Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Tâm vu khống


Em nói, “con chỉ chia sẻ, xin đừng gán ghép con vào những việc đó”.
Có thể em thực tình nói thế, em không biết nói như thế dưới nhận định của người khác là khoe khoang hay tự phụ.

Khi chúng ta nhận định về ai đó, hoặc bị người chung quanh nhận định. Khi giải bày ra, ai cũng có cảm giác  mình bị gán ghép vào những tội mà chính mình không hay biết.

Khó mà biết nhận định nào đúng, nhận định nào sai lầm trên một sự kiện.

Kết luận vội vã cũng khó lòng không khởi trong ta khi có một sự việc qua mắt qua tai.

Từ nào đến giờ có lẽ bạn vẫn cho rằng mình không có tâm chụp mũ vu khống ai. Hóa ra chính mình không biết mà thôi. Bạn quên những buồn phiền khó nguôi khi chính mình là nạn nhân của những nhận định? Ai chẳng nhiều lần là nạn nhân của những lời được thốt ra vô tội vạ, nhưng gây phiền phức biết bao cho người khác. Vì những dẫn chứng được nêu lên truyền nhau mà không đích xác xuất phát từ đâu. Và chính mình không nghĩ rằng đã nhiều lần buột miệng nói ra những lời vô tình gây nên khổ sầu cho người quanh mình như thế, bởi những lời phỏng đoán theo tư kiến.
“Ít nói, chớ vội nhận định phê phán ai khi chưa hiểu hết sự việc” - là những lời luôn được răn nhắc trong thiền môn. Những chứng cứ được dẫn ra để minh chứng lời mình không vu khống chỉ dựa vào những lời nghe kể lại, quả thật nguy hiểm.

Có một lần em bảo tôi vu khống em, dĩ nhiên tôi rất bực hay đúng hơn là giận, vì tôi nghĩ tôi mà vu khống ai à. Nhưng sau rồi hiểu, ai cũng có cảm giác mình bị kết luận những điều không đúng. Sự phản kháng chỉ có thể thốt ra rằng, “tôi bị nói oan!” hay “Hiểu lầm rồi!”

Có lẽ chỉ có thể cẩn trọng mà nói rằng, mọi việc trên đời tương đối mà thôi. Mình hay người đều lâm vào hoàn cảnh vừa nêu, khi là nạn nhân, khi là người phê phán. Và ở vai trò nào cũng đều cho rằng “tôi đúng” nếu mình là người nhận định, và “tôi oan” nếu là người đang bị mọi người phê phán.

Thế thì câu kết luận cho bài viết này ở đâu? Ở trong ý của mỗi người vậy.