Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Quạt Ba Tiêu


Đọc Tây Du Ký nhiều đoạn lạ lùng và thú vị, nhất là khi theo bước chân của một Pháp sư Huyền Trang lịch sử, qua những đoạn đường có thật, khiến nhớ lại Tây Du ký thêm phần vui thú.
Con đường có Hỏa Diệm Sơn khiến thầy trò qua không được, là thành phố ốc đảo Cao Xương

Cao Xương là thành phố ốc đảo thuộc bồn địa (lòng chảo) Thổ-lỗ-phồn. Vùng đất này nóng vì do địa thế quá thấp, điểm thấp nhất của lòng chảo là 154m dưới mực nước biển, chỉ sau biển chết -392m. Ở giữa là vùng núi lửa nằm ngang kéo dài 100m, ngọn cao nhất 815m. Mùa nắng khí nóng tỏa ngùn ngụt bốc lên cao, nên nhà thơ Sầm Tham tả rằng trong lòng núi đỏ đó là cả lò than khổng lồ đang đốt cháy. Cao Xương rất nóng vào mùa hè, vùng trung tâm nhiệt độ nóng nhất là 470C. 
Hỏa Diệm Sơn tại Cao Xương (Tân Cương)

 岑參《經火山》
赤焰燒虜云     Xích diệm thiêu lỗ vân,           Lửa đỏ ngút tận trời,
炎氛蒸塞空     Viêm phân chưng tái không.  Khí nóng tỏa biên ải,
不知陰陽炭     Bất tri âm dương thán,           Sao củi than âm dương,
何獨燃此中     Hà độc nhiên thử trung.          Chỉ riêng đốt nơi này.
我來嚴冬時     Ngã lai nghiêm đông thời,       Ta đến lúc trọng đông,
山下多炎風     Sơn hạ đa viêm phong.          Gió nóng phủ chân núi,
人馬盡汗流     Nhân mã tận hãn lưu,             Người ngựa đẫm mồ hôi,
孰知造化功     Thục tri tạo hoá công.             Ai biết được hóa công.
     (Sầm Tham)                                                         (Hạnh Huệ dịch)


Trong truyện Tây Du đến đây, Tôn hành giả phải mượn quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa, “quạt có thể quạt một cái thì lửa tắt, quạt hai cái thì sanh gió, quạt ba cái thì mưa xuống. Khi quạt nhằm con người bay tới tám mươi bốn ngàn dặm mới ngừng”.

Lần đầu Tôn hành giả nhận được quạt giả, xem hồi 59 tả rằng: “Tôn Hành Giả thấy vậy nói rằng: - Xin thầy xuống ngựa, đợi tôi quạt tắt lửa, và mưa xuống cho mát đất rồi sẽ đi . Nói rồi xách quạt chạy tới núi, quạt một quạt lửa cháy rần rần, quạt bồi một cái nữa, lửa cao ngàn trượng! Nó lại cháy lan ra ngoài…”
cả bốn thầy trò chạy một mạch,
Sa Tăng nói: ‘Lửa cháy tới đón đường đi không đặng biết tính làm sao?’ 
Bát Giới nói: ‘Coi phía nào không lửa thi đi’.
Tam Tạng hỏi: ‘Ngõ nào không lửa?’
Bát Giới nói: ‘ Thiếu gì, phía Nam và phía Bắc, phía Ðông, đời nào có núi lửa’.
Tam Tạng hỏi:’Kinh ở phía nào?’
Bát Giới nói: ‘Kinh ở phía Tây’.
Tam Tạng nói: ‘Bề nào cũng đi phía có kinh’.
Sa Tăng nói: ‘Khó dữ a! Phía có kinh thì có lửa, phía không lửa lại không kinh, thiệt hại lẽ không bề lui tới!’

Trong truyện còn ba hướng để đi, cuộc sống còn hướng nào để đi, bỏ chạy ra khỏi nơi mình sống à? Nhưng biết chạy đâu khi thế gian là nhà lửa! Và cái quạt mình nắm trong tay để quạt tắt lửa lại là quạt giả, chỉ cần phẩy một cái là lửa bùng lên tứ phía. Một lời mình góp vào, hỏa diệm sơn không làm nguội bớt mà còn làm nó bốc cao hơn.
Buồn! Khi thấy cuộc sống đã là nhà lửa mà chính mình còn là một hỏa diệm sơn, không ai đến gần được.

Đọc tiếp Tây Du, khi được sự hỗ trợ của bồ tát, Tôn hành giả có được cây quạt “thiệt”, thì:
Còn Tôn Hành Giả cầm quạt Ba tiêu, chuyển lực quạt một quạt, thì lửa đã tắt rồi!
Tôn Hành Giả mừng thầm, quạt bồi một cái nữa, nghe gió thổi rao rao, mát mẻ hết thảy.
Quạt một cái nữa trời mưa chứa chan, chỗ nào có lửa thì mưa, còn chỗ nào không lửa thì nắng, bởi cớ ấy nên ai nấy không ướt quần áo. 

Hay thiệt! Chỗ nào không lửa thì nắng, đã không lửa thì cần gì mưa cho tắt lửa chứ.

Nhưng cái khó của mình là cây quạt ba tiêu tìm đâu chứ?

Bạn cười bảo, thì tìm trong Kinh chứ đâu, khi nào chính mình gặp được, thì may ra mới quạt tắt được lửa đang ngùn ngụt đốt cháy tâm can mình từng ngày.          
Nói cho nhiều chẳng qua tìm cho được cây quạt ba tiêu,    

Các bậc Tổ sư đôi khi mất mấy mươi năm để đi tìm, cuối cùng thật ngạc nhiên, hóa ra đang trong tay mình. Đang trong tay mình, các ngài bảo thế. Nhưng quả là:

"Tam thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi
Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu
Trực đáo như kim cánh bất nghi"

Ba mươi năm qua tìm kiếm khách
Bao lần lá rụng lại đâm chồi
Từ khi thấy được hoa đào nở
Mãi đến bây giờ lại chẳng nghi.