chọn lựa sai lầm khác.

Em thở dài bảo: Cái gì ở phía trước thật khó mà biết được.

- Nhưng cái có thể biết được là chính tâm mình đang thế nào. Khi rõ biết được tâm mình, em sẽ biết điều em nên làm bây giờ.



“Thế gian cơ hiềm giới”, có nghĩa là giới tránh sự cơ hiềm của thế gian, thí dụ như ở đời có câu “qua giàn lý chớ sửa mũ, qua vườn dưa chớ sửa giày”. Đó là tránh cơ hiềm của người khác khi thấy mất dưa, nhớ lại thấy mình khi đi ngang có cúi xuống họ nghĩ: chắc là hái trộm rồi!.

Cho nên để ý những vấn đề tế nhị này mới đỡ bị hiểu lầm. Nhiều người sống không để ý, nên thường bị tai tiếng không đâu là vậy.